Bảo tàng phim ảnh của TP.HCM: Đừng làm cho có!

22/07/2020 - 15:35

PNO - Một ý tưởng hay cần đi kèm theo một kế hoạch triển khai tốt, với tầm nhìn xa trông rộng, thậm chí táo bạo. Nếu không, mọi thứ chỉ dừng lại ở ý tưởng và đánh mất đi cơ hội hiện thực hóa giấc mơ bảo tàng điện ảnh của TP.HCM, thậm chí tốn tiền bạc của Nhà nước.

Ý tưởng xây dựng khu bảo tàng và truyền thống điện ảnh TP.HCM và Nam Bộ được nêu ra ở Đại hội Điện ảnh TP.HCM lần thứ VIII năm 2020-2025 vừa qua đã trở thành điểm nhấn mới mẻ thiết thực trong phương hướng hoạt động nhiệm kỳ mới của Hội Điện ảnh TP.HCM.

Có lẽ vì mới ở dạng ý tưởng, nên phạm vi “giấc mơ” bảo tàng điện ảnh của Hội chỉ mới dừng lại ở việc kết hợp với Công ty TNHH MTV phim Giải Phóng (Hãng phim Giải Phóng) lên phương án chỉnh trang cho tươm tất kho hiện vật rộng 1.000m2 của hãng và của Xí nghiệp phim Tổng hợp (cũ) đặt tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, để làm nơi tham quan, giáo dục cho các hội viên (là chính). Sự chỉnh trang này theo bà Dương Cẩm Thúy, chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM, chỉ là làm vài hạng mục đơn giản như dựng cổng hay treo biển hiệu nhận diện, dù vậy vẫn phải xin chủ trương và kinh phí từ Ủy ban nhân dân TP.HCM. 

Bao giờ TP.HCM mới có một bảo tàng phim ảnh thú vị như Bảo tàng Phim ảnh Busan (Hàn Quốc)?
Bao giờ TP.HCM mới có một bảo tàng phim ảnh thú vị như Bảo tàng Phim ảnh Busan (Hàn Quốc)?

Thiết nghĩ, việc tận dụng mặt bằng sẵn có và biến kho đạo cụ, máy móc, trong đó có nhiều vật phẩm xưa như các máy dựng phim dùng trong giai đoạn làm phim trước giải phóng thành một “bảo tàng” phim ảnh nho nhỏ để phục vụ cho hoạt động của Hội là điều hợp lý. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại như vậy thì khá lãng phí giấc mơ bảo tàng điện ảnh đầu tiên của cả nước (nếu nói về bảo tàng do Nhà nước lập). Nhất là khi ngoài kho đạo cụ, máy móc đặt tại Dĩ An, tỉnh Bình Dương, thì Hãng phim Giải Phóng còn có kho phục trang lưu tại trụ sở 212 Lý Chính Thắng, Q.3. Các vật phẩm trong kho phục trang này, nếu được chọn lọc trưng bày, cũng sẽ góp phần làm phong phú thêm các hiện vật cho bảo tàng. 

Với lịch sử điện ảnh hơn 100 năm, Việt Nam hoàn toàn xứng đáng có một bảo tàng điện ảnh đúng nghĩa. Nếu những người làm nghề đã ấp ủ ý tưởng đó, dù với một phạm vi nho nhỏ, cũng nên làm cho đàng hoàng, ra tấm ra món trong cái phạm vi và giới hạn đó. Nhưng với ý tưởng và dự định của Hội Điện ảnh TP.HCM như đã nêu tại đại hội, có lẽ giá trị, chức năng của khu bảo tàng và truyền thống điện ảnh TP.HCM và Nam Bộ trong tương lai cũng chỉ dừng ở mức là cái kho như cái kho đang hiện hữu ở Bình Dương không hơn không kém, chỉ có tên gọi nghe oách hơn.

Ở một số nước, bảo tàng điện ảnh là một địa chỉ văn hóa, du lịch thú vị, ở ta nếu đặt bảo tàng ở vị trí xa xôi như Bình Dương mà không phải trong nội thành, thì liệu sẽ có công chúng, khách du lịch nào tới? Nếu lập kế hoạch về một điểm đến văn hóa như bảo tàng phim ảnh, mà chỉ để phục vụ hội viên, thì chứng tỏ tầm nhìn của Hội đang bị hạn chế.

Hội Điện ảnh TP.HCM với vai trò là hội nghề nghiệp của một ngành nằm trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trên địa bàn TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, hoàn toàn có thể mạnh dạn đề xuất chính quyền thành lập một bảo tàng phim ảnh, ở một trong những mặt bằng công đang được sử dụng chưa đúng công năng, hoặc chưa phát huy hiệu quả ở nội thành. Sao phải tự bó hẹp một ý tưởng hay trong một phạm vi thực hiện manh mún, chưa đúng tầm, và mang tính “làm cho có” như vậy?

Thật sự ở ngay TP.HCM, về hệ thống bảo tàng, nếu nói thừa vẫn thừa, mà thiếu vẫn thiếu. Thừa những bảo tàng hoạt động không hiệu quả, và thiếu những bảo tàng đặc trưng chuyên ngành mà cụ thể là bảo tàng điện ảnh.

TP.HCM là đầu tàu sản xuất phim ảnh của cả nước, nên việc có một bảo tàng cho riêng bộ môn nghệ thuật được nhiều người yêu thích này không thể chần chừ hơn nữa. Dẫu biết rằng thời buổi ngày nay tấc đất tấc vàng, nhưng với thực trạng đất công lãng phí còn nhiều như hiện nay, thì việc tìm kiếm một địa điểm cho bảo tàng có lẽ cũng không phải là điều quá khó. Vấn đề chỉ là những người có thẩm quyền có quan tâm đến ngành điện ảnh, và thiết tha thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa hay không.

Không ai đánh thuế giấc mơ, nên một khi đã mơ thì hãy mơ cho trọn, và một khi đã làm thì hãy làm cho trót. Những người trong nghề, công chúng yêu điện ảnh mong chờ Hội cùng các cấp thẩm quyền đồng hành trong giấc mơ ấy, và biến nó thành hiện thực. 

Nguyễn Ngọc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI