Bộ phim "Anh có phải đàn ông không": Góc nhìn mới mẻ và hóm hỉnh về phái mạnh

07/03/2022 - 08:01

PNO - Mang nội dung về cuộc sống gia đình, tình yêu, "Anh có phải đàn ông không" được thể hiện dưới góc nhìn của những người đàn ông, có phần hài hước, thú vị.

Sau nhiều bộ phim đề tài gia đình có khuynh hướng thể hiện góc nhìn nữ quyền, màn ảnh nhỏ VTV đang mang đến cho người xem một tác phẩm chủ đề mới lạ: Anh có phải đàn ông không (30 tập, đạo diễn Trịnh Lê Phong, phát trên VTV1 lúc 21g40 thứ năm, thứ sáu hằng tuần) với những câu chuyện về thế giới đàn ông. 

Dẫu vẫn mang nội dung về cuộc sống gia đình, tình yêu nhưng Anh có phải đàn ông không lại được thể hiện dưới góc nhìn của những người đàn ông, có phần hài hước, thú vị.  

Ngay từ đầu, bộ phim đã thu hút tò mò của khán giả khi đưa ra chân dung ba nhân vật chính là ba mẫu đàn ông điển hình trong cuộc sống: hiền lành, gia trưởng, “trẻ trâu”. Đó là Duy Anh, một ông “nội trợ” đúng nghĩa, giao chuyện cơm áo gạo tiền cho vợ lo. Nhật Minh, một người chồng tính tình nhỏ mọn. Tuấn Khang, một chàng trai độc thân thay bồ như thay áo, ngông cuồng. 

Ba nhân vật chính trong phim Anh có phải đàn ông không
Ba nhân vật chính trong phim Anh có phải đàn ông không

Bộ phim vẽ ra thế giới thu nhỏ về cánh mày râu mà ở đó khán giả nam hay nữ khi xem đều cảm thấy rất gần gũi. Nam giới nhìn thấy những gì diễn ra với bộ ba Duy Anh, Nhật Minh, Tuấn Khang chính là nỗi lòng của họ: sự khó xử khi phải đứng giữa cuộc chiến mẹ chồng-nàng dâu, bất lực khi không thể là trụ cột kinh tế gia đình khiến con cái cũng coi thường (Duy Anh); cảm giác mất mặt khi đến chỗ làm bị cấp trên không tin tưởng, cấp dưới xa lánh, về nhà nhìn vợ thăng tiến còn bản thân giậm chân tại chỗ thậm chí mất việc (Nhật Minh); nỗi trống trải khi lớn lên trong đổ vỡ vì mẹ mất sớm, cha có người đàn bà khác; ngột ngạt khi bị người yêu quan tâm quá mức dẫn đến ghen tuông. 

Thế giới đàn ông trong phim không chỉ có những khúc mắc, lo toan mà cũng có những phút giây hài hước, đáng yêu. Chẳng hạn tình bạn “không đánh không thân” của Nhật Minh và Duy Anh, những cảnh bộ ba tụ tập xem đá banh, “tám chuyện” trong bể bơi… Hay tình huống dở khóc dở cười khi Duy Anh lập nick ảo giả làm bạn trai của con gái để hiểu con hơn dẫn đến việc bị vợ nghi ngờ có bồ nhí và khiến Tuấn Khang bị hiểu lầm bắt cá hai tay. Ngoài yếu tố dí dỏm, hài hước, Anh có phải đàn ông không có thêm điểm cộng khi không lạm dụng kịch tính, kéo rê tình huống hay xây dựng nhân vật hơi quá (over) để gây chú ý. Mọi tình huống đều vừa phải, thắt mở hợp lý. 

Cha mẹ Duy Anh sau những căng thẳng với một cô con dâu không đảm việc nhà, bức xúc với thằng con trai trưởng “lép vế” vợ đã hiểu và thông cảm cho lựa chọn ở nhà nội trợ của Duy Anh.  Mâu thuẫn hay gắt giữa Duy Anh và Dương - con gái, được giải quyết sau 1/3 chặng đường của phim. 

Trailer phim Anh có phải đàn ông không:

 

 

Phái đẹp sẽ đồng cảm với cả ba người phụ nữ trong phim: Dung - vợ Duy Anh - tháo vát, khôn khéo bù trừ cho ông chồng nhu nhược, cam chịu; Lệ - vợ Nhật Minh - đảm đang, giỏi chịu đựng; và Vy - người yêu Tuấn Khang - một cô gái hết lòng với người yêu đến mức thích kiểm soát đối phương. Ba người đàn ông, những nhân vật chính đôi lúc khiến người xem bực mình nhưng khó thể ghét được họ vì tất cả đều là người tốt, luôn yêu thương gia đình chỉ có điều chưa biết cách cư xử phù hợp, tinh tế.

Màn ảnh nhỏ lâu nay khá hiếm những bộ phim nói lên nỗi niềm của cánh mày râu, trong Anh có phải đàn ông không có sự chua chát của hiện thực, những đau thương mất mát sau xung đột mâu thuẫn nhưng cũng đầy ắp sự lạc quan, yêu đời của những “đứa trẻ to xác”- như cách phụ nữ hay nghĩ về đàn ông.

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI