Bảo hiểm tình người

06/11/2017 - 12:15

PNO - Trước khi đề xuất “tài chính bảo hiểm thiên tai và rủi ro thiên tai” đặt lên bàn nghị sự APEC, tôi nghĩ, có một thứ bảo hiểm còn lớn và nặng lòng hơn là bảo hiểm tình người, để bớt những “rủi ro” của sự vô cảm.

“Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam vẫn chưa thể lên sóng do sự cố sập điện”, “Mưa bão, mất điện, thí sinh Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam vẫn tỏa sáng”… Giữa những dòng tin tức hối hả cập nhật từng giờ từng phút tình hình cơn bão Con voi đổ bộ, càn quét tại các tỉnh miền Trung, đâu đâu cũng tan hoang, ngã đổ, đã có người thiệt mạng… tôi chập choạng đọc mấy mẩu thông tin trên, bán tín bán nghi.

Bao hiem tinh nguoi
49 người chết, mất tích do cơn bão Damrey và 45 người đẹp được chọn vào vòng chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017

Chỉ là “sự cố sập điện” thôi sao, “mất điện - tỏa sáng” - so sánh cũng hay phết! Nhưng rõ là những bản tin chết. Vô cảm. Xin thưa, không hề là sự cố, mà là tai họa, khi cơn bão số 12 đã được nâng mức cảnh báo lên cấp 4, dưới mức thảm họa thiên tai. Tháp truyền hình, cổng chào còn gãy đổ, huống gì trụ điện, đường dây tải; mà nếu không đổ thì cũng phải đóng điện để bảo toàn tính mạng nhân dân trong mưa bão. 

Nhưng, cái gì đang xảy ra ở đây thế này? 3g sáng, bão đổ bộ, sức gió càng tăng mạnh khi vào bờ, lại chậm tan nên thiệt hại tăng từng giờ phút một. Người ở nhà ngóng người ngoài đảo, nán ở lại giữ lồng bè nuôi trồng mà không biết tính mạng có trụ nổi trước tai ương. Người tại chỗ, nhanh chân đi trú bão, cứ ngoái nhìn căn nhà ông bà, tích cóp một đời dựng nên, chẳng biết khi quay về, có còn lành lặn. Bụng dạ nào, mắt mũi nào mà còn ngồi để dòm ngó hoa hậu.

Thế mà, vẫn ráng thuê cho bằng được xe phát điện, lên đèn, đón khách, phát sóng. Lý do: “Chương trình đã lên kế hoạch trước một năm, hợp đồng đã ký nên phải thực hiện đúng quy định, nên không thể nói hoãn là hoãn được” - theo phát biểu của đại diện ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017. 

Bao hiem tinh nguoi
Hàng nghìn ngôi nhà ở Nha Trang, Khánh Hòa đổ sập, cây xanh gãy đổ la liệt, điện bị cắt trên toàn tỉnh sau khi bão Damrey đổ bộ.

Chả có một hợp đồng nào nặng ký hơn, chẳng một điều khoản nào mang tính ràng buộc cao hơn tính mạng người dân đang bị đe dọa, đang bị nhấn chìm bởi mưa gió, bão bùng. Đã thế, lại còn “thí sinh cũng phải rất vất vả trong điều kiện mưa bão, họ phải tự bật đèn điện thoại để trang điểm, chẳng biết mình đẹp xấu ra sao khi lên hình” - cũng là phát biểu của vị đại diện này. 

Lần đầu tiên, tôi… ghét “trang điểm”. Hay họ - từ nhà tổ chức đến các cô nàng đỏm dáng, chưa bao giờ phân biệt được hai từ “xấu đẹp” cho đúng nghĩa của nó. Cho nên, họ ”đắp đổi” bằng việc tỏa về các điểm trường có người đi trú bão để thăm hỏi, tặng quà, quét dọn… Cả một đám gọi là “người đẹp” đồng phục tím, giày thể thao trắng hồng, họ bu lại một vài người dân, gầy nhom, đen nhẻm, mặt mũi còn lơ láo sau đêm chạy bão. Cứ như một kịch mục trong chương trình. Tội tình cho người dân. Tội nghiệp cho “người đẹp”.

Bao hiem tinh nguoi
Người dân xã nghèo Yang Mao (huyện Krông Bông, Đắk Lắk) bỗng chốc trắng tay, lâm cảnh màn trời chiếu đất sau cơn bão lớn.

Bài học vỡ lòng không chịu học, mà có khi đã học lại không chịu thuộc, nên ăn không chịu coi nồi, ngồi không chịu coi hướng, cái đẹp bỗng trở nên xấu xí, thô kệch, giả tạo. Họ sẵn sàng giặm phấn, thoa son và toét môi cười duyên giữa những ánh mắt thất thần, khô khốc, vô vọng ngóng người thân từ những con tàu trở về bên kia đảo; giữa tiếng nói chìm đi trong tiếng nấc khi bỗng chốc trở về dưới ngôi nhà trụi mái… Quỷ tha ma bắt cái gọi là hoa hậu lẫn vương miện từ Crown centre! 

Chiều 4/11. Một dòng trạng thái trên facebook của chị em vùng xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM, tôi đọc thấy: “Tội nghiệp các tỉnh miền Trung phải chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 12... xin cảm ơn các dì, các chị, các anh, đặc biệt là các tổ hậu cần do dì Hằng, dì Hà, anh Thoa đã chăm lo tốt công tác hậu cần để phục vụ bà con nhân dân tránh bão…”.

Kèm theo những câu chữ mộc mạc, có những cái tên viết vội, không kịp gõ chữ hoa là hình ảnh già trẻ, gái trai, các chị cứ thế dép lê, tóc búi, ngồi xổm mà bóc vỏ trứng, chặt thịt, cắt tỉa rau củ, ai nấy khẩn trương vào việc từ chiều để phòng khi bão đến, mưa gió, cúp điện cũng không bị động. Người người tự nguyện chung tay phục vụ cho hàng trăm người dân được chính quyền khẩn trương đưa đến vùng trú ẩn an toàn. 

Bao hiem tinh nguoi
Cổng chào Hội nghị APEC tại Đà Nẵng bị bão quật sập

Sáng 5/11. Khai mạc Hội nghị Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) tại Đà Nẵng giữa mưa to, gió lớn. Còn nhớ, tại các hội nghị xúc tiến tiền APEC, từ tháng 2/2017 cho đến tháng 10/2017 vừa qua, một trong bốn chủ đề ưu tiên hợp tác do Việt Nam đề xuất là “tài chính bảo hiểm thiên tai và rủi ro thiên tai”, trong đó nhấn mạnh “Các chiến lược hiệu quả về tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai bao gồm các giải pháp quản lý rủi ro tài chính đối với tài sản công sẽ giúp giảm nhẹ và chuyển giao rủi ro, do đó hỗ trợ tốt hơn việc phục hồi và tái thiết kịp thời khi thiên tai xảy ra”. 

Thiên tai đã và đang xảy ra ngay tại mảnh đất miền Trung, nơi diễn ra Hội nghị APEC 2017. Rủi ro thiên tai đang chất chồng lên bao người dân quê tôi và nhiều nơi khác nữa. Nhưng, trước khi chính thức đặt lên bàn nghị sự APEC, tôi nghĩ, có một thứ bảo hiểm còn lớn hơn, sâu hơn và nặng lòng hơn là bảo hiểm tình người, để bớt đi những “rủi ro” của sự vô cảm, thói chủ quan, để “phục hồi” và “tái thiết” từ chính những gãy đổ, mất mát; từ đó, mới đủ sức “tạo thêm động lực mới, cùng vun đắp tương lai”. 

Huyền Tuyến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI