Bài toán cho dân số già

21/11/2022 - 06:28

PNO - Mẹ tôi năm nay 80 tuổi. 2 năm qua, thời gian bà nằm viện nhiều hơn sống ở nhà. Khi mẹ nhập viện, anh em tôi luân phiên chăm sóc. Đến phiên trực của cô em út, tôi thấy mẹ vui hơn, gương mặt tươi tắn, chịu khó ăn, uống thuốc và đôi khi ngủ ngon trong vòng tay của út.

Tôi quan sát, thấy út thường cưng nựng và siêng kể chuyện cuộc sống với mẹ. Trái lại, tôi và các anh chị hầu như chỉ đỡ đần cho mẹ trong sinh hoạt cá nhân, hỏi bà muốn gì. Từ nhỏ, cô út là người gần gũi, hay chia sẻ với mẹ tôi nhất nhà.

Được yêu thương, sẻ chia, tôn trọng là nhu cầu của con người, nhất là những người yếu thế, dễ bị tổn thương và ít có khả năng tự chăm sóc mình, trong đó có người già.

Dân số thế giới đã vượt mốc 8 tỉ người vào ngày 15/11/2022 và được dự báo sẽ đạt 9 tỉ người trong vòng 15 năm tới. Theo đó, số người già trên thế giới cũng sẽ tăng nhanh với tốc độ chưa từng thấy.

Là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh, Việt Nam được dự báo sẽ bước vào thời kỳ dân số già từ năm 2036. Theo Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2019-2021, Việt Nam tăng 2,07 triệu người, kéo theo số người từ 60 tuổi trở lên tăng 1,17 triệu người. Việt Nam cũng có 1,47 triệu người già chịu ít nhất 1 khuyết tật chức năng, chiếm 11,7% trong tổng số người cao tuổi cả nước. Trong đó, gần 796.000 người rất khó khăn hoặc không thể thực hiện ít nhất 1 trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày.

Già hóa dân số đặt ra vô vàn thách thức về kinh tế, xã hội, đòi hỏi quốc gia phải có chiến lược thích ứng để phát triển bền vững, bao gồm tăng cường các chính sách phúc lợi dành cho người già. Nhiều năm qua, Việt Nam đã tăng trợ cấp, ưu tiên về dịch vụ y tế, tăng cường các mô hình, hoạt động giải trí cho người già… Song, việc đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần cho người cao tuổi luôn là bài toán khó, kể cả ở những nước phát triển.

Ở Việt Nam, việc chăm sóc người già lâu nay thường do người trong gia đình thực hiện. Việc thuê người có kỹ năng chăm sóc họ tại nhà hoặc đưa họ vào các trung tâm dưỡng lão (có đội ngũ y tế) vẫn chưa phổ biến. Nhưng với tốc độ già hóa dân số nhanh, hình thức người thân chăm sóc người cao tuổi cần phải được thay bằng hình thức khác chuyên nghiệp hơn, như phát triển mô hình bác sĩ gia đình, nhà dưỡng lão hay cơ sở y tế dành riêng cho họ. 

Đối với tuổi già - một trong những điều quan trọng nhất là thời gian sống khỏe mạnh. Tại TPHCM, theo kế hoạch thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 (do UBND TPHCM ban hành cuối tháng 5/2022) đã đặt mục tiêu thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 67 năm vào năm 2025 và tối thiểu 68 năm vào năm 2030. 

Để tăng thời gian sống khỏe mạnh của người già, bên cạnh chính sách của các cơ quan chuyên trách thì sự chuẩn bị của mỗi người cho tuổi già là rất quan trọng. Mỗi người cần tập cho mình lối sống lành mạnh, quan tâm đến sức khỏe và đi khám sức khỏe định kỳ. 

Thế nhưng, trên thực tế, ở nước ta, nhiều người không tham gia bảo hiểm y tế nên khi gặp vấn đề về sức khỏe, chi phí chữa trị thường rất cao, vượt quá khả năng tài chính của họ và gia đình họ. Mặt khác, nhiều người lười đi khám sức khỏe định kỳ nên khi thấy sức khỏe có vấn đề, đi khám thì bệnh đã diễn tiến sang các giai đoạn nguy hiểm, khó chữa trị.

Ở Nhật Bản - đất nước có dân số già nhất thế giới với gần 30% công dân trên 65 tuổi, chính phủ liên tục cải tiến chính sách để ngày càng chăm lo tốt hơn cho người dân. Cụ thể, từ năm 2000, với hệ thống bảo hiểm chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi, tất cả người dân từ 65 tuổi trở lên đều được nhận các khoản phúc lợi bất kể thu nhập ở mức nào.

Về phần mình, người dân Nhật Bản cũng rất có ý thức trong việc chủ động chăm lo sức khỏe, duy trì sự độc lập cả về tài chính lẫn tinh thần để chuẩn bị cho tuổi già hạnh phúc. Đó là hướng đi mà Việt Nam nên nghiên cứu, học tập. 

Tuyết Dân
 

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu