Bali cảnh báo nguy cơ lây nhiễm bệnh dại tại nhiều điểm du lịch

23/07/2025 - 07:57

PNO - Chính quyền Bali (Indonesia) đã nâng cảnh báo y tế và tiêm phòng khẩn cấp cho động vật sau khi nhiều điểm du lịch, đặc biệt là South Kuta, bị xếp vào “vùng đỏ” bệnh dại do số ca chó nhiễm bệnh và người bị chó cắn gia tăng.

Du khách không nên tiếp xúc với chó hoang ở các địa điểm du lịch nổi tiếng tại Bali để tránh lây nhiễm bệnh dại. Ảnh: EPA
Du khách được cảnh báo không nên tiếp xúc với chó hoang ở các địa điểm du lịch để tránh lây nhiễm bệnh dại - Ảnh: EPA

Theo Cơ quan quản lý Nông nghiệp và Lương thực huyện Badung (tỉnh Bali), trong tháng này, ở mỗi ngôi làng thuộc vùng ảnh hưởng có ít nhất 1 - 2 con chó dương tính với vi rút dại. Theo quy định y tế địa phương, chỉ cần ghi nhận 1 trường hợp dương tính cũng đủ để một khu vực bị phân loại là ''vùng đỏ'', nơi bệnh dại đang lưu hành và cần can thiệp khẩn cấp.

Sau các vụ chó tấn công người, chính quyền đã thực hiện chiến dịch tiêm phòng diện rộng, đặc biệt tại các địa bàn như Tanjung Benoa, Nusa Dua, Jimbaran và các khu vực ven biển thuộc huyện Mengwi như bãi biển Pererenan và Seseh, tất cả đều là địa điểm thu hút khách quốc tế.

Bà Anak Agung Istri Brahmi Witari - một quan chức phụ trách về thú y - cho biết: ''Nguyên nhân chính khiến phần lớn South Kuta hiện nằm trong danh sách ''vùng đỏ'' là do địa hình nhiều bụi rậm, trở thành nơi trú ngụ của nhiều chó hoang. Dù chỉ ghi nhận 1 - 2 vụ chó cắn ở mỗi khu vực, nguy cơ lây lan vẫn rất cao. Điều quan trọng không phải là số ca nhiễm hiện tại, mà là khả năng lan rộng. Do đó, cần tiêm phòng và kiểm soát ngay lập tức''.

Khách du lịch được khuyến cáo hạn chế tiếp xúc với chó và khỉ hoang, đồng thời phải nhanh chóng đến cơ sở y tế nếu bị cắn hoặc trầy xước.

Không chỉ ở Badung, tại huyện Jembrana (phía tây Bali), chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025 đã có 1.906 ca bị động vật cắn. Tính đến hết tháng Ba, toàn tỉnh Bali ghi nhận 8.801 trường hợp bị động vật cắn, ít nhất 6 ca tử vong do bệnh dại.

Bệnh dại do vi rút gây ra, chủ yếu lây truyền qua vết cắn của động vật. Khi đã phát bệnh, bệnh dại gần như không thể cứu chữa, nhưng có thể phòng ngừa bằng cách xử lý vết thương kịp thời và tiêm phòng sau phơi nhiễm, bao gồm vắc xin và huyết thanh kháng dại.

Dù chính quyền Bali đã triển khai tiêm phòng định kỳ hàng năm từ năm 2008, các đợt bùng phát vẫn tái diễn. Tại Denpasar, tỉ lệ tiêm phòng cho chó thấp đến mức báo động: chỉ có 2.266 con được tiêm trong tổng số ước tính khoảng 74.000 con, tương đương 2,75%.

Nhật Minh (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI