Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ rà soát lại trình độ giáo viên ngoại ngữ trên toàn quốc

18/09/2016 - 11:00

PNO - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định quan điểm về việc học ngoại ngữ cần phải thay đổi: Học để phục vụ công việc, cuộc sống chứ không phải học để lấy điểm cao.

Sáng 17/9, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị triển khai giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 của Đề án “Dạy và học Ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”. Hội nghị được tổ chức trực tuyến qua mạng internet tại 6 điểm cầu gồm Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, Đắk Lắk, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Chia sẻ tại hội nghị về những vấn đề tồn tại trong việc dạy và học ngoại ngữ trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD – ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho rằng, các thầy cô vẫn chưa chú trọng đúng mức tới thực tế, thực hành, nên nhiều học sinh, sinh viên đáp ứng chuẩn, thi đạt điểm cao nhưng khi gặp người nước ngoài vấn lúng túng trong giao tiếp, điều này cần chấn chỉnh.

Trong giai đoạn 2016-2020 và định hướng các năm tiếp theo các địa phương và các trường cần tập trung thực hiện 8 nội dung để nâng cao năng lực dạy và học ngoại ngữ, trong đó cần thực hiện rà soát lại các chuẩn giáo viên, chương trình đào tạo để xây dựng tài liệu giảng dạy, kiểm tra, đánh giá phù hợp, thống nhất trong toàn quốc. Đối với người học, cần tăng cường giám sát chất lượng người học để tạo được chuẩn theo các khung năng lực.

Bo truong Phung Xuan Nha: Se ra soat lai trinh do giao vien ngoai ngu tren toan quoc
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị.

Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, hiện nay, khó khăn nhất trong việc nâng cao năng lực ngoại ngữ ở Việt Nam là phần lớn học sinh, sinh viên chưa có ý thức học ngoại ngữ để phục vụ công việc, cuộc sống mà chủ yếu là học để lấy bằng. Vì vậy, đề án cần đẩy mạnh công tác truyền thông để học sinh, sinh viên và cán bộ công chức hiểu, từ đó có ý thức thường xuyên tự học, tự bồi dưỡng.

Đồng thời, cần phải thay đổi quan điểm dạy học. Đó là, học ngoại ngữ để phục vụ công việc, phục vụ cuộc sống chứ không phải học để thi lấy điểm cao.

Tại hội nghị, đại diện các địa phương, trường đại học đã thảo luận về các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, trong đó trọng tâm là việc nâng cao chất lượng, đào tạo đội ngũ giáo viên; tăng cường cơ sở vật chất, củng cố nâng cao chất lượng công tác khảo thí.

Ông Nguyễn Văn Trào, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hà Nội cho rằng, để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ thì cần tính đến yếu tố người học, để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ việc học có hiệu quả hơn.

“Đối với Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 thì đối tượng giáo viên và đối tượng người học là được quan tâm như nhau. Giai đoạn 2008-2015 chúng ta quan tâm nhiều đến giáo viên. Tôi không phủ nhận vai trò của giáo viên, nhưng người dậy muốn thực hiện tốt vai trò của mình thì thực sự cần sự hợp tác của người học. Vì vậy một đề án cho cả quốc gia thì tôi nghĩ rằng bên cạnh việc đầu tư cho giáo viên thích đáng thì phải đầu tư phù hợp cho đối tượng người học. Chúng ta xem người học họ cần cái gì, nếu là thích đáng thì chúng ta phải có trách nhiệm đáp ứng”.

Các đại biểu cũng cho rằng, việc bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ phải được thực hiện bởi các cơ sở hay trung tâm bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ có uy tín, đủ khả năng và kinh nghiệm. Phương thức tổ chức bồi dưỡng bằng cả hình thức trực tiếp và online để các giáo viên đều có thể sắp xếp thời gian theo học. Hoạt động khảo thí, kiểm tra, đánh giá phải được thực hiện thống nhất với tiêu chuẩn chung là Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam.

Phương Anh (TH)


 

news_is_not_ads=
TIN MỚI