Bật khóc khi lần đầu mẹ được khám bệnh

30/11/2019 - 07:00

PNO - Mỗi lần nhìn sang mẹ, bà Phá lại mỉm cười, nụ cười ngờ nghệch, méo mó của người phụ nữ đã hơn 60 tuổi khiến các bác sĩ cũng vui theo. Thế là bà Phá hoàn thành ước mơ cả đời của mình - mẹ được khám bệnh.

Mẹ được khám bệnh rồi

Buổi sáng cuối tháng 11/2019 có lẽ là thời khắc đặc biệt nhất đối với bà Phạm Thị Phá (64 tuổi, ở tổ 12, ấp 1, xã Hưng Long, H.Bình Chánh, TP.HCM). Bà hồi hộp lắm, ngồi sát mẹ của mình, chốc chốc lại nhìn ra hướng cửa phòng chờ bác sĩ. Bởi vì hôm nay, mẹ của bà (cụ bà Trần Thị Xuân, 94 tuổi) sẽ được bác sĩ khám bệnh.

Bat khoc khi lan dau me duoc kham benh
Lần đầu tiên sau hơn 10 năm, bà Phá mới có niềm hạnh phúc khi thấy mẹ ngủ ngon

Người phụ nữ thấp bé, lưng oằn một bên, quần áo xộc xệch, đôi chân đầy đất cát mang 2 chiếc dép “chiếc đực chiếc cái”, luôn cầm “khăn tay” được cắt từ ống quần cũ lau nước bọt, cùng đôi mắt cứ nhìn trừng trừng vào người khác khiến khách đến thăm có cảm giác ngại ngần. Đó là bà Phá.

Hôm nay, bà Phá khác mọi ngày, không còn lầm lì, lặng im nữa. Bà vui lắm, cười, nói nhiều hơn, ai hỏi gì, bà cũng khoe: “Mẹ được khám bệnh, chút nữa bác sĩ khám”. Rồi quay sang gọi mẹ, vụng về kéo chiếc mền mỏng, nói với cụ Xuân: “Mẹ ngủ à, ngủ nhiều vậy, mẹ thức dậy đi, bác sĩ sắp đến rồi, được khám bệnh rồi”. 

Những lúc bình tĩnh hơn, bà trầm ngâm tâm sự: “Tôi không khùng, tôi bị tai biến, không có tiền đến bệnh viện nên nửa người bên phải cứ yếu dần. Sau tai biến, tôi không đủ sức đi làm để lo cho mẹ, nên bà thiếu ăn, rồi cũng không được chăm sóc kỹ nên mới bị ma nhập, phải trói lại nếu không bà sẽ bò vòng vòng không ăn không ngủ”.

Bat khoc khi lan dau me duoc kham benh
Bác sĩ Sơn đang khám bệnh cho cụ Xuân, ngoài ra, bà Phá cũng được khám, chữa bệnh miễn phí tại Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM.

Từ những câu chuyện nhớ gì kể đó, ngắt quãng, không đầu không cuối, bức tranh cuộc sống của hai mẹ con bà Phá dần hiện ra, miếng ghép sau buồn hơn mảng ghép trước, đầy nước mắt nhưng sáng ngời tình mẫu tử thiêng liêng.

Sự hiếu đạo của bà Phá khiến người ta nể phục, nếu người đến kiên nhẫn lắng nghe và “dám” bước vào thế giới riêng của bà.

Bà Phá có bao nhiêu anh chị em bà không nhớ rõ, chỉ biết hiện tại chỉ có một mình bà ở với mẹ. Lâu lâu, một người em gái nhỏ hơn bà hai tuổi về phụ bà tắm cho cụ Xuân, dọn dẹp nhà cửa, trồng lại mớ rau rồi đi. Bà Phá chỉ biết nhà em mình gần đó, còn chính xác chỗ nào thì không. 

Bà nói, lúc còn khỏe, hai mẹ con bà cũng êm ấm, no đủ như bao gia đình khác. Nhà có 2 công đất, bà dùng để trồng lúa. Thời gian rảnh, ai thuê gì cũng làm, được hơn 100.000 đồng/ngày, cùng mớ rau dại, vài con cá dưới mương, bà và mẹ đã no đủ, dư chút tiền, bà kẹp vào tờ giấy nhỏ, bỏ trong hai lớp bao ni-lông rồi cột vào sợi dây, quấn ngang người, để dành đủ tiền sẽ đưa mẹ đi bệnh viện khám bệnh.

Bat khoc khi lan dau me duoc kham benh
Đôi chân đầy đất mang dép "chiếc đực chiếc cái" mà bà nhặt được ngoài đường

Thế mà, 2 năm trước, bà Phá cảm thấy mệt mỏi như bị trúng gió, rồi té ngã ra sân, tỉnh lại bà loạng choạng bước vào nhà với nửa người bên phải không còn sức lực. Bà không chết nhưng qua đợt “trúng gió”, bà nói chuyện khó khăn, nước bọt chảy không ngừng, phản xạ kém nên người ta không thuê làm việc nữa.

Cố lắm, bà Phá cũng đủ sức trồng lúa lấy gạo, với tay ngắt mớ bông so đũa bên hông nhà, đem bán được 10.000 đồng/ngày để mua cá, nấu chén cháo cho cụ Xuân. Phần bà, rau mọc dại cũng đủ qua ngày. Được ai giúp đỡ, bà cũng để dành lo thuốc thang cho mẹ. 

Nói tới đây, bà Phá khóc tu tu như đứa trẻ: “Mẹ nhiều bệnh lắm nhưng bệnh gì cũng uống thuốc viêm mũi, có thuốc đó là rẻ thôi, không có tiền mua thuốc khác đâu.

Người ta nói đưa mẹ đi bệnh viện đi, nhưng tôi không có tiền, mấy lần đi bộ ra bệnh viện, tôi đứng cầu trời cho mẹ được chữa trị một lần để đỡ đau. Ngày nào tôi cũng mong mẹ chết trước, lo mồ mả cho mẹ xong mới yên lòng. Tôi không ham sống nhưng nếu tôi chết, ai lo cho mẹ đây”. 

Bat khoc khi lan dau me duoc kham benh
Bà Phá bật khóc vì sợ mình chết trước sẽ không ai chăm sóc mẹ

Đi “bắt ma” cho mẹ

Từ khi bà Phá bệnh, cụ Xuân cũng không còn biết gì, bệnh già khiến cụ cứ bò quanh giường, vừa bò vừa la lối, gầm gừ không biết mệt. Có lần cụ bò liên tục hai ngày không ăn không ngủ nên ai cũng nói cụ bị… ma nhập. Sợ cụ Xuân kiệt sức, bà Phá buộc phải trói cụ lại một góc, ngày ngày đút cơm, lau mát cho cụ.

Nghe người ta nói Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM có thể chữa trị cho mẹ, bà Phá lại càng mơ ước được đưa mẹ đến. Bà quả quyết: “Cái tên bệnh viện đó khó nhớ lắm, tôi phải nhẩm đi nhẩm lại để nếu có ai muốn đưa mẹ tôi đi bệnh viện, tôi còn nhớ mà chỉ. Vì chỉ có Viện Y Dược học dân tộc mới chữa được cho mẹ tôi thôi”.

Biết hoàn cảnh của bà Phá, lãnh đạo Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM liền xuống tận nơi để tìm hiểu, đưa hai mẹ con bà về viện điều trị. Không chỉ khám bệnh cho cụ Xuân, viện còn “đặc cách” xem bệnh luôn cho bà Phá. Biết bà Phá không yên tâm để mẹ một mình, các bác sĩ đã sắp xếp cho hai người phụ nữ kham khổ này chung một phòng.

Bat khoc khi lan dau me duoc kham benh
Bà Phá đi đứng khó khăn, phải có người dìu đỡ lên chiếc giường của Viện. Vậy mà bà chăm sóc cụ Xuân không biết mệt mỏi.

Mỗi lần bác sĩ ghé qua thăm hỏi, bà Phá đều dẫn tay đến giường của cụ Xuân: “khám mẹ đi, khám cho mẹ trước” khiến ai cũng xúc động.

Sau khi thăm khám cho hai mẹ con bà Phá, tiến sĩ - bác sĩ Vũ Thái Sơn, Phó trưởng khoa Nội tổng hợp, Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM, cho hay, cả cụ Xuân và bà Phá đều mắc nhiều bệnh, đa số là bệnh do tuổi già như thoái hóa đa khớp, các khớp đã bắt đầu biến dạng gây đau nhức, yếu cơ, vận động, tiếp xúc kém, có dấu hiệu của sa sút trí tuệ. Ngoài ra, hai người đều bị suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể, tâm thần không ổn định…

“Riêng bà Phá còn bị tê yếu tay chân, bắt đầu có các triệu chứng về tâm vận động, đi đứng khó khăn… Có thể trước đây, bà sử dụng thuốc có chứa thành phần corticoid trong thời gian dài nên xuất hiện nhiều di chứng, nghi ngờ ảnh hưởng đến gan, thận. Thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ định để tầm soát toàn diện cho bà”, bác sĩ Sơn nói thêm.

Về phần cụ Xuân, bác sĩ cũng đã “bắt ma” cho cụ. Cụ không còn thích bò, không nói chuyện một mình nữa, mà đã ổn định trở lại, có thể ăn cơm, và đang được Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM nuôi theo thực đơn riêng.

Bat khoc khi lan dau me duoc kham benh
Bà Phá cũng được khám, chữa bệnh miễn phí tại Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM

Giải thích cho bà Phá, bác sĩ Sơn nói mẹ của bà không bị “ma ám” hay muốn bắt đi, mà tuổi già khiến cụ sa sút trí tuệ nặng biểu hiện ở ngủ ngày, thức đêm và không làm chủ được hành vi của mình. Nay, cụ đã được chẩn đoán, điều trị đúng cách nên “con ma” trong người không còn.

Nghe bác sĩ Sơn nói, bà Phá mừng lắm, chạy đến giường, cầm tay mẹ rơi nước mắt: “Mẹ hết bệnh rồi, mẹ về với con, tết này con còn có mẹ”. Cụ Xuân vẫn nằm đó, ngủ ngon lành cùng hơi ấm của người con hiếu thảo.

Bà Phá lại ríu rít khoe, ngày bà đưa mẹ đi viện, có chú Tám cạnh nhà mua cho chiếc giỏ đựng đồ và đi cùng hai mẹ con để bà yên tâm. Bà còn khoe lãnh đạo ở phường, Hội Phụ nữ địa phương cũng gom góp cho bà hơn 2 triệu đồng.

Bà vén chiếc áo sờn cũ, mở sợi dây thun thắt ngang lưng quần để lấy bịch ni-lông ố màu bà giữ như báu vật. Bà khoe đó là số tiền bà để dành cả đời để cho cụ Xuân đến bệnh viện, vuốt thẳng những tờ tiền ấy, mọi người rơi nước mắt, bà Phá có hơn 1 triệu đồng.

Hôm nay, mẹ con bà không cần dùng tới số tiền ấy, đã có các bác sĩ sẵn sàng bên cạnh, có chú Tám, có thêm những người hảo tâm sẽ đến với bà. Bởi ngoài 1 triệu đồng bà để dành cho mẹ, còn có gia tài vô giá bà để lại cho đời, đó là tấm lòng hiếu thảo của người con gái dành cho đấng sinh thành.

Căn phòng của Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM trở thành tổ ấm của bà, nơi không còn đau khổ, không còn thiếu thốn, chỉ có tiếng cười, tiếng nói của người con hiếu hạnh. 

Phạm An

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI