Bác sĩ Chợ Rẫy đã "dàn trận" cứu người cha bị rắn hổ mang chúa cắn như thế nào?

11/09/2020 - 18:04

PNO - Trước nọc độc của rắn hổ mang chúa, chỉ có 2 người được cứu sống tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong vòng 16 năm qua. Phía sau sự thoát nạn của người cha 38 tuổi bắt rắn nuôi con ở Tây Ninh là cả một thế trận công phu của các bác sĩ.

Anh Phan  Văn Tâm, Tây Ninh chiều 11/9/2020
Anh Phan Văn Tâm, chiều 11/9/2020

1 trong 2 người may mắn thoát chết

Người đàn ông có số mệnh may mắn Phan Văn Tâm là nạn nhân thứ 2 của rắn hổ mang chúa được Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cứu sống trong vòng 16 năm qua.

Bệnh viện Chợ Rẫy từng tiếp nhận 8 người bị rắn hổ mang chúa cắn được đưa vào cấp cứu, nhưng chỉ có 2 người thoát mạng. Đa phần các trường hợp khác chết ngay khi bị rắn cắn, không kịp vận chuyển đi xa.

Sau 23 ngày từ lúc bị rắn hổ cắn vào đùi bên phải, anh Phan Văn Tâm (38 tuổi, ở xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) đã tỉnh táo, có thể chuyện trò.

Anh được “giải thoát” gần như hoàn toàn khỏi máy móc, dây nhợ, thuốc gây mê hay các ca phẫu thuật ghép da, chỉ còn duy nhất bình dịch truyền lủng lẳng trên đầu. Vợ chồng anh nhận thông báo trong vài ngày tới, có thể ra viện.

Nằm trên giường bệnh, anh Tâm vẫn không nghĩ chuyện rắn cắn suýt chết có thể xảy ra. Từ lúc được đưa vào Chợ Rẫy, anh đã gọi điện thoại thông báo cho bà con chòm xóm về chuyện mình sắp chết, rồi dặn dò vợ con lo hậu sự.

Lao ngay xuống bụi cỏ để bắt rắn hổ mang chúa 

Rắn hổ mang chúa đã tấn công anh Tâm khi bị anh chụp bắt
Rắn hổ mang chúa cắn anh Tâm khi bị anh chụp bắt

23 ngày trước, khoảng 8g sáng 19/8, anh Tâm chở 2 con bằng xe máy đang đi trên đường nhựa ở xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh thì đứa con trai bất ngờ gọi giật giọng: “Ba ơi, có con rắn to lắm ở bụi cỏ. Nhưng nó là rắn độc, ba đừng bắt ba ơi”.

Không thừa nhận mình là thợ bắt rắn chuyên nghiệp, anh Tâm nói chỉ có "thành tích" duy nhất là bắt được con rắn nặng 8 lạng và bán với giá 250.000 đồng. Tuy vậy, "thành tích" này cũng khiến anh không biết sợ là gì.

Mặc lời "cảnh báo" của con trai, vội dừng xe, thủ thế, anh Tâm lao thẳng xuống chụp cổ con rắn to.

Lẽ ra, có thể anh không phải nhập viện nếu bàn tay chụp trúng đích. Khi đầu gối đè lên con rắn, một bàn tay của anh chụp trật mục tiêu. Con rắn đen và to quay đầu mổ ngay vào đùi phải "kẻ địch".

Theo lời anh Tâm, lúc này anh mới biết mình bị rắn độc cắn. Không dám bỏ con rắn vì cả nhà đang rất cần tiền để chuyển trường cho con trai, anh Tâm nắm ngay đầu rắn chạy lên đường cái.

Đó là những phút giây mà anh Tâm tỉnh táo đến nỗi nhớ rành rọt từng chi tiết như xin người cắt cỏ một cọng dây thun để cột phía trên vết cắn nhằm ngăn nọc độc của rắn hổ mang chúa.

Rồi mất 15 phút để anh năn nỉ được đưa đi bệnh viện. Thật may cho anh, một tài xế taxi tên Thắng đi ngang qua đã vội chở người đàn ông này đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh – cách nơi anh bị rắn cắn khoảng 10 cây số.

Anh Tâm còn nhớ kỹ đến tốc độ của chiếc xe lúc đó rất nhanh. Anh cũng nói với tài xế taxi: “Anh làm ơn chở tui đến bệnh viện nhanh nhanh, nếu không tui chết ngay trên xe của anh đó”.

15 phút sau, anh Tâm đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh. Lúc này, vẫn trong trạng thái vô cùng tỉnh, anh cầm chặt con rắn hổ mang trên tay, xin một cuộn băng keo quấn đầu nó lại, sau đó bỏ nó vào chiếc bao. Lý do là anh sợ nếu tuột ra con rắn sẽ rất nguy hiểm cho người dân. Những gì xảy ra sau đó, Tâm hoàn toàn không nhớ, vì kể từ lúc đó, anh đã bất tỉnh.

Phần sống chỉ còn 20%

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đang cứu cho anh Tâm. Ảnh: BVCC
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cứu chữa cho anh Tâm. Ảnh: BVCC

Chỉ vài phút sau khi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh, anh Tâm rơi vào hôn mê. Xe cứu thương của bệnh viện lập tức chuyển anh đến Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM. Phải ít nhất 2 giờ sau đó, anh mới chạm được cánh cửa phòng cấp cứu.

Nhận biết đây là ca rất nguy kịch, bác sĩ phòng cấp cứu chuyển anh lên khoa Bệnh nhiệt đới – nơi chuyên xử lý các trường hợp bị ngộ độc. Huyết thanh kháng nọc rắn hổ mang được truyền cho Tâm. Anh cũng được cho thở máy.

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng lúc này anh Tâm đang hôn mê, nguy kịch. Nhưng với vợ anh, chị Bùi Thị Ngọc Tuổi, 28 tuổi, thì chồng mình đã “chết” rồi.

Chị kể từ lúc còn ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh, chồng của chị đã cứng đơ người, tím ngắt, không còn phản ứng gì nữa. Bác sĩ an ủi gia đình chuẩn bị tinh thần, phần sống chỉ còn 20%. Nếu sau liều huyết thanh, anh Tâm không có phản ứng gì thì rất khó sống.

Chỉ trong ngày 19/8, 6 tiếng sau khi được truyền 20 lọ huyết thanh, anh Tâm đã hồi tỉnh. Thêm 12 tiếng nữa, anh được cai máy thở.

Nhưng tất cả những dấu hiệu này chưa nói lên điều gì. Tiến sĩ - bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy hiểu những gì sẽ xảy ra là vô cùng đáng sợ với nạn nhân của rắn hổ mang chúa. 

Ngày thứ 2 của Tâm là một ngày mà anh không biết đến đau đớn vì hoàn toàn chìm trong hôn mê. Nhưng đó lại là ngày các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy phải mướt mồ hôi.

Anh xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của rối loạn nhịp tim do chất độc rắn hổ mang chúa gây ra. Bác sĩ phó khoa Điều trị rối loạn nhịp được yêu cầu hỗ trợ, thực hiện đặt máy tạo nhịp tim cho anh ngay tại giường bệnh. Thông thường, để thực hiện phẫu thuật này, phải chuyển bệnh nhân vào phòng mổ với đầy đủ trang thiết bị, nhưng trên đường chuyển đi, có thể anh Tâm sẽ bị ngưng tim.

Chỉ sau 2 giờ được đặt máy tạo nhịp tim, anh Tâm lại rơi vào tình trạng mệt mỏi, lừ đừ. Đây là dấu hiệu cho thấy anh bị tổn thương nội tạng.

Nạn nhân của rắn hổ mang chúa tiếp tục được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực – nơi một máy tuần hoàn ngoài cơ thể ECMO duy nhất còn lại tại Bệnh viện Chợ Rẫy (những máy khác đã được chuyển ra Đà Nẵng phục vụ cho bệnh nhân COVID-19). Phương án dùng ECMO đã được dự tính nếu việc lọc máu, thay huyết tương nhằm giải độc không hiệu quả.

Vợ chồng anh Tâm tại Bệnh viện Chợ Rẫy chiều 11/9/2020
Vợ chồng anh Tâm tại Bệnh viện Chợ Rẫy chiều 11/9/2020

Ngày thứ 3, các bác sĩ từng có ý nghĩ khó giữ được mạng sống cho Tâm. Chất độc của rắn hổ mang chúa đã làm chết một mảng da đùi lớn (khoảng 30-40cm); một nửa cơ thể của anh tím ngắt.

Ngày thứ 4, hy vọng bắt đầu được nhóm lên. Phương án cắt lọc vùng da bị chết được thực hiện dần dần cùng với sự phục hồi các nội tạng của nạn nhân.

Chia sẻ với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, bác sĩ Lê Quốc Hùng cho rằng: nếu cắt bỏ một lúc toàn bộ vùng da bị chết ở đùi, bẹn, tầng sinh môn... sẽ khiến bệnh nhân không chịu đựng nổi. Việc cắt bỏ, ghép da được các bác sĩ kiên nhẫn thực hiện.

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã cùng nhau thực hiện một ca cứu chữa ngoạn mục. Những kinh nghiệm ít ỏi từ những ca chết vì rắn hổ mang chúa cắn trước đó đã giúp các bác sĩ dàn trước một thế trận, đoán trước những biến chứng sẽ xảy ra. Tất cả được thực hiện một cách nhịp nhàng và cũng đầy tinh tế, kiên nhẫn.

Cuối cùng, anh Tâm đã thoát án tử. Trên giường bệnh, vợ chồng anh hy vọng sớm được xuất viện, vì lâu lắm rồi anh chưa về nhà.

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Quốc Hùng cho biết, những nạn nhân của rắn hổ mang chúa thường sẽ chết trong vòng vài phút sau khi bị cắn. Tuy nhiên, may mắn cũng có thể đến nếu lượng nọc độc ít, tùy vào trọng lượng rắn, tùy vào thời điểm. Nếu bị tấn công khi rắn đang đói, lượng nọc độc sẽ rất nhiều.

Với những trường hợp bị rắn cắn, cách xử lý tốt nhất là tìm một cơ sở y tế để được chuyển viện an toàn đến những bệnh viện lớn.

Hàng năm, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận từ 800-1.000 trường hợp bị rắn độc cắn. Tỷ lệ được cứu sống là 2%. Tuy nhiên, bị rắn hổ mang chúa cắn thì chỉ có 2 ca được cứu sống trong vòng 16 năm qua (tính cả anh Tâm). Chi phí điều trị cho anh Tâm vào khoảng 482 triệu đồng.

 

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI