Bác sĩ da liễu suýt mù mắt khi dùng tia laser chữa cho bệnh nhân

10/08/2019 - 18:09

PNO - Tia laser với cường độ cao xuyên qua kính bảo hộ làm mờ một mắt của bác sĩ da liễu 26 tuổi, ở TP.HCM.

Khi đến khám tại Bệnh viện Mắt TP.HCM, thị lực mắt trái của bác sĩ da liễu chỉ còn 5/10. Anh cho biết tình trạng này xuất hiện từ 3 tháng trước đó, khi đang điều trị thẩm mỹ cho bệnh nhân, anh vô tình nhìn vào tia laser, lập tức mắt bị tổn thương. Bác sĩ da liễu cho hay anh có mang kính bảo hộ.

Kết quả chụp cắt lớp võng mạc cho thấy mắt bệnh nhân bị tổn thương có xuất huyết võng mạc và có lỗ hoàng điểm – nơi cho thị lực cao nhất, nằm ở trung tâm võng mạc. Lỗ hoàng điểm xuất hiện khi có vết rách nhỏ ở hoàng điểm.

Để cứu thị lực cho bệnh nhân, bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện Mắt TP.HCM quyết định phẫu thuật lỗ hoàng điểm. Bệnh nhân được cắt dịch kính, bóc màng giới hạn trong và bơm SF6 20%.

Sau mổ 1 tháng, thị lực bệnh nhân được cải thiện, đạt 8/10, tiếp tục làm việc được.  

Bac si da lieu suyt mu mat khi dung tia laser chua cho benh nhan
Khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt TP.HCM

Thông tin này được bác sĩ Nguyễn Thị Kim Dung, Bệnh viện Mắt TP.HCM báo cáo tại Hội nghị Nhãn khoa TP.HCM mở rộng vào chiều 10/8.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Kim Dung, bác sĩ da liễu này bị tổn thương mắt bởi tia laser Nd: YAG có bước sóng 1064 nm. Dù bệnh nhân có mang kính bảo hộ nhưng là loại không phù hợp nên vẫn bị tia laser làm tổn thương mắt.

Tia laser Nd: YAG là nguồn laser sử dụng phổ biến trong y khoa, có thể truyền tải năng lượng lớn trong thời gian ngắn. Tia laser Nd: YAG được dùng để điều trị đục bao sau phẫu thuật đục thủy tinh thể; cắt u sắc tố mống mắt; tách mống mắt; cắt bao trước và tạo hình đồng tử; điều trị tổn thương mạch máu; tổn thương sắc tố da…

Bệnh viện Mắt TP.HCM cũng ghi nhận thêm 2 trường hợp bị tổn thương mắt do tia laser Nd: YAG.

Đó là một nam kỹ sư, 35 tuổi, dù có mang kính bảo hộ nhưng vẫn bị tổn thương mắt trái khi nhìn tia laser Nd: YAG phản xạ qua bề mặt kim loại lúc đang sửa máy laser. Cường độ tia laser được ghi nhận là 1064 nm. Bệnh nhân này cũng bị giảm thị lực chỉ còn 4/10. Sau phẫu thuật lỗ hoàng điểm, thị lực  phục hồi đạt 9/10.

Bac si da lieu suyt mu mat khi dung tia laser chua cho benh nhan
Hình ảnh tổn thương ở mắt của bệnh nhân do tia laser Nd: YAG

Trường hợp thứ 2 là một nữ nhân viên thẩm mỹ viện, 20 tuổi. Người này không mang kính bảo hộ nhưng lại nhìn trực tiếp vào tia laser Nd: YAG nên thị lực sau đó chỉ còn 1/10 và tiếp tục giảm xuống khi chỉ thấy được ở khoảng cách 0,5m (thị lực đếm ngón tay 0,5m). Kết quả chụp cắt lớp võng mạc cho thấy lỗ hoàng điểm có kích thước lớn, phù hoàng điểm tăng dần, xuất huyết dưới võng mạc tại lỗ. Bước sóng của tia laser Nd: YAG khi gây tổn thương cho bệnh nhân này là 1320nm. Trường hợp nếu mổ, tiên lượng vẫn rất dè dặt.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Dung cho biết các trường hợp tổn thương hoàng điểm do tia laser là khá hiếm. Nhưng laser Nd: YAG hiện là nguồn nguy cơ phổ biến trong cuộc sống và trong y khoa, do đó mọi người cần phải chú ý đến biện pháp bảo vệ khi tiếp xúc tia laser. Kính bảo hộ phải phù hợp để có thể bảo vệ trước tia laser Nd: YAG.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI