Đô thị miền Trung - mưa là ngập:

Bài 1: Khu đô thị kiểu mẫu cũng ngập nặng sau mưa

12/11/2021 - 06:57

PNO - Không đợi lũ hay triều cường, chỉ cần mưa lớn là dân tình trong một số đô thị ở miền Trung lại phải be bờ, cản nước tràn vô nhà. Nhiều khu đô thị mới vừa hoàn thành cũng ngập sâu mỗi khi có mưa lớn.

Đường phố dành cho… ghe

Cuối tháng Mười vừa qua, chỉ sau vài trận mưa lớn, người dân ở TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam phải bì bõm lội nước. Anh Hiếu - có nhà ở đường Nguyễn Thái Bình, P. An Sơn - kể: “Tôi phải chạy xe vòng lên đường tránh Quốc lộ 1A rồi tìm đường về cơ quan chứ không thể chạy trong thành phố được vì nước quá lớn”. Khi đó, tất cả các tuyến đường, khu dân cư đều ngập sâu, có nơi ngập từ 1 - 1,5m. Những khu mới xây dựng cũng chịu chung cảnh ngập nước, như khu dân cư Bưu điện, khu dân cư Bộ đội biên phòng, khu Mỹ Thạch Trung…

Khu đô thị An Vân Dương  (Thừa Thiên - Huế) dù được xem  là đô thị kiểu mẫu  cũng thường xuyên bị ngập  mỗ i khi trờ i mưa lớ n  ẢNH: THUẬN HÓA
Khu đô thị An Vân Dương (Thừa Thiên - Huế) dù được xem là đô thị kiểu mẫu cũng thường xuyên bị ngập mỗi khi trời mưa lớn - Ảnh: Thuận Hóa

Hễ mưa là ngập. Dân cho rằng, chính quyền quy hoạch quá kém, bởi Tam Kỳ ở sát sông, dễ nước thoát. Nhưng ông Trần Trung Hậu - Phó chủ tịch UBND TP. Tam Kỳ - giải thích: “Tam Kỳ có địa hình trũng thấp, là nơi trung chuyển nước từ tây sang đông với quãng xa nên dễ ngập cục bộ. Hơn nữa, mưa ngày càng lớn và dày đặc nên việc ngập lụt là khó tránh khỏi. Bên cạnh đó do hạ tầng đô thị đã cũ, xuống cấp, các ống thoát nước chưa được khớp nối”.

Theo ông Trần Trung Hậu, năm 2015, chính quyền mới hoàn thiện được quy hoạch tổng thể TP.Tam Kỳ. Trước đó, việc quản lý quy hoạch có nhiều bất cập. Dự án triển khai sau thường có cốt nền cao hơn dự án trước, tạo ra nhiều điểm nghẽn về thoát nước. Hiện nay, trên sông Bàn Thạch chảy qua TP. Tam Kỳ, có năm cây cầu và tuyến đường, nhiều vị trí đắp cao từ 2 - 5m, tạo thành tuyến đê cản dòng nước chảy, như các cầu Nguyễn Văn Trỗi, Kỳ Phú 1 và 2. Thêm vào đó, có 25 tuyến đường, 31 khu dân cư cần phải khớp nối, hoàn thiện việc thoát nước.

Láng giềng của TP.Tam Kỳ là TP. Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) cũng không khá hơn. Ông N.X.S. - ở hẻm 364 Phan Đình Phùng, TP. Quảng Ngãi - cho biết lúc mới xây nhà, nền nhà ông cao hơn mặt đường Phan Đình Phùng. Những mùa mưa trước, nhà cửa không hề hấn, nhưng trong đợt mưa lớn vừa rồi, nước tràn vô nhà. 

Mưa từ ngày 22 - 24/10 với lượng mưa đo được là 532mm trong 24 giờ khiến thành phố bị ngập. Đô thị trung tâm TP. Quảng Ngãi được đầu tư 20 năm trước. Hơn 5 năm qua, một loạt dự án bất động sản tại đây đã biến những bàu chứa nước, đồng trũng thành khu dân cư, khu đô thị mới (ĐTM) như những rào chắn, khiến nước không thoát được. Quy hoạch và xây dựng giữa khu cũ và mới không đồng bộ càng khiến nước chảy lòng vòng, không thoát được, cũng không ngấm xuống được. 

Đô thị kiểu mẫu cũng ngập

An Vân Dương được xem là khu đô thị kiểu mẫu của tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng ngập nặng sau mỗi trận mưa to. Khu này được quy hoạch vào năm 2005, được các chuyên gia đánh giá là ĐTM lớn nhất tỉnh, nằm một phần ở TP. Huế, một phần ở thị xã Hương Thủy, một phần ở huyện Phú Vang với diện tích là 1.700ha, quy mô dân số đến năm 2020 là 60.000 người.

Khu đô thị An Vân Dương (Thừa Thiên - Huế) thường xuyên bị ngập mưa - ẢNH: THUẬN HÓA
Khu đô thị An Vân Dương (Thừa Thiên - Huế) thường xuyên bị ngập mưa - Ảnh: Thuận Hóa

Ông Nguyễn Hiền - có ruộng ở hồ sen cạnh chung cư Aranya và trụ sở Bảo hiểm Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế, thuộc khu ĐTM An Vân Dương, phường Xuân Phú, TP. Huế - nói: “Sang năm, chú trả lại đất cho Nhà nước rồi. Nghe đâu có dự án xây chung cư cao cấp. Chỗ ni mà xây xong thì mùa mưa lụt, nước ứ trong xóm, chẳng biết thoát ra cửa nào”. Theo bà con ở đây, mười năm trước, nước lụt ở đây lên nhanh rồi rút nhanh, còn bây giờ, mưa chưa lớn đã ngập.  

 Nhớ lại mùa mưa tháng 10/2020, anh Trần Khánh - cư dân khu ĐTM An Vân Dương - rùng mình. Vợ chồng anh tích cóp tiền  mua căn hộ ở khu ĐTM An Vân Dương năm 2019 do thích hệ sinh thái nơi đây, nhưng chỉ được một năm, mọi mơ mộng đều biến thành ác mộng. Anh xuất viện do đau tim đúng lúc mưa lớn. Nhà anh ở tầng hai của tòa chung cư chín tầng. Vợ mới sinh xong, anh thì đau mệt. Điện cúp. Nước ở đâu ào tới. Cả chung cư nhốn nháo. Tầng trệt vốn dùng để xe, nhưng mọi người phải hè nhau đưa lên tầng cao. Hết chỗ chứa, mọi người chán ngán để xe ngập nước luôn. 

Khi làm quy hoạch, các chuyên gia đã tính chuyện chống ngập cho khu này. Đó là căn cứ vào mực nước lũ hằng năm, khu ĐTM An Vân Dương chọn cao độ nền xây dựng khu đô thị theo hướng dốc thấp dần từ tây sang đông, từ nam lên phía bắc để không ảnh hưởng đến dòng chảy thoát lũ, đồng thời không bị ngập úng với mức nước lũ hằng năm. Thực tế, trong các đợt lũ cuối năm 2020, các tuyến giao thông quan trọng trong khu ĐTM An Vân Dương như đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Thủy Dương nối dài Thuận An đều bị chia cắt…

Đô thị hóa quá nhanh

Cuối tháng Mười này, báo chí đưa tin công an phải giải cứu học sinh ở TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị do mưa ngập sâu trong trường. Đó là một trong vô vàn cảnh khổ sở của người dân nơi đây, khi nhiều khu vực ngập đến ba lần chỉ sau một trận mưa lớn, có nơi ngập hơn 1m, nhấn chìm nhiều tài sản, gây ách tắc giao thông, sản xuất.

Giải cứu học sinh bị nước cô lập ở TP.Đông Hà sau một trận mưa to vào cuối tháng 10/2021 - ẢNH: THUẬN HÓA
Giải cứu học sinh bị nước cô lập ở TP. Đông Hà sau một trận mưa to vào cuối tháng 10/2021 - Ảnh: Thuận Hóa

Dân cho rằng, nguyên nhân là do việc đặt cống thoát nước không hợp lý và do tình trạng xây dựng bừa bãi, bởi từ năm 2018 trở về trước, hiện tượng này không xảy ra. TP. Đông Hà có chín phường với chưa đầy 100.000 dân nhưng cơ sở hạ tầng có hàng loạt bất cập. Đặc biệt, đường Trường Chinh nằm ở trung tâm TP. Đông Hà vẫn chưa được thi công hoàn thiện. Vừa qua khỏi cổng chính Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao, con đường lớn được trải nhựa phẳng phiu bỗng bị bóp lại còn một nửa, đoạn tiếp theo vẫn là đường đất thấp trũng, thường xuyên bị ngập. 

Khu vực này là túi hứng nước toàn thành phố, nhưng lại được lắp cống bi và cống hộp với kích thước nhỏ nên dễ bị ngập cục bộ sau mưa, có nơi ngập sâu trên 2m. Bốn năm trước, mưa lụt cục bộ đã gây ra cái chết cho một học sinh trung học phổ thông trên đường đi học về ngang qua khu vực này. Ông Phan Văn Chiến - sinh sống trong vùng ngập lụt này - than: “Trong đợt mưa dài ngày vào cuối năm 2020, nhà tôi bị ngập ba lần, đều trên 1,5m. Cứ nghĩ đó là mức ngập sâu nhất rồi, ai ngờ tháng Mười năm nay, chỉ sau vài trận mưa to, nhà tôi tiếp tục bị ngập ba lần nữa, nước chạm tới trần nhà ở tầng trệt”.

Theo ông Phạm Văn Dũng - Phó chủ tịch UBND TP. Đông Hà - ngập là do thời tiết bất lợi, do biến đổi khí hậu, mưa kéo dài. Thêm vào đó, đô thị hóa diễn ra rất nhanh, làm cho diện tích mặt đất tự nhiên bị thu hẹp, các hệ thống thoát nước tự nhiên cũng bị mất đi. Ngoài ra, việc xây dựng các công trình công cộng, các công trình dân sinh cũng làm cho nước mưa không thấm được xuống lòng đất. Trong khi đó, hệ thống thoát nước của thành phố chưa hoàn thiện nên nước chưa thoát được… 

Nhóm phóng viên miền Trung

Bài cuối: Chống ngập hiệu quả, bắt đầu từ đâu?

 

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu