Bác sĩ vừa mổ cấp cứu vừa hiến máu cứu sản phụ: Gia đình vô cùng biết ơn

08/07/2016 - 05:44

PNO - Vừa mổ cấp cứu cho bệnh nhân phòng bên xong, thấy tình trạng chị Lượng nguy kịch, hai bác sĩ liền sang hiến máu để cấp cứu cho sản phụ.

Liên quan đến sự việc các bác sĩ hiến máu cứu sản phụ mổ cấp cứu lấy thai nhi tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, chị Võ Thị Lượng, sản phụ được các bác sĩ mổ cấp cứu và cho máu hôm đó cho biết, hiện tại sức khỏe đã ổn định. Chị và gia đình chưa được gặp con nên cũng rất nóng lòng muốn gặp bé.

Chị Lượng cho biết: "Từ khi ở nhà bị chảy máu, tôi đã thấy đuội sức và bị ngất nên sự việc xảy ra sau đó như thế nào, tôi không biết gì. Nhưng khi ca mổ thành công, mẹ tròn, con vuông và tôi được biết, đã có các bác sĩ cấp cứu tận tình, nhất là được 3 bác sĩ cho máu, tôi thực sự rất cảm động và biết ơn. Tôi không biết nói gì ngoài gửi lời cảm ơn đến bác sĩ, mẹ con tôi quả thực rất may mắn và hạnh phúc".

Bac si vua mo cap cuu vua hien mau cuu san phu: Gia dinh vo cung biet on
Tình trạng sản phụ Lượng hiện giờ đã ổn định. (Ảnh: BVĐKHT).

Trước đó, chị Lượng cho biết, quá trình mang thai từ tuần thứ 28 trở về trước, chị không thấy có vấn đề gì cả, sức khỏe vẫn tốt. Nhưng, sau đó chị đi siêu âm lại thì bác sĩ cho biết là chị bị nhau tiền đạo. Gần đến tuần thứ 32 thì chị thấy bị ra máu và đến bệnh viện, nằm viện được gần 10 ngày, tình trạng cũng ổn định, chị Lượng xin về nhà. Các bác sĩ có dặn rất kĩ là về nhà không được đi lại mà chỉ được nằm một chỗ. Tuy nhiên được 1 tuần thì chị bị ra máu lại và đến bệnh viện cấp cứu.

Được biết, gia đình chị Lượng đã có một bé gái 6 tuổi, giờ sinh thêm được 1 bé trai nữa lại vượt qua được nguy hiểm này, ai cũng mừng.

Bác sĩ vừa mổ cấp cứu xong, lập tức hiến máu cho bệnh nhân

Nói về quá trình mổ cấp cứu cho sản phụ Lượng, bác sĩ Nguyễn Thị Thúy - Trưởng khoa Sản, Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh, cũng là người đứng ra trực tiếp mổ cho sản phụ Lượng cho biết: "Hiện tại, tình trạng của sản phụ Lượng đã ổn định, hồng cầu, huyết áp ổn định và không cần phải truyền máu nữa. Còn cháu bé thì đang nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt, bé đã có thể tự thở, chỉ bị thiếu máu một chút, các bác sĩ đang truyền thêm máu cho bé.

Chị Lượng được mổ cấp cứu khi mang thai ở tuần thứ 33, nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch. Ở nhà, khi phát hiện bị chảy máu cái là gia đình chuyển sản phụ đến bệnh viện ngay. Tuy nhiên do nhà cách bệnh viện hơn 70km nên trên đường đi chị Lượng đã bị mất khá nhiều máu.

Bệnh nhân vào viện trong tình trạng bị trụy mạch, hơn thế nhóm máu O mà chị Lượng cần, trong bệnh viện chỉ còn 2 đơn vị. Tình hình lúc đó rất nguy cấp, khi vừa mổ bụng lấy em bé cái là máu chảy ồ ạt, hơn thế do sản phụ bị nhau tiền đạo trung tâm, nhau chèn lên thai nên chúng tôi phải làm rất nhanh để lấy em bé ra bởi nếu làm chậm thì em bé sẽ bị ảnh hưởng bởi thuốc mê.

Tình hình khi đó khiến chúng tôi rất lo lắng. Tuy nhiên, rất may đúng lúc đó, bác sĩ Nguyễn Viết Thọ (Phó khoa Sản) và bác sĩ Lâm Phúc Công (công tác tại khoa Sản) là hai bác sĩ vừa mổ cấp cứu xong một trường hợp bên cạnh, thấy trường hợp của chị Lượng đang nguy kịch mà lại thiếu máu truyền, các bác sĩ liền tình nguyện hiến máu cho chị Lượng. Bác sĩ Trương Ngọc Anh (Phó trưởng khoa Gây mê hồi sức) cũng là người trực tiếp làm công tác gây mê cho kíp mổ sản hôm đó, biết mình trùng nhóm máu với sản phụ, bác sĩ Anh cũng đồng thanh cho bệnh nhân máu luôn".

Bac si vua mo cap cuu vua hien mau cuu san phu: Gia dinh vo cung biet on
Em bé sinh non tháng đang được chăm sóc trong phòng đặc biệt, nằm lồng ấp. (Ảnh: BVĐKHT).

Nói về những trường hợp phụ nữ mang thai bị nhau tiền đạo, bác sĩ Thúy cũng cho biết thêm: "Thông thường ở 3 tháng cuối, sản phụ sẽ bị chảy máu và khoảng cách các lần chảy máu sẽ tăng dần lên. Chính vì vậy, các thai phụ thường phải nằm viện để được các bác sĩ theo dõi thường xuyên.

Với trường hợp của sản phụ Lượng, trước đó, các bác sĩ cũng đã yêu cầu chị Lượng nằm viện. Nhưng sau đó sản phụ đã xin về và viết cam đoan vào hồ sơ. Các bác sĩ cũng đã có giải thích nhưng gia đình nói là nằm viện lâu rồi nên muốn xin về ít hôm rồi lại đến. Tuy nhiên, chị Lượng về được 1 tuần thì bị chảy máu.

Với các sản phụ bị nhau tiền đạo thì các lần chảy máu thường đến bất chợt và không có dấu hiệu trước. Chính vì thế, các thai phụ phải nằm viện 3 tháng cuối hoặc những gia đình nào nhà ở gần bệnh viện thì mới có thể về nhà. Vì khi thai phụ bị chảy máu cái là phải đến bệnh viện ngay để các bác sĩ cấp cứu kịp thời".

Trước đó, trao đổi với PV báo Phụ Nữ TP.HCM, ThS.BS Lê Ngọc Thanh, Trưởng phòng Kế hoạch chuyên môn Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sáng ngày 6/7, sản phụ Võ Thị Lượng (26 tuổi, ngụ tại xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nhập viện trong tình trạng lơ mơ, da niêm mạc nhợt nhạt, mạch khó bắt, huyết áp không đo được, tim thai rời rạc, âm đạo ra nhiều máu, tử cung co cứng liên tục, sản phụ được chẩn đoán là bị nhau tiền đạo.

Ngay sau đó, sản phụ được hội chẩn và chuyển lên phòng mổ cấp cứu. Trong quá trình mổ, sản phụ bị mất máu nhiều và cần phải truyền thêm 5 đơn vị máu (thuộc nhóm máu O), trong khi ngân hàng máu tại bệnh viện chỉ còn 2 đơn vị máu O và người nhà của sản phụ không có bất kỳ ai cùng nhóm máu. Nếu không có máu truyền, bệnh nhân không đủ máu thì nguy cơ sản phụ bị tử vong rất cao.

Khi đó, có 3 bác sĩ của bệnh viện là bác sĩ Trương Ngọc Anh (Phó trưởng khoa Gây mê), bác sĩ Nguyễn Viết Công (Phó khoa Sản), bác sĩ Lâm Phúc Công (công tác tại khoa Sản) đã tình nguyện hiến máu, cứu sống sản phụ Lượng. Ca mổ đẻ thành công, sản phụ Lượng sinh được bé trai nặng 2,1 kg.

Minh Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI