Bất chấp cảnh báo, bệnh viện vẫn lắp đặt “buồng khử khuẩn toàn thân” do... hảo tâm của doanh nghiệp

02/04/2020 - 20:12

PNO - Dù Bộ Y tế đã có khuyến cáo chưa sử dụng buồng khử khuẩn toàn thân trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, vì không đảm bảo an toàn, Bệnh viện Trung ương Huế vẫn lắp đặt, vận hành hai buồng khử khuẩn, cho người dân sử dụng đại trà.

 

Người người ra vào Bệnh viện Trung ương Huế đều được yêu cầu đi qua “buồng khử khuẩn toàn thân”
Người ra vào Bệnh viện Trung ương Huế đều được yêu cầu đi qua “buồng khử khuẩn toàn thân” - Ảnh: Nhật Tín

Ngày 1/4, Bệnh viện Trung ương Huế đã đưa vào sử dụng hai buồng khử khuẩn toàn thân tự động, đặt tại khu vực ra vào ở đường Hai Bà Trưng và đường Ngô Quyền (Trung tâm điều trị theo yêu cầu và quốc tế, Bệnh viện Trung ương Huế). Hầu như tất cả mọi người khi đi vào bệnh viện đều được lực lượng bảo vệ yêu cầu đi qua hai buồng khử khuẩn này.

Theo tìm hiểu của Phụ Nữ TPHCM, hai buồng khử khuẩn nói trên do Công ty CP Thắng Lợi miền Trung (đóng ở TP. Huế) nhập từ Trung Quốc về Việt Nam, dự định đặt ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) nhưng sau đó đưa về cho tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Cơ chế kĩ thuật vận hành hai buồng khử khuẩn này cơ bản giống với những buồng khử khuẩn toàn thân tự động từng sử dụng ở TPHCM và một số nơi khác. Về dung dịch dùng để “khử khuẩn”, thiết bị này dùng muối ion hóa có pha loãng với nước. 

Đáng chú ý, hai buồng khử khuẩn này được nhập, lắp đặt, vận hành mà chưa có bất cứ một cơ quan nào kiểm định. Trong khi đó, từ cuối tháng 3, Bộ Y tế đã khuyến cáo không nên sử dụng buồng khử khuẩn toàn thân, do chưa được hội đồng khoa học cấp bộ thông qua và chưa đủ tài liệu chứng minh hiệu quả diệt virus, an toàn đối với người sử dụng.

Bảo vệ và nhân viên y tế bệnh viện hướng dẫn, giám sát việc người “khử khuẩn toàn thân” trước khi vào bệnh viện
Bảo vệ và nhân viên y tế hướng dẫn, giám sát việc “khử khuẩn toàn thân” - Ảnh: Nhật Tín

Theo PGS.TS. Trần Đình Bình - Phó trưởng Bộ môn Vi sinh Trường Đại học Y Dược Huế, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế - việc sử dụng muối ion hóa để “khử khuẩn” trong việc phòng chống dịch bệnh COVID-19 hoàn toàn không hiệu quả, không thể diệt được virus corona chủng mới ở bề mặt.

Hệ lụy của việc dùng buồng khử khuẩn toàn thân di động là không những không diệt được virus mà còn tạo sự “an toàn giả tạo”. Nguy hiểm hơn, nếu một người bị nhiễm SARS-CoV-2 đi vào buồng khử khuẩn để phun, người sau tiếp bước, buồng khử khuẩn có thể là nơi chứa virus lây từ người này sang người khác.

GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết: “Bộ Y tế có khuyến cáo là sử dụng thận trọng, thậm chí là khoan sử dụng. Còn với cái buồng đấy thì bệnh nhân, người nào có nhu cầu thì đi vào để khử khuẩn bề mặt. Chống dịch thì mỗi người một tay, mình đặt đấy là do hảo tâm của họ, còn xác suất điều trị thì nó chỉ có thể khử khuẩn bề mặt thôi, còn bên trong hốc mũi, họng… là không có tác dụng”.

Nhật Tín - Thuận Hóa 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI