Ban tổ chức, nhà tài trợ ngồi ghế giám khảo "Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2020", chuyện thật như đùa!

30/11/2020 - 14:57

PNO - Ông Trần Hướng Dương - Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - cho biết Cục đã nắm những thông tin đang bị dư luận chất vấn và yêu cầu ban tổ chức báo cáo.

Ban tổ chức có phạm luật?                                          

Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2020 khép lại với ồn ào không trao giải hoa khôi, mà chỉ ấn định hai ngôi vị Á khôi 1, Á khôi 2. Kết quả này khiến dư luận bất bình, tẩy chay. Nhưng một câu chuyện khác, có lẽ cũng "nóng" không kém: ban giám khảo (BGK) cuộc thi có hợp pháp theo quy định hiện hành?

BGK trong đêm chung kết gồm: bà Nguyễn Lê Lâm Ngân, bà Ngọc Duyên - đồng Phó ban tổ chức (BTC) cuộc thi, ông Anthony Hoàng, bà Hiền Phương Đông, NTK Diego Cortizas Del Valle, NTK Laura Fortan Pardo, hoa hậu Đỗ Trần Khánh Ngân.

Ngọc Duyên - Phó BTC cuộc thi cũng là một trong những giám khảo đêm chung kết
Bà Ngọc Duyên - Phó BTC cuộc thi, cũng là một trong những giám khảo đêm chung kết

Theo quy định tại Điều 8 Thông tư 01/2016/TT-BVHTTDL (hướng dẫn Nghị định 79/2012/NĐ-CP) quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và Nghị định 15/2016/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định 79/2012/NĐ-CP) thì BGK cuộc thi người đẹp, người mẫu phải tuân thủ những quy định sau:

Thứ nhất, mỗi cuộc thi người đẹp, người mẫu chỉ thành lập một BGK. Thứ hai, BGK gồm các nhà chuyên môn trong các lĩnh vực: nhân trắc học, mỹ học, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, nhiếp ảnh, xã hội học. 

Tùy theo tính chất của từng cuộc thi, BTC có thể mời thêm các nhà chuyên môn thuộc các lĩnh vực khác. So sánh với thành phần BGK của cuộc thi, có thể thấy đã khuyết một số vị trí khá quan trọng như: nhân trắc học, xã hội học, mỹ học.

Thứ ba, cơ quan cấp phép, đơn vị tổ chức, nhà tài trợ không tham gia thành phần BGK. Tuy nhiên, trên ghế giám khảo của Hoa khôi Du lịch Việt Nam có đến hai cái tên thuộc BTC là bà Lâm Ngân và bà Ngọc Duyên. 

Dẫu bà Vũ Thị Mỹ Dung - trưởng BTC - cho biết ông Anthony Hoàng hay bà Hiền Phương Đông là nhà tài trợ cho lễ hội thổ cẩm, mà vòng chung kết của cuộc thi là một trong những hoạt động thuộc khuôn khổ này - nhưng logo thương hiệu lại xuất hiện trên backdrop của đêm chung kết khiến dư luận không khỏi thắc mắc.

Đây là mùa thứ 2 cuộc thi này, vì thế, một câu hỏi lớn được đặt ra, liệu BTC đã không nắm luật rõ hay cố tình lách luật?

Ông Trần Hướng Dương - Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - cho biết đã nắm thông tin nhà tài trợ cho lễ hội thổ cẩm ngồi ghế giám khảo, Cục đang yêu cầu BTC cuộc thi phải báo cáo rõ ràng. Cùng với đó, việc BTC ngồi ghế giám khảo cũng phải báo cáo, giải trình với cơ quan chức năng.

Tại khoản 8, điều 7 Thông tư 01 có quy định phải có danh sách và quy chế hoạt động của BTC, BGK trong đề án cuộc thi gửi cơ quan quản lý. Một câu hỏi khác được đặt ra, do Cục quá bất cẩn hay một lần nữa BTC đã cố tình tìm cách qua mặt?

Không trao giải hoa khôi: Một sự bất nhẫn?                        

Ngôi vị Á khôi 2 được trao cho thí sinh Ngô Thị Mỹ Hải khiến dư luận không đồng tình. Không phủ nhận, cô có sắc vóc khá tốt nhưng câu trả lời ứng xử trong đêm chung kết lại lạc đề, và tệ nhất trong top 5. Điều gì đã giúp cô gái này được chấm chọn cho một trong hai ngôi vị cao nhất của đêm chung kết?

Nông Thị Thiêng, Bùi Bích Diệp và Vũ Minh Thư là ba cái tên cuối cùng còn lại trên sân khấu để chờ nghe công bố ngôi vị hoa khôi. Khi vùng sáng dần tập trung lại vị trí của ba cô gái, dưới hàng ghế khán giả những tiếng hô vang lên ủng hộ tinh thần cho họ khiến không khí càng hồi hộp hơn. 

Á khôi 2 Ngô Mỹ Hải
Á khôi 2 Ngô Thị Mỹ Hải

Nhưng cuối cùng, không ai trong số họ được xướng tên cho ngôi vị hoa khôi, một kết quả lạ lùng nhất từ trước đến nay trong các cuộc thi nhan sắc. Theo bà Mỹ Dung, việc không có hoa khôi là vì không có thí sinh nào đáp ứng được tiêu chí. Còn bà Lâm Ngân cho rằng, chưa có thí sinh nào xứng đáng với danh hiệu hoa khôi.

Chưa bàn đến tiêu chí "xứng đáng" ở đây là gì để có thể xem câu trả lời này có thỏa đáng không, việc BTC xướng tên hai á khôi rồi tạo ra khoảnh khắc chờ đợi, hồi hộp cho ba cô gái còn lại - với tình huống được mặc định là một trong ba sẽ là hoa khôi - là vô cùng bất nhẫn. Một tình huống đùa cợt với cảm xúc của người khác, là ba cô gái trên sân khấu lẫn khán giả theo dõi cuộc thi. 

Trong buổi gặp gỡ báo chí sau đêm chung kết, cả ba thí sinh đều nói mình còn nhiều thiếu sót để không được lựa chọn. Sân chơi nhan sắc để thí sinh tự tin hơn, thể hiện được năng lực bản thân, nhưng cuối cùng đều là sự nuối tiếc, và họ phải nhận trách nhiệm về mình cho quyết định lạ lùng của BTC, càng không thể chấp nhận.

Từ trái sang: Vũ Minh Thư, Nông Thị Thiêng và Bùi Bích Diệp
Từ trái sang: Vũ Minh Thư, Nông Thị Thiêng và Bùi Bích Diệp

Có rất nhiều câu hỏi về kết quả này, không chỉ vì tính hợp lý mà còn về việc ai sẽ là người gánh vác trọng trách đồng hành các hoạt động vì môi trường, du lịch trong thời gian tới - trọng trách của người đoạt giải Hoa khôi theo như quy chế cuộc thi. Top 5 hay top 10 của cuộc thi có thực sự mặn mà hay thực hiện trọng trách này, như lời bà Dung?

Ở mùa thi đầu tiên, Hoa khôi Du lịch Việt Nam đã gây không ít ồn ào với việc Á khôi Nguyễn Thị Thành bị cơ quan quản lý nhà nước tước danh hiệu và cấm hoạt động biểu diễn.

mùa 2 này, cuộc thi lại cho thấy một sự nghiệp dư và tùy tiện trong kết cấu tổ chức - chấm giải, lẫn ứng xử thiếu tôn trọng với cảm xúc của người khác. Cơ quan quản lý ở đâu, sẽ có giải pháp gì để điều này đừng lặp lại, là câu hỏi rất nhiều người chờ đợi lời giải đáp.

Hà Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI