"Bên dòng Long Khốt'': Thắm tình hữu nghị từ ký ức đau thương

21/11/2022 - 06:41

PNO - Đoàn nghệ thuật Cải lương Long An đã chứng tỏ vị thế “chủ nhà” của Liên hoan Cải lương toàn quốc 2021 với vở cải lương ''Bên dòng Long Khốt'' (kịch bản: Nguyễn Toàn Thắng, chuyển thể - đạo diễn: NSND Triệu Trung Kiên) gây ấn tượng mạnh với khán giả.

Vở diễn đã được trao giải thưởng xuất sắc nhất tại Liên hoan cải lương 2021 và là tác phẩm sân khấu hiếm hoi đề cập đến tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia qua cuộc chiến chống chế độ diệt chủng Polpot.

Tình hữu nghị
Tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia được tô đậm trong Bên dòng Long Khốt.

Tháng 12/2019, khu vực Đồn Long Khốt, xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An (gần biên giới Việt Nam - Campuchia) đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia vì những chiến công qua các cuộc chiến giành độc lập dân tộc và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Trong đó, lực lượng vũ trang tỉnh Long An và quân dân địa phương đã chiến đấu anh dũng chống quân Polpot bảo vệ Đồn Long Khốt trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam.

Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An, Trưởng Đoàn nghệ thuật Cải lương Long An Nguyễn Thị Thủy cho biết, với cảm hứng thực tiễn từ di tích Đồn Long Khốt, tỉnh Long An mong muốn thực hiện tác phẩm nghệ thuật tôn vinh những chiến công của quân và dân Long An tại khu vực Đồn Long Khốt, cũng như về sự gắn kết của nhân dân vùng biên giới 2 nước, qua đó làm đậm đà thêm mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Campuchia.

Đoàn nghệ thuật Cải lương Long An đã đặt hàng ê-kíp sáng tạo, mời nhà biên kịch Nguyễn Toàn Thắng và đạo diễn Triệu Trung Kiên đi thực tế tại Di tích lịch sử quốc gia khu vực Đồn Long Khốt, gặp gỡ, trò chuyện với các nhân chứng lịch sử để lấy chất liệu hình thành tác phẩm.

Một giai đoạn lịch sử
Tội ác phản nhân loại của chế độ diệt chủng Polpot được tái hiện phần nào trong vở diễn.
Thiết kế mỹ thuật của họa sĩ Trần Hồng Vân gây ấn tượng thị giác rất mạnh
Thiết kế mỹ thuật của họa sĩ Trần Hồng Vân tạo ấn tượng thị giác mạnh, góp phần vào không gian sân khấu nhiều tầng cảm nhận cho vở diễn.

Đạo diễn Triệu Trung Kiên không chọn khai thác giai đoạn đỉnh điểm chiến tranh – tiêu biểu là trận chiến 43 ngày đêm (từ ngày 14/1 đến 27/2/1978) bảo vệ đồn Long Khốt – mà đặt bối cảnh vào khoảng năm 1976 khi nhân dân Việt Nam và Campuchia vừa hoàn thành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Niềm vui hòa bình chưa bao lâu thì bóng ma chiến tranh đã lại ám ảnh khi tập đoàn phản động Polpot thực hiện tội ác diệt chủng trên đất nước Campuchia, đe dọa nghiêm trọng an ninh khu vực, nhất là ở biên giới Việt Nam.

Mối tình thuần khiết giữa anh bộ đội Việt Nam và cô gái Campuchia là điểm nhấn lãng mạn của vở diễn.
Mối tình thuần khiết giữa anh bộ đội Việt Nam và cô gái Campuchia là điểm nhấn lãng mạn của vở diễn.

Theo NSND Triệu Trung Kiên, sân khấu cần câu chuyện và phải đảm bảo chất trữ tình của nghệ thuật cải lương nên vở diễn mượn chuyện tình yêu xuyên biên giới của cô gái Khmer và anh bộ đội Việt Nam, cùng các mối quan hệ xã hội đan xen, những mâu thuẫn giai cấp để phản ánh một giai đoạn lịch sử của 2 dân tộc.

“Đây là giai đoạn manh nha của chiến tranh. Rất nhiều người dân Campuchia trốn khỏi quân Polpot đã chạy qua biên giới Việt Nam nương náu, nhờ giúp đỡ. Dân tộc Campuchia đã hồi sinh với sự đóng góp xương máu của quân tình nguyện Việt Nam là sự thật lịch sử, là chính nghĩa không ai có thể phủ nhận được” – NSND Triệu Trung Kiên chia sẻ.

Nghệ sĩ Ngân Cường
Nghệ sĩ Ngân Cường nhớ lại nhiều kỷ niệm khi tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia khi tham gia Bên dòng Long Khốt.

Là một bộ đội phục viên, từng ở chiến trường Campuchia trong 4 năm, nghệ sĩ Ngân Cường bày tỏ niềm vui và sự xúc động được tham gia tác phẩm. Anh bỏ nhiều tâm sức nghiên cứu nhân vật, chọn cách diễn đặc trưng thông qua hình thể, các động tác nhỏ (cách liếc mắt, nổi giận), thậm chí thâu đêm tập thoại.

Đặc biệt, đứng chính vở là một ê-kíp rất trẻ trung: Hoàng Dư, Thu Mỹ, Nam Thanh Phong, Trọng Tánh… đều ở lứa tuổi 9X. Tuy còn non kinh nghiệm, chưa thể vững vàng trong một vở diễn đề tài khó như Bên dòng Long Khốt nhưng bù lại sức trẻ và sự mộc mạc của các nghệ sĩ trẻ đã chạm được cảm xúc người xem.

Dàn nghệ sĩ trẻ trung của Bên dòng Long Khốt góp phần tạo sự tươi mới c
Dàn nghệ sĩ trẻ trung của Bên dòng Long Khốt mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả.

Hoàng Dư cho biết, đến di tích Đồn Long Khốt, nhìn thấy tên nhân vật mình đảm nhận trên bia tưởng niệm liệt sĩ là một cảm giác thật khó tả. Với Hoàng Dư được tham gia tác phẩm về một di tích anh hùng của tỉnh nhà không chỉ là vinh dự mà còn là cách người nghệ sĩ trẻ thể hiện lòng tri ân thành kính đối với bao lớp người đã ngã xuống cho đất nước hôm nay.

Ngoài giải xuất sắc nhất dành cho vở diễn (cùng với vở Đất liền và biển cả của đoàn cải lương Hải Phòng), 3 gương mặt 9X Thu Mỹ, Võ Hoàng Dư, Nam Thanh Phong cũng đoạt Huy chương Vàng cá nhân. Ngoài ra vở còn 3 giải Bạc và giải Đồng cá nhân.

 

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI