Cảm ơn bố mẹ vì đã nói “con cứ làm đi, sai cũng được”

23/11/2020 - 13:06

PNO - “Phần lớn là truyền thông đang nhìn người khuyết tật theo hai hướng: bi thương hóa hoặc anh hùng hóa. Tôi không muốn điều đó. Tôi chỉ muốn qua câu chuyện của chính mình, mọi người thấy rằng cuộc sống của những người khuyết tật vẫn tươi vui”

Cởi mở, giọng nói ấm, tình cảm, nụ cười tươi rói thường trực và rất tự tin. Đó là những ấn tượng của chúng tôi khi ngồi đối diện với Hương Giang - cô gái khiếm thị đang làm MC ở VTV, học cùng lúc hai bằng đại học và đang học lên thạc sĩ ngành tâm lý. Con đường của Giang, hành trình của Giang, cả khi chưa chạm đến những thành công đó vốn đã là ao ước của nhiều người.

Luôn nghĩ về sự may mắn nhiều hơn là hối tiếc

Lê Hương Giang, sinh năm 1995, sống ở quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Từ bé, mắt Giang đã rất kém, một mắt 1/10, và một mắt mất hẳn thị lực. Giang chỉ có thể nhìn thấy những gì lớn, dưới ánh sáng mạnh. Còn thường, mọi vật trước mắt Giang rất mờ.

Giang càng lớn, thị lực càng suy. Năm lớp Sáu, Giang hoàn toàn không thấy gì nữa. Nhớ lại ngày đó, Giang bảo: “Tôi đã được chuẩn bị tinh thần, bác sĩ dự báo từ trước là tôi sẽ mất hoàn toàn thị lực. Cấp I, tôi học ở trường Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng) nên đã nhận ra mình và đứa bạn hàng xóm không giống nhau. Tôi đã chấp nhận và dần dần làm quen với cuộc sống trong bóng tối”. Ở đây, thậm chí Giang đã thấy mình may mắn hơn rất nhiều bạn khiếm thị khác, bởi cô đã có những ngày được nhìn thế giới này, dù chỉ mờ mờ ảo ảo. 

Hương Giang và bố
Hương Giang và bố

Nhưng đứa trẻ nào cũng có những sang chấn tâm lý, dù ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp. Lên cấp II, thị lực mất hoàn toàn đúng giai đoạn bắt đầu thầy mới, bạn mới. Bọn trẻ cùng lớp vô tâm, khiếm khuyết của Giang bỗng trở thành tâm điểm của những cuộc trêu đùa. Với cô, không nhìn thấy nữa không phải là điều đáng sợ nhất, mà đáng sợ nhất là không thể kết nối với thế giới xung quanh.

Một lần, thầy giáo dạy toán đưa cả lớp sang làng gốm Bát Tràng. Những miếng đất Giang và các bạn nhận từ thầy đều góc cạnh chứ không tròn trịa. Có người thắc mắc vì sao, thầy bảo rằng thầy muốn các học trò hoàn thành những miếng ghép nhỏ của cuộc sống để ghép thành một cuộc đời. “Dù tròn trịa hay góc cạnh thì đó cũng là cuộc sống của các em”, thầy nói. Giang bừng tỉnh sau buổi ngoại khóa ngày hôm ấy. Cô chủ động tìm bạn, chủ động tham gia các buổi ngoại khóa thay vì chỉ ngồi cô độc trong góc lớp.

Giang bộc bạch: “Tôi luôn nghĩ về sự may mắn nhiều hơn là hối tiếc”. Cũng vì lòng lạc quan, luôn hướng về phía trước, mà ông bố, bà mẹ tuyệt vời của Giang đã vơi đi day dứt rất nhiều. 

Bố mẹ luôn tin tôi có thể làm được mọi chuyện 

Nhắc đến may mắn của mình, Giang xúc động nói về bố mẹ. Cô nhớ: “Xung quanh, nhiều người nói với bố mẹ tôi rằng “đừng cho nó động vào cái gì”. Rồi thì “anh chị nên chuẩn bị một khoản tiết kiệm lớn đi, chứ sau này anh chị chết đi sẽ chẳng có ai nuôi nó đâu”. Nhưng bố mẹ tôi rất khác. Tôi làm bất cứ việc gì cũng được động viên, khuyến khích “con cứ làm đi, sai cũng được, không sao cả. Con còn trẻ, còn nhiều thời gian, sai thì làm lại, không vấn đề gì”. “Mình luôn biết ơn và cảm thấy may mắn vì được làm con gái của bố mẹ”, Giang chia sẻ. 

“Bố mẹ luôn tin tôi có thể làm được mọi chuyện” - Giang kể. Chính niềm tin, sự khuyến khích, động viên từ gia đình đã đưa Giang hòa vào thế giới. Ở nhà, Giang bắt đầu học cách tự chăm sóc bản thân; học làm những việc cơ bản như quét nhà, giặt giũ. Giang nhận thấy người khuyết tật chỉ cần có thêm một người bạn cùng cảnh với mình là cả hai sẽ tựa vào nhau và tách biệt với những người khác. Thế nên hết cấp II, Giang xin học cùng các bạn lành lặn ở trường THPT Thăng Long. Cô muốn mình phải tự tìm cách hòa nhập với thế giới xung quanh chứ không sống trong cộng đồng của những người khuyết tật nữa.

Rồi Giang được tuyển thẳng vào đại học. Cô chọn Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) trong sự thán phục của bạn bè, họ hàng, ngõ xóm. Ở một góc nào đó, Giang đã xóa đi định kiến hằn sâu trong nhiều người, rằng khiếm thị thì chỉ có thể học nghề xoa bóp, bấm huyệt hoặc chẻ tăm.

Hương Giang (thứ hai từ trái qua) là MC khiếm thị đầu tiên của VTV
Hương Giang (thứ hai từ trái qua) là MC khiếm thị đầu tiên của VTV

Giang được tuyển thẳng vào đại học vì đạt giải ba quốc gia với thành tích chế tạo chiếc máy phát ra lời nói giúp phân biệt tiền thật, tiền giả và mệnh giá. Rồi cũng chính từ chế tạo này, Giang được chọn tham gia cuộc thi “Thách thức Công nghệ thông tin với thanh niên khuyết tật toàn cầu”. Lần thi đó, Giang còn “mang chuông đi đánh xứ người”, cô giành huy chương đồng trên đất Hàn Quốc. Bây giờ, cô đĩnh đạc là MC khiếm thị duy nhất của VTV (Đài Truyền hình Việt Nam). 

Đừng bi thương hay anh hùng hóa chúng tôi

Hai lần xuất ngoại khiến Giang trăn trở và khao khát phải làm điều gì đó cho cộng đồng người khuyết tật ở Việt Nam. Lần đầu tiên, năm chín tuổi, Giang cùng sáu học sinh khuyết tật khác sang Thụy Điển giao lưu văn hóa, hội họa... Ở đó, lần đầu tiên Giang biết thế nào là đường đi bộ dành cho người khiếm thị, thế nào là chữ nổi trên thang máy, thế nào là những chú chó dắt người khiếm thị đi trên đường. Thậm chí, ở một ngôi làng nhỏ, trong một thư viện rất nhỏ vẫn có sách chữ nổi... Khi đó, trong tâm trí cô bé chín tuổi ấy đã có suy nghĩ sẽ làm gì đó cho người khiếm thị, người khuyết tật Việt Nam. Sau này sang Hàn Quốc, Giang thấy những chiếc xe buýt mà sàn xe cao bằng vỉa hè để người khuyết tật dễ dàng lăn xe ra vào.

Cô thẳng thắn: “Chúng ta đang có những nâng cấp nhưng sự nâng cấp đó chưa hợp lý. Ví dụ những đường dốc dành cho xe lăn, có rất nhiều trường học đang thực hiện nhưng họ không nghiên cứu kỹ, chẳng hạn sử dụng vật liệu nào, độ dốc bao nhiêu là hợp lý dẫn đến tình trạng đường quá trơn, quá dốc, các bạn đi xe lăn không dám đi lên”.

Hương Giang tỏa sáng trong đêm chung kết Vẻ đẹp vầng trăng khuyết năm 2019
Hương Giang tỏa sáng trong đêm chung kết Vẻ đẹp vầng trăng khuyết năm 2019

Giang kể: “Chuyến đi Thụy Điển có rất nhiều kỷ niệm vì hồi đó tôi còn có thể nhìn thấy một chút. Tôi có nhiệm vụ dẫn những bạn hoàn toàn không nhìn thấy gì và miêu tả cho các bạn ấy khung cảnh đường phố, cung điện. Tôi còn bé nên cứ mải ngắm những cửa hiệu với các ô cửa lung linh, không may bạn mà tôi đang dắt bị va vào một người đàn ông lớn tuổi đang đi trên đường. Ông ấy quay lại lớn tiếng, có lẽ là mắng. Hồi đó, tiếng Anh của tôi chỉ đủ để nói rằng: “Xin lỗi, vì chúng tôi không nhìn thấy”. Một lúc sau, ông ấy chạy theo, hỏi chúng tôi đến từ đâu. Tôi nói chúng tôi đến từ Việt Nam. Ngay lập tức ông đưa tay vuốt lên mắt bạn tôi. Ông nói nửa tiếng Anh nửa tiếng Thụy Điển, rằng ngày trước ông từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam và từng rải chất độc da cam. Và bạn tôi bị mù chính là vì thứ chất độc ấy. Rồi ông đặt tay lên ngực mình nói: Việt Nam! Hồ Chí Minh! I’m sorry!!! Chi tiết ấy in mãi trong tâm trí tôi, đến tận bây giờ”.

Chia sẻ về dự định du học ngành tâm lý sau khi hoàn thành chương trình cao học ở Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Giang chợt nói: “Phần lớn là truyền thông đang nhìn người khuyết tật theo hai hướng: bi thương hóa hoặc anh hùng hóa. Tôi không muốn điều đó. Tôi chỉ muốn qua câu chuyện của chính mình, mọi người thấy rằng cuộc sống của những người khuyết tật vẫn tươi vui”. Nghe Giang nói thế, tôi khẽ giật mình, không lẽ chuyên gia tâm lý tương lai này đã “đọc” được tâm trạng của tôi? Thật sự rất khó để người đối diện nén được lòng cảm phục, thậm chí có chút “ghen tỵ” khi đối diện với cô gái đầy nghị lực này. 

Ngọc Minh Tâm 

Ảnh: nhân vật cung cấp

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI