Bác sĩ kê đơn thuốc 5,2 triệu đồng, thực phẩm chức năng chiếm 4,8 triệu đồng

13/06/2022 - 09:47

PNO - ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) bức xúc trước thông tin bệnh nhân phải chi 4,8 triệu đồng cho thực phẩm chức năng trong khi tiền thuốc chỉ 400 ngàn đồng.

 

ĐBQH Hoàng Minh Hiếu chỉ ra, bệnh nhân luôn là đối tượng yếu thế trong mối quan hệ với người hành nghề, thường xuyên

ĐBQH Hoàng Minh Hiếu chỉ ra, bệnh nhân luôn là đối tượng yếu thế trong mối quan hệ với người hành nghề, phụ thuộc vào trình độ, đạo đức của y bác sĩ...

Tại phiên thảo luận về dự án Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi), ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) trích dẫn thông tin đăng tải trên báo chí ngay đầu tháng 6 này, khi kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đang diễn ra. Theo đó, trong một đơn thuốc tại Hà Nội, bệnh nhân phải chi hơn 4,8 triệu đồng cho thực phẩm chức năng, trong khi tiền thuốc điều trị chỉ 400 ngàn đồng. Nhiều bệnh nhân phải bỏ viện ra về vì chi phí đắt đỏ.

Theo ĐBQH Hoàng Minh Hiếu, đáng lo ngại đây chỉ là một trong những trường hợp bệnh nhân phải chịu thiệt thòi khi đi khám bệnh. Trước đây, dư luận đã biết đến trường hợp bệnh nhân phải chi trả nhiều tiền cho các xét nghiệm không cần thiết, không được lý giải rõ ràng về kết quả khám chữa bệnh, thậm chí không được giải thích rõ khi xảy ra sai sót.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này, theo ĐBQH Hoàng Minh Hiếu, là chưa nhìn nhận đầy đủ mối quan hệ pháp lý giữa người bệnh và người hành nghề khám chữa bệnh. Trong mối quan hệ này, người bệnh luôn ở trong thế yếu, phụ thuộc vào kiến thức, kỹ năng, đạo đức của người hành nghề. Do vậy, nguyên tắc về khám chữa bệnh phải đặt ra rất cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích của người bệnh. Tuy nhiên, dự thảo luật lần này còn dừng lại ở các quy định chung chung, chưa đảm bảo người bệnh thực hiện được các quyền của mình, dự thảo sẽ không đạt được mục đích đặt ra, lấy người bệnh làm trung tâm.

ĐBQH Hoàng Minh Hiếu đề xuất bổ sung, quy định mối quan hệ giữa người bệnh và người hành nghề. Dự thảo luật cần khẳng định người hành nghề phải thực hiện vì lợi ích tối đa của người bệnh. Cụ thể, cần bổ sung trách nhiệm người hành nghề dưới 3 góc độ: trách nhiệm trong việc khám chữa bệnh; bảo mật thông tin người bệnh và tránh xung đột lợi ích.

Thứ nhất, về trách nhiệm khám chữa bệnh, theo ĐBQH, người hành nghề phải thông tin rõ cho bệnh nhân về ưu điểm, nhược điểm, rủi ro, tác dụng phụ của phương pháp chữa bệnh, không dừng lại ở tư vấn cung cấp thông tin như hiện nay. Phải thực hiện liên tục trong diễn biến mới của bệnh nhân để người bệnh hiểu rõ.

Thứ hai, về bảo mật thông tin của người bệnh, dự thảo luật đã có quy định khá đầy đủ. Đây là một trong những ưu điểm của dự án luật. Tuy nhiên, ĐBQH Hoàng Minh Hiếu đề nghị quy định rõ hơn tại điều 92, vì các thông tin của bệnh nhân sẽ được Bộ Y tế tổng hợp song chưa quy định rõ thẩm quyền cấp phép truy cập.

Thứ ba, trách nhiệm để tránh xung đột lợi ích là quy định chưa được dự thảo quan tâm đúng mức, song lại là biện pháp mà theo ĐBQH Hoàng Minh Hiếu sẽ giảm các đơn thuốc đắt đỏ như vừa nêu. Theo pháp luật của nhiều nước, người hành nghề khám chữa bệnh phải công khai mối quan hệ lợi ích của mình với tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác khám chữa bệnh như công ty dược phẩm, đơn vị thực hiện xét nghiệm, chẩn đoán, cơ sở nghiên cứu y học… để được giám sát. Các thông tin này được công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở khám chữa bệnh, thông báo người khám bệnh được rõ.

Pháp luật Hàn Quốc có quy định cụ thể, cấm người hành nghề hưởng lợi ích vật chất từ các hãng dược, cơ sở nghiên cứu phát triển thuốc, trang thiết bị y tế… để đảm bảo lợi ích tối đa của người bệnh.

ĐBQH Hoàng Minh Hiếu nêu thực tế, qua đại dịch COVID-19, sự quan tâm của cử tri, tầng lớp nhân dân dành cho luật khám chữa bệnh sửa đổi là rất lớn, ban soạn thảo cần hoàn thiện thêm nội dung của dự án luật. “Đặc biệt là quy định liên quan tới quyền và lợi ích của người bệnh, làm rõ hơn bóng dáng của người bệnh trong dự thảo luật này, thực sự để người dân thuận lợi hơn khi tham gia khám chữa bệnh”, ĐBQH nhấn mạnh.

Minh Quang

 
TIN MỚI