Mất tiền tỉ vì đầu tư qua mạng
Thông qua mạng xã hội Facebook, bà T. (TP Hà Nội) đã kết bạn, trò chuyện với tài khoản Nguyễn Thị Thùy Dung. Sau một thời gian, người này mời bà T. tham gia đầu tư tiền ảo thông qua trang web mcprimetrusted.com. Trang này quảng cáo rằng nếu chuyển tiền đầu tư 5 tỉ đồng thì sẽ nhận lại được 350.000 USD (khoảng 9 tỉ đồng).
Bà T. chyển tiền đầu tư nhưng khi muốn rút tiền lãi, người của trang web này yêu cầu bà đóng tiếp 20% tổng số dư tài khoản, tức 1,8 tỉ đồng, đóng 15% tiền mua bảo hiểm tiền gửi, tương ứng 1,6 tỉ đồng và nộp tiếp 3% tiền phí để chuyển nhanh tiền về tài khoản cá nhân, tương ứng 360 triệu đồng. Tổng cộng, bà T. đã chuyển 9 tỉ đồng cho các đối tượng lừa đảo và bị chiếm đoạt.
 |
Các sàn đầu tư tài chính quốc tế không phép xuất hiện nhan nhản, quảng cáo rầm rộ trên không gian mạng - Ảnh do Công an TP Hà Nội cung cấp |
Cách đây 2 tháng, chị N.T.D. (quận Hà Đông, TP Hà Nội) nghỉ việc ở công ty. Nghe lời bạn bè giới thiệu các kênh đầu tư như vàng, chứng khoán, chị D. bèn vào các hội, nhóm trên mạng xã hội để nghiên cứu. Một người gọi điện thoại cho chị, tự xưng là nhân viên công ty chứng khoán, kết bạn trên Zalo và mời chị tham gia một nhóm đầu tư chứng khoán. Trong nhóm, mọi người chia sẻ cách đầu tư, thu lãi 30 - 40%/tháng. Ban đầu, chị đầu tư ít tiền, sau thấy có lãi, rút được tiền nên ham. Khi chị đầu tư số tiền lớn hơn thì liên tục thua lỗ, sau đó tài khoản không sử dụng được, chị cũng bị xóa ra khỏi nhóm Zalo và biết mình đã bị lừa. “Không chỉ mất hết tiền tiết kiệm, giờ tôi còn gánh khoản nợ vay của họ hàng” - chị chua xót nói.
Ở TPHCM, tình trạng lừa đảo đầu tư tài chính qua không gian mạng cũng diễn biến phức tạp. Công an TPHCM đánh giá, việc kêu gọi đầu tư vào các dự án crypto, tiền ảo, tiền mã hóa, giao dịch trên các nền tảng không phép đang có xu hướng lan rộng. Công an TPHCM đã nhiều lần cảnh báo nguy cơ lừa đảo từ các hình thức này nhưng vẫn còn rất nhiều người ham lợi nhuận, trở thành nạn nhân.
Theo số liệu của Chainalysis (một công ty phân tích blockchain của Mỹ có trụ sở tại TP New York), từ năm 2019 đến 2024, có gần 100 tỉ USD tiền mã hóa bất hợp pháp đã được rửa qua các dịch vụ chuyển đổi, trong đó riêng năm 2022 là 31,5 tỉ USD.
Ông Phan Đức Trung - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain (công nghệ chuỗi khối) Việt Nam - cho biết, tình trạng lừa đảo thông qua các sàn đầu tư tài chính diễn biến phức tạp ở nhiều nước chứ không chỉ ở Việt Nam. Hiện nay, rất nhiều nước đã áp dụng các giải pháp mạnh để ngăn chặn, xử lý các sàn không tuân thủ quy trình phòng, chống rửa tiền, như sàn Binance từng bị Mỹ phạt hơn 4,3 tỉ USD. Ở Việt Nam, một số sàn không được cấp phép nhưng vẫn tổ chức hội thảo kín để huy động vốn.
Thiếu khung pháp lý về tiền ảo
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cảnh báo hiện tượng một số cá nhân tự nhận là nhân viên của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ gọi điện thoại để mời chào đầu tư chứng khoán, tham gia các hội, nhóm trên mạng xã hội hoặc tải, cài đặt, sử dụng các ứng dụng (app) giao dịch. Khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, người dân cần cảnh giác, tránh bị lôi kéo tham gia.
Theo ủy ban trên, khi tham gia thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cần trang bị kiến thức về chứng khoán, thị trường chứng khoán và tìm hiểu thông tin liên quan đến thị trường chứng khoán qua các kênh chính thống của cơ quan quản lý, đơn vị vận hành thị trường và các tổ chức kinh doanh chứng khoán có chức năng tư vấn, môi giới chứng khoán đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
 |
Các sàn đầu tư tài chính không phép đang phát triển nở rộ nhưng Việt Nam đang thiếu khung pháp lý để quản lý các giao dịch ảo - Ảnh: Ngọc Linh |
Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cho rằng, hầu hết các loại tiền ảo (tiền số) đang được giao dịch trên các sàn ngoại hối có trụ sở ở nước ngoài và không có đại diện tại Việt Nam, trong khi pháp luật Việt Nam chưa công nhận tiền số. Vì vậy, nếu xảy ra rủi ro, nhà đầu tư phải tự nhận hậu quả. Thời gian qua, rất nhiều người Việt đã bị lừa đảo qua các sàn tiền ảo. Việc thiếu cơ sở pháp lý về tiền mã hóa khiến cơ quan nhà nước thất thu thuế, khiến dòng tiền chảy vào nền kinh tế ngầm, gây ra nhiều hệ lụy, khiến các nhà đầu tư gặp rủi ro đáng kể.
Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - cho biết, Việt Nam đang đứng trong tốp đầu thế giới về đầu tư tiền ảo nhưng lại thiếu khung pháp lý cho hoạt động này. Ông kiến nghị, cần sớm nghiên cứu, ban hành quy định về quản lý tiền ảo, tiền số và có định hướng thu thuế. Nhiều nước trong khu vực đã có quy định về vấn đề này, khiến Việt Nam trở thành nơi trốn thuế của các nhà kinh doanh tiền số.
Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ra thông cáo, khuyên người dân cần đặc biệt cẩn trọng, không nên tin vào các lời mời đầu tư tài chính để tránh sập bẫy kẻ gian. Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng là cung cấp thông tin sai sự thật về các sàn đầu tư chứng khoán. Ban đầu, chúng dụ dỗ khách hàng giao dịch nhiều lần với số tiền thấp, có lãi và rút tiền được ngay, sau đó hối thúc tăng vốn giao dịch. Khi nhà đầu tư bị thua lỗ, chúng tiếp tục thuyết phục nạn nhân nạp thêm tiền để gỡ gạc. Khi nhà đầu tư không còn khả năng về tài chính, chúng can thiệp vào hệ thống để chiếm đoạt toàn bộ tiền đầu tư.
Mộc Miên
Khẩn trương xây dựng khung pháp lý cho tiền ảo Lừa đảo đầu tư tài sản - đặc biệt là trong lĩnh vực tiền ảo và các hình thức đầu tư trên không gian mạng - đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Các vụ lừa đảo này không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào các phương thức đầu tư hợp pháp. Không gian mạng cho phép các đối tượng che giấu danh tính thật và dễ dàng chuyển tiền ra nước ngoài khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc xác minh thông tin, truy vết và xử lý.  Tình trạng lừa đảo đầu tư tài sản ảo, tiền ảo trên không gian mạng diễn ra phức tạp là do sự thiếu hụt hoặc chưa hoàn thiện của khung pháp lý để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến tài sản ảo, tiền điện tử và các giao dịch trên môi trường số, từ đó khiến công tác quản lý, ngăn ngừa và xử lý các hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn, nhà đầu tư không được pháp luật bảo vệ.
Qua các vụ án liên quan đến tiền ảo từng xảy ra, tôi thấy rất ít khả năng nạn nhân lấy lại được tiền, nếu có thì chỉ là do kẻ lừa đảo chưa kịp tẩu tán tài sản và nạn nhân kịp thời phong tỏa tài sản. Để tăng cơ hội lấy lại được tiền, khi phát hiện giao dịch nghi vấn, các nạn nhân cần liên hệ ngay với ngân hàng, cung cấp số tài khoản nhận tiền, ngày giờ giao dịch và số tiền chuyển, sau đó liên hệ với cơ quan công an nơi cư trú hoặc Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của công an cấp tỉnh, chuẩn bị đầy đủ chứng cứ (tin nhắn, lịch sử giao dịch, biên lai chuyển tiền) đồng thời yêu cầu ngân hàng phối hợp với cơ quan công an để xử lý. Khả năng lấy lại tiền trong các vụ lừa đảo tài sản ảo phụ thuộc rất lớn vào tốc độ hành động, sự hợp tác với cơ quan chức năng và việc cung cấp đầy đủ bằng chứng. Trong nhiều trường hợp, sự hỗ trợ của ngân hàng, cơ quan điều tra và luật sư đóng vai trò quan trọng giúp tăng tỉ lệ thu hồi tài sản. Tuy nhiên, để bảo vệ tài sản tốt nhất, nhà đầu tư cần luôn tỉnh táo tránh xa các dự án đầu tư không rõ nguồn gốc hoặc không được pháp luật công nhận. Do không được công nhận là tài sản hợp pháp hoặc phương tiện thanh toán hợp pháp, tiền ảo nằm ngoài danh sách các hoạt động kinh doanh phải chịu thuế, nhà đầu tư và các sàn giao dịch tiền ảo không có nghĩa vụ kê khai và đóng thuế. Điều này tạo ra môi trường màu mỡ cho các hoạt động lừa đảo liên quan đến tiền ảo phát triển. Tôi cho rằng, cơ quan chức năng cần khẩn trương xây dựng khung pháp lý rõ ràng cho tiền ảo và tài sản ảo. Trong đó, cần định nghĩa rõ tiền ảo, tài sản ảo, công nhận tiền ảo có thể giao dịch và thanh toán trong một số lĩnh vực nhất định nhưng không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp trong tất cả các giao dịch thương mại. Cần có quy định về việc đăng ký, cấp phép và quản lý các sàn giao dịch tiền ảo bởi đang có tình trạng các tổ chức phát hành tiền ảo không bị kiểm soát đầy đủ, dẫn đến việc phát hành tiền ảo không có bảo chứng hoặc giá trị thực, tạo cơ hội “làm ăn” cho các đối tượng lừa đảo. Có thể nghiên cứu thành lập cơ quan bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư trong lĩnh vực tiền ảo. Cơ quan này có chức năng tiếp nhận khiếu nại, giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và các tổ chức, sàn giao dịch tiền ảo cũng như giám sát các hoạt động của các tổ chức này để đảm bảo họ tuân thủ quy định pháp luật. Cần tăng cường các chương trình giáo dục và tuyên truyền về tiền ảo, cách thức giao dịch an toàn, các rủi ro có thể gặp khi tham gia thị trường tiền ảo; khuyến khích các tổ chức tài chính, sàn giao dịch tổ chức các khóa đào tạo hoặc cung cấp tài liệu hướng dẫn về các vấn đề liên quan đến tiền ảo cho nhà đầu tư… Luật sư Phạm Ba Đô - Giám đốc Công ty Luật TNHH SJKLAW |
Người dân cần tự đề cao cảnh giác Có 3 yếu tố chính dẫn đến tình trạng lừa đảo trực tuyến gia tăng. Thứ nhất, việc truy tìm và xử lý tội phạm rất khó do máy chủ của các tổ chức lừa đảo thường đặt ở nước ngoài, do các nhóm lừa đảo không có trụ sở cố định. Thứ hai, do tội phạm thường sử dụng nhiều chiêu trò đánh trúng vào tâm lý nạn nhân, cho nạn nhân được lợi trong thời gian đầu để tạo niềm tin, khiến họ nghĩ rằng đầu tư có lợi nhuận thật. Thứ ba, việc tiếp cận thông tin và kiến thức về đầu tư, tài chính ở một bộ phận người dân còn hạn chế khiến họ dễ dàng bị lừa. Tôi không kỳ vọng nhiều vào khả năng phát hiện và xử lý tội phạm của các cơ quan quản lý trong nước bởi các sàn giao dịch lừa đảo thường hoạt động ngoài khuôn khổ pháp lý, sử dụng kênh thông tin riêng và không liên quan đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Để ngăn chặn lừa đảo trực tuyến, cần sự hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và các nước khác, cũng như với các công ty công nghệ lớn như Facebook, TikTok. Cơ quan quản lý cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc hoàn thiện khung pháp lý để quản lý chặt chẽ hơn các sàn giao dịch trực tuyến, đặc biệt là các sàn giao dịch ngoại hối và tiền điện tử; nâng cao nhận thức của người dân về các hình thức lừa đảo trực tuyến, giúp họ tự bảo vệ mình trước những chiêu trò tinh vi của tội phạm. Chúng ta không nên trông chờ quá nhiều vào việc cơ quan quản lý phát hiện và xử lý tất cả các vụ lừa đảo trực tuyến mà chính mỗi người cần tự trang bị kiến thức, cảnh giác trước những lời hứa hẹn “ngọt ngào”, không tham gia những hoạt động đầu tư, giao dịch tài chính thiếu minh bạch. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu |
Tăng cường rà soát các giao dịch trên mạng Tình trạng lừa đảo tài chính trực tuyến ở Việt Nam đang diễn ra phổ biến, điển hình là các sàn giao dịch mạo danh như trường hợp Mr. Pips. Các đối tượng tự tạo ra trang web, phần mềm, ứng dụng di động giả mạo, kết nối trực tiếp về máy chủ của mình. Mọi giao dịch và tiền bạc đều nằm trong hệ thống khép kín do sàn lừa đảo kiểm soát, không được kết nối với bất kỳ sàn giao dịch quốc tế nào. Họ tự điều khiển giá lên xuống, tạo biến động giả nhằm lừa đảo khách hàng. Họ quảng cáo dịch vụ, sản phẩm, lôi kéo khách hàng thông qua mạng xã hội. Họ lập đội nhóm, sử dụng hình ảnh gái đẹp, đưa thông tin về lợi nhuận đầu tư để thu hút người tham gia. Xử lý các đối tượng lừa đảo là chưa đủ. Cần phải kết hợp việc giám sát, điều tra với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân để phòng ngừa, ngăn chặn một cách hiệu quả hoạt động lừa đảo. a đủ. Cần Các sàn giao dịch lừa đảo không thể hoạt động bí mật tuyệt đối. Họ buộc phải quảng cáo, lôi kéo khách hàng thông qua các kênh truyền thông, mạng xã hội. Cơ quan an ninh mạng có thể lần theo dấu vết các hoạt động quảng cáo, lôi kéo khách hàng của các sàn giao dịch lừa đảo trên mạng xã hội; tăng cường rà soát các giao dịch trên mạng, điều tra, tìm hiểu thông tin từ các nhóm chat, hội nhóm trên mạng xã hội để phát hiện và xử lý các đối tượng lừa đảo.
Ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam |
Hoa Lài - Mộc Miên (ghi)