Bỏ giấy phép xây dựng sẽ góp phần giảm giá nhà

27/05/2025 - 18:23

PNO - Tại phiên họp chuyên đề của Chính phủ về xây dựng pháp luật trong tháng 5/2025, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu kiên quyết cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, trong đó có giấy phép xây dựng.

Thủ tướng nêu rõ, khi người dân đã có quyền sử dụng đất hợp pháp thì đương nhiên có quyền xây dựng trên đất đó. Trách nhiệm của UBND cấp xã, phường là kiểm tra việc xây dựng có tuân thủ đúng quy hoạch và các quy định hiện hành hay không. Bởi lẽ, mỗi khu vực đều đã có quy hoạch cụ thể về chiều cao công trình, diện tích cây xanh, khoảng cách giữa các ngôi nhà và khoảng cách từ nhà đến vỉa hè.

Nên bỏ yêu cầu xin giấy phép xây dựng nếu đã có quy hoạch chi tiết 1/500

Ông Lê Hữu Nghĩa – Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM rất đồng tình với đề xuất cắt giảm các thủ tục liên quan đến giấy phép xây dựng nhằm cải cách hành chính, rút ngắn thời gian cho người dân và doanh nghiệp.

Theo ông Nghĩa, việc bỏ giấy phép xây dựng không phải là vấn đề mới, bởi trước năm 2013, quy định này đã từng được áp dụng. Cụ thể, đối với các dự án nằm trong khu vực đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, bản vẽ quy hoạch đã thể hiện đầy đủ thông tin như chiều cao công trình, khoảng lùi… nên không cần xin giấy phép xây dựng, miễn là công trình xây dựng đúng với quy hoạch thì sẽ được hoàn công và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Một dự án nhà ở riêng lẻ đang xây dựng
Một dự án nhà ở riêng lẻ đang xây dựng

Do đó, ông Nghĩa cho rằng việc miễn giấy phép xây dựng nên được triển khai lại. Với nhà ở riêng lẻ không nằm trong khu vực quy hoạch chi tiết nhưng thuộc khu vực đã có kiến trúc đô thị do Nhà nước xác lập, mỗi thửa đất đều có quy định rõ ràng. Người dân chỉ cần xin phép khi muốn xây dựng vượt quy định cho phép, còn trong trường hợp thông thường thì nên được miễn giấy phép xây dựng.

Đối với các dự án như chung cư, tòa nhà văn phòng… nếu đã có quy hoạch chi tiết 1/500, ông Nghĩa cũng đề xuất nên bỏ yêu cầu xin giấy phép xây dựng. Bởi quy hoạch 1/500 đã thể hiện đầy đủ thông tin tương đương giấy phép xây dựng. Các bước thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật đã được các chủ đầu tư thuê đơn vị chuyên môn đảm trách, Nhà nước nếu muốn kiểm tra thì chỉ cần thuê đơn vị thẩm tra có chức năng thực hiện, sau đó để chủ đầu tư xây dựng đúng theo quy hoạch đã duyệt.

Ngoài ra, ông Nghĩa cũng đề xuất nên bãi bỏ công tác nghiệm thu công trình, vì cho rằng đây là một thủ tục mang tính hình thức. Khi công trình được thực hiện, các bên liên quan như nhà thầu, đơn vị giám sát, chủ đầu tư và đơn vị thiết kế đều đã có trách nhiệm nghiệm thu nội bộ. "Không ai lo công trình của mình bằng chính mình, nên Nhà nước không cần thiết phải gánh thêm công việc nghiệm thu giấy tờ" – ông chia sẻ.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng nếu bỏ giấy phép xây dựng, cơ quan chức năng cần có chế tài nghiêm khắc đối với trường hợp xây sai quy hoạch. Cụ thể, buộc tháo dỡ phần vi phạm, không cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu và xử phạt cả nhà thầu vi phạm – kể cả việc rút giấy phép kinh doanh – nhằm tránh tình trạng nhà thầu tiếp tay cho sai phạm và góp phần xây dựng văn hóa tuân thủ quy hoạch.

Cuối cùng, ông Nghĩa nhận định, nếu giảm bớt các thủ tục hành chính thì nguồn cung nhà ở sẽ được cải thiện, góp phần làm giảm giá nhà. Bởi hiện nay, thủ tục kéo dài khiến chi phí đầu tư đội lên, ảnh hưởng trực tiếp đến giá bán và nguồn cung trên thị trường.

Bỏ yêu cầu xin giấy phép xây dựng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp

Luật sư Trần Minh Cường - Đoàn luật sư TPHCM cho rằng, cấp phép xây dựng là thủ tục hành chính bắt buộc đối với hầu hết công trình, trừ một số trường hợp được miễn. Tuy nhiên, việc xin giấy phép xây dựng nhà thường rất mất thời gian, tốn kém cho thiết kế và nhiều chi phí phát sinh khác. Nhiều người dân, nhất là ở đô thị, phải thuê "cò" làm thủ tục, khiến chi phí đội lên hàng chục triệu đồng. Thực tế, nhiều bản vẽ chỉ mang tính hình thức để hợp thức hóa hồ sơ, còn thi công lại sai với giấy phép, phổ biến là lấp lỗ thông tầng, xây lấn khoảng lùi...

Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả, tránh sai phạm tràn lan, thì nhà nước cần làm rõ các thông tin dữ liệu cơ sở, quy hoạch của từng khu vực, người dân chỉ cần tìm đúng thửa đất của mình thì sẽ nắm được nhà mình được xây dựng như thế nào, từ đó dựa vào đó mà thực hiện. Hiện nay các đồ án quy hoạch 1/500 chỉ có thông tin chung chung chưa chi tiết cho các thửa đất. “Do đó, việc tiến đến bãi bỏ thủ tục cấp phép xây dựng là điều cần thiết, sẽ giúp giảm phiền hà, tiết kiệm chi phí, thời gian và hạn chế tiêu cực phát sinh”- Luật sư Cường nhận định.

Đồng quan điểm, chuyên gia thiết kế xây dựng Lâm Quốc Khánh cho biết, hiện nay việc xin giấy phép xây dựng mất ít nhất 21 ngày, chưa kể các trường hợp phải điều chỉnh, bổ sung khiến thời gian có thể kéo dài đến vài tháng, thậm chí cả năm. Quá trình này còn có thể phụ thuộc vào một bên thứ ba để thực hiện các thủ tục liên quan.

Vì vậy, ông Khánh cho rằng việc bỏ yêu cầu xin giấy phép xây dựng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian. Khi đó, nhà thầu chỉ cần thi công theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, để có thể bỏ giấy phép xây dựng một cách hiệu quả, cần có hệ thống dữ liệu quy hoạch quốc gia đầy đủ, minh bạch và chi tiết, bao gồm các thông tin cụ thể như số tầng tối đa, mật độ xây dựng, diện tích được phép xây dựng cho từng khu vực.

Ông Khánh cũng chia sẻ thêm, hiện nay trong quá trình xin giấy phép xây dựng không có nội dung cụ thể liên quan đến phòng cháy chữa cháy. Trong khi đó, chủ đầu tư và nhà thầu vẫn phải tự tính toán, đảm bảo các khoảng cách, yêu cầu kỹ thuật để sau này được cơ quan phòng cháy nghiệm thu và hoàn công.

“Nếu việc bỏ giấy phép xây dựng đi kèm với một bộ quy chuẩn xây dựng rõ ràng và thống nhất thì sẽ rất thuận lợi cho cả người dân, doanh nghiệp và các đơn vị thi công. Điều này cũng giúp tránh tình trạng chủ nhà yêu cầu thi công theo ý riêng, gây rủi ro cho nhà thầu nếu công trình gặp sự cố sau này” – ông Khánh kiến nghị.

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI