Các trang confession dành cho sinh viên: Nơi để “tố” bạn bè thầy cô?

15/08/2023 - 05:59

PNO - Các trang confession (thú nhận hay bày tỏ điều mình muốn nói) giúp học sinh, sinh viên dễ dàng bày tỏ cảm xúc. Nhưng những nội dung thiếu kiểm chứng khiến kênh này biến thành nơi người học “tố” bạn bè, thầy cô, thậm chí chia sẻ những thông tin bịa đặt, gây tác hại khó lường.

"Chợ trời thông tin"

Ngày 26/7, Nguyễn Lê Tấn Tài - quản trị viên fanpage “UEH Confession” bị Tòa án Quân sự Quân khu 7 tuyên phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ vì phát tán thông tin sai sự thật. Vào đầu tháng Một, Tài đã duyệt, chỉnh sửa bài viết do người không rõ lai lịch gửi đến fanpage, có nội dung: đêm 10/1, tại Trường Quân sự Quân khu 7 xảy ra vụ 10 quân nhân hãm hiếp nữ sinh viên học giáo dục quốc phòng; trước đây đã xảy ra nhiều vụ việc tương tự. Tài đăng bài viết lên “UEH Confession” mà không kiểm chứng. Tuy sau đó Tài đã xóa bài viết nhưng có hàng trăm ngàn lượt chia sẻ, tương tác, gây hoang mang dư luận. 

Các trang confession có ở hầu hết các trường từ phổ thông tới đại học (ảnh chụp màn hình)
Các trang confession có ở hầu hết các trường từ phổ thông tới đại học (ảnh chụp màn hình)

Đáng nói, hiện nay, hầu hết trường phổ thông, đại học (ĐH) đều có các trang confession, thu hút hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn thành viên. Các trang này đều gắn với tên trường ĐH, như “UEH Confessions” (UEH - Trường ĐH Kinh tế TPHCM), “NEU Confessions” (NEU - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân), “Bùi Thị Xuân Confessions” (Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1)...

Tuy nhiên, thực tế, nhà trường không quản lý các trang này, mọi thông tin người viết được thực hiện dưới hình thức ẩn danh. Ngay cả người quản lý của trang cũng không biết danh tính người đăng vì sẽ thông qua một trang trung gian (thường là Google Docs). Các trang confession thường có lượng theo dõi rất lớn. Vì thế nhiều trang dựng lên những câu chuyện không có thật, “drama” nhằm câu view, tăng tương tác.

Theo thạc sĩ Nguyễn Minh Ngọc - Bí thư Đoàn Trường ĐH Công Thương TPHCM - việc các trang confession được lập nên là điều tất yếu, giúp sinh viên có nơi để giải tỏa áp lực và đưa ra quan điểm cá nhân, vì không phải người học nào cũng có đủ dũng cảm nói lên quan điểm một cách trực tiếp. Nhiều phản ánh mà sinh viên đăng tải trên confession đã được trường lắng nghe, giải quyết kịp thời. Đó có thể là góp ý về một môn học, cơ sở vật chất, nội dung bài giảng...

Tuy vậy, điều đáng báo động là tình trạng đội ngũ quản lý các trang confession đang mất dần quan điểm, định hướng, thậm chí không kiểm chứng thông tin trước khi duyệt bài, dẫn đến việc gián tiếp đưa ra các thông tin sai lệch. “Những bài viết “tố” bạn bè, thầy cô trên các confession nếu không chính xác sẽ có thể tương đồng với hành vi vu khống và vi phạm quyền riêng tư” - ông Nguyễn Minh Ngọc cho hay. 

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM) - ví những trang confession này như “chợ trời” vì bộ lọc chủ yếu phụ thuộc vào đội ngũ quản lý trang, mà không phải ai cũng được đào tạo về kiểm chứng thông tin. Song, nhà trường không có chức năng quản lý vì không là chủ sở hữu. 

Cần tuân thủ luật An ninh mạng

Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena - cho biết sở dĩ các trang confession luôn thu hút sự quan tâm của giới trẻ vì đây là nơi các em không dùng danh tính thật nhưng vẫn được bày tỏ bức xúc. Một số em khi đọc bài thì cảm thấy được chia sẻ, đồng cảm. Ngoài ra, đội ngũ quản lý trang cũng làm việc rất tích cực, đăng bài mọi khung giờ nên được nhiều người hưởng ứng. “Việc các trang confession hoạt động thể hiện sự đa dạng trong bày tỏ cảm xúc và hoàn toàn không vi phạm” - ông Võ Đỗ Thắng nói. 

Tuy nhiên, ông cho hay về nguyên tắc, các thông tin đưa lên mạng dù không thuộc quản lý của nhà trường nhưng bắt buộc phải tuân theo Luật An ninh mạng, không được xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức. Do đó, quản lý các trang cần chọn lọc, xem xét kỹ nội dung mà các thành viên gửi đến. Nếu thấy bài viết có tính công kích thì nên loại bỏ. Ngoài ra, cần thường xuyên kêu gọi các thành viên có ý thức khi tham gia confession. “Nếu người duyệt đăng những thông tin lên các trang confession xâm phạm quyền lợi của các tổ chức, cá nhân thì phải chịu trách nhiệm và sẽ bị xử phạt theo luật” - vị chuyên gia an ninh mạng nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, các trang confession “lách” bằng những bài viết dù không nêu rõ danh tính, nhưng lại mô tả chi tiết nhân vật, dáng vẻ ra sao... thì cũng có thể khiến người khác đoán được người được nhắc đến là ai.

Để tránh việc học sinh dùng các trang confession làm nơi bôi nhọ, vu khống những tổ chức, cá nhân, ông Huỳnh Thanh Phú nhìn nhận công tác tuyên truyền về văn hóa ứng xử trên không gian mạng rất quan trọng. Người học phải được dạy để hiểu được giới hạn giữa quyền tự do ngôn luận với việc phát ngôn sai sự thật và biết chịu trách nhiệm với hành động của mình. 

Ở góc độ người làm công tác đoàn, ông Nguyễn Minh Ngọc đề xuất nhà trường cần ban hành “Bộ quy tắc ứng xử của sinh viên trên mạng xã hội” để có chế tài hiệu quả và phù hợp. Cần lập văn phòng tư vấn tâm lý cho sinh viên (đoàn - hội có thể là đơn vị chủ trì), tổ chức các buổi gặp gỡ với các chuyên gia tâm lý để các em có nơi chia sẻ những khúc mắc thay vì bày tỏ ẩn danh trên mạng xã hội. 

Anh Nhàn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI