Bài 3: Vũ Đình Long - Dấu ấn mở đầu kịch nói Việt Nam

19/08/2018 - 14:30

PNO - Sự va chạm giữa văn hóa Đông - Tây đã nảy sinh ra một thế hệ trí thức mới, lớp công chúng mới, sẵn sàng tiếp thu cái mới, đòi hỏi người nghệ sĩ phải cải tiến, nâng cao di sản cũ để phù hợp thời đại.

So với các loại hình nghệ thuật cổ truyền như tuồng, chèo, kịch nói là đứa con sinh sau đẻ muộn. Từ những năm cuối thế kỷ XIX, đã có một vài đoàn kịch từ Pháp sang nước ta biểu diễn. Tiếp cận cái mới, các nhà hoạt động nghệ thuật người Việt đã hào hứng tìm hiểu, thu nhận cái hay của bộ môn này.

Bai 3: Vu Dinh Long - Dau an mo dau kich noi Viet Nam
Nghệ sĩ Vũ Đình Long

Tại Sài Gòn, từ năm 1918, đã có người Việt viết kịch, nhưng vẫn còn xen lẫn vài điệu hát cải lương, ca kịch truyền thống.

Tại Hà Nội, ngày 25/4/1920, vở Người bệnh tưởng của Molière do Nguyễn Văn Vĩnh dịch sang tiếng Việt đã được công diễn. Báo chí đánh giá cao sự kiện này và “mong rằng sân khấu Việt Nam sẽ diễn những vở hài kịch theo lối thái Tây để bổ ích cho nhân tâm, phong tục nước nhà” (Thực Nghiệp dân báo - số tháng 7/1920). Thế nhưng phải hơn một năm sau, công chúng mới thật sự tin tưởng vào loại hình nghệ thuật này.

Lúc bấy giờ, nhà viết kịch Vũ Đình Long cũng ưu tư như nhiều người khác: “Tại sao người mình, ăn mặc quần áo Pháp thế kỷ XVII, diễn kịch Pháp cho người mình xem?”. Trả lời câu hỏi ấy là động lực thúc đẩy họ “mạnh dạn sáng tác những vở kịch nói Việt Nam, nói về đời sống của Việt Nam, do người Việt Nam biểu diễn, cho người Việt Nam xem”.

Khi văn minh phương Tây du nhập vào Việt Nam, với cái nhìn mới, các hiện tượng, sự vật phải logic, khoa học, chứng thực rõ ràng, không ít vấn đề cũ cần được xem xét lại. Chẳng hạn đồng bóng quàng xiên, buôn thần bán thánh phải bị đả phá, phê phán, chứ không thể cứ mê muội, nhắm mắt tin theo. Đó là một trong những đề tài mới mẻ mà thể loại kịch đã chạm đến.

Tại Nhà hát lớn Hà Nội, ngày 22/10/1921, Bắc kỳ Công thương Đồng nghiệp Ái hữu đã công diễn vở kịch Chén thuốc độc của Vũ Đình Long (1896-1960). “Hí kịch lối mới, ba hồi, chia làm 36 xen” đã bàn về vấn đề đó, thông qua gia đình trung lưu thành thị của thầy thông Thu. Họ mê đồng bóng cùng thói chơi bời, cờ bạc, cô đầu con hát... nên tan cửa nát nhà. Các tình huống trong kịch đã tạo ra xung đột giữa dục vọng và lương tri, giữa tệ lậu xã hội với hạnh phúc gia đình.

Từ chất liệu có thật trong đời sống, Vũ Đình Long đem lên sân khấu, tạo ra tiếng cười phê phán. Điều mới mẻ nữa là các diễn viên đã nói bằng giọng đời thường như đang diễn ra, chứ không “cách điệu” qua các làn điệu du dương, trầm bổng theo quy tắc của lối diễn truyền thống.

Bên cạnh đó, ngoài cấu trúc chặt chẽ, tuân theo quy tắc của nghệ thuật kịch, tạo ra kịch tính, xung đột; bài trí sân khấu cũng phải đa dạng, phù hợp với tình huống kịch, diễn viên phải “có nghề” từ hành động, cử chỉ đến lời nói.

Chén thuốc độc đã đạt đến điều đó. Thành công vang dội của tác phẩm trở thành chuẩn mực để nhiều nhà soạn kịch đương thời hướng theo. Và họ tiếp tục cách tân, thay đổi để kịch ngày một hoàn thiện.

Bai 3: Vu Dinh Long - Dau an mo dau kich noi Viet Nam

Công bằng mà nói, từ xa xưa, trong các vở tuồng, chèo cổ, cách nói bông lơn của các vai hề, chủ quán, thầy bói, lính lác đã chứa yếu tố “thoại kịch” - nhân vật đối thoại bằng những câu nói bình dân thông thường, chứ không phải câu văn biền ngẫu, tuân theo số chữ, làn điệu nhất định.

Tuy nhiên, thời đại thế nào thì văn nghệ thế ấy. Sự cọ xát, va chạm của hai nền văn hóa Đông - Tây đã nảy sinh ra một thế hệ trí thức mới, lớp công chúng mới. Họ sẵn sàng tiếp thu cái mới, đòi hỏi người nghệ sĩ phải cải tiến, nâng cao di sản cũ để phù hợp thời đại mới.

Thật vậy, một khi ý thức hệ tư sản ra đời đã dẫn đến thay đổi về tâm lý, nếp sống trong một lớp người mới. Những Tứ thư, Ngũ kinh, “Khổng viết”… không còn là “khuôn vàng thước ngọc”. Lớp người mới ấy đòi hỏi nội dung văn nghệ, trong đó có kịch nói, phải đáp ứng được thị hiếu mới, mỹ cảm mới, cảm xúc mới.

Từ đó, “về mặt sân khấu, đứng trước những đòi hỏi mới của xã hội, các loại hình ca kịch cổ truyền của dân tộc cũng ít nhiều có chuyển biến” (Bước đầu tìm hiểu lịch sử kịch nói Việt Nam - Phan Kế Hoành, Huỳnh Lý - nhà xuất bản Văn hóa, 1978).

Ý thức sáng tạo về kịch của Vũ Đình Long cùng các nghệ sĩ đương thời đã đi sâu vào ba hướng chính: bảo vệ đạo đức truyền thống, phê phán hiện thực xã hội và thoát ly phong kiến.

Từ Chén thuốc độc, thể loại kịch đã tiến rất nhanh về số lượng lẫn chất lượng và bài trí sân khấu. Đó là tín hiệu đáng mừng cho con đường phát triển của kịch nói Việt Nam mà Vũ Đình Long là người tiên phong “khai sơn phá thạch”.

Trong Nhà văn hiện đại, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan ghi nhận: “Vũ Đình Long là nhà soạn kịch lối mới trước nhất ở nước ta và vở kịch Chén thuốc độc là cái mốc đầu tiên trên con đường hài kịch Việt Nam lối mới”.

Trong chuyên đề Lướt qua một thế kỷ, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã ghi nhận Chén thuốc độc là: “Vở kịch đã đi vào văn học sử và sân khấu Việt Nam với tư cách một sự mở đầu cho kịch nói dân tộc”.

Lê Minh Quốc

Bài 4: Tạ Duy Hiển - Người hiện đại hóa nghệ thuật xiếc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI