Bà Phạm Khánh Phong Lan: Bộ GD-ĐT không thể coi đây là kết quả 'nhẹ nhàng', có thể bỏ qua

25/10/2018 - 17:27

PNO - "Thông qua những đánh giá này, Bộ GD-ĐT không thể coi đó là việc làm nhẹ nhàng, có thể xoa dịu, bỏ qua được. Vì nó phá vỡ mọi tiêu chuẩn của xã hội này, làm mất niềm tin của người dân!".

Bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) có những chia sẻ thẳng thắn với báo chí sau khi Quốc hội công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm

Chênh lệch kết quả bỏ phiếu tín nhiệm

* Kết quả công bố lấy phiếu tín nhiệm chiều nay cho thấy, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) nhận số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất. Là một trong những vị ĐBQH bỏ phiếu lần này, quan điểm của bà thế nào?

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Điều này xuất phát từ thực tế ngành giáo dục có rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khó khăn không chỉ ở ngành giáo dục mà còn rất nhiều ngành khác. Ở đây có vai trò của người bộ trưởng đứng ra có những định hướng, xử lý tình huống, cũng như làm sao để ĐBQH và người dân tin tưởng tình hình sẽ khá hơn với sự lãnh đạo của mình.

Ở đây chúng tôi bỏ phiếu không phải chỉ riêng chúng tôi mà là ý kiến đồng tình, thống nhất của cử tri. Chúng tôi rất băn khoăn, có 137 phiếu tín nhiệm thấp nhưng cũng có tới 140 tín nhiệm cao. Như vậy có sự đánh giá quá chênh lệch, do đó đặt vấn đề: “Anh đứng ở góc nhìn nào để đánh giá?”.

Cái này giống như lúc chúng tôi ở trong một hội đồng đánh giá một luận án, một bài thi có thể chỉ là giữa các giám khảo có xê xích thôi chứ không thể “một trời một vực” như vậy được. Tự dưng làm tôi nhớ đến trường hợp điểm thi cũng hết sức khác biệt trước và sau khi bị điều tra ra.

Tôi cũng muốn đóng góp ý kiến của bản thân tôi, đối với cách đánh giá, gọi tên lấy phiếu: tại sao lại tín nhiệm cao, tín nhiệm vừa, tín nhiệm thấp. Tôi nói thẳng tín nhiệm thấp là “không tín nhiệm”. Có như vậy “thuốc đắng mới dã tật”. Sau khi tổng hợp lại các phiếu ta có thể đánh giá từng đại biểu một là được Quốc hội tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp…

Đằng này, nghe tín nhiệm thấp vừa dài dòng, vừa không phản ánh được thực chất của vấn đề!

* Theo bà, Bộ GD-ĐT cũng như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nên nhìn nhận như thế nào về kết quả công bố phiếu tín nhiệm lần này?

- Chắc chắn, đây là tiếng chuông lớn để cảnh tỉnh toàn ngành giáo dục để quyết tâm cải thiện được niềm tin của người dân và Quốc hội. Mà chắc chắn là phải làm thôi, vì thông qua những đánh giá này, Bộ GD-ĐT không thể coi đó là việc làm nhẹ nhàng, có thể xoa dịu, bỏ qua được. Vì nó phá vỡ mọi tiêu chuẩn của xã hội này, làm mất niềm tin của người dân!

ĐB đã đánh giá rất chính xác. Tuy nhiên, phải nhắc lại, với 140 phiếu tín nhiệm cao, tôi có thể nói thẳng: Nếu như chúng tôi có quyền đánh giá các lãnh đạo, Chính phủ do Quốc hội bầu ra thì người dân cũng có quyền đánh giá những ĐBQH đã bầu ra khi mà có những đánh giá chênh lệch như vậy.

Ba Pham Khanh Phong Lan: Bo GD-DT khong the coi day la ket qua 'nhe nhang', co the bo qua
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng kết quả bỏ phiếu là tiếng chuông cảnh tỉnh để ngành giáo dục thay đổi, cải thiện chất lượng

Phải tập dần văn hóa từ chức

* Theo quy định, người có quá nửa tổng số phiếu "tín nhiệm thấp" có thể xin từ chức, người có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp sẽ bị Quốc hội tiếp tục bỏ phiếu tín nhiệm để miễn nhiệm chức vụ mà Quốc hội đã bầu hoặc phê chuẩn. Theo kết quả đánh giá lần này thì không có ai, bà nghĩ như thế nào về vấn đề này?

- Đôi khi chúng ta đánh giá những chính khách của chúng ta rất “mong manh, dễ vỡ”. Thậm chí như tiêu chí lúc nào cũng phải tín nhiệm, tín nhiệm thấp, tín nhiệm cao chứ không bao giờ dám dùng từ “không tín nhiệm”.

Tuy nhiên, thực tế, người dân đánh giá về công việc của mình như thế nào thì những lãnh đạo, chính khách phải là những người đủ bản lĩnh để chấp nhận sự thật.

Với cái cách đánh giá tín nhiệm như hiện tại, chuyện miễn nhiệm rất khó có thể xảy ra. Như trường hợp này có 137 phiếu tín nhiệm thấp rồi mà vẫn có 140 phiếu tín nhiệm cao thì rất khó…

Cả một nhiệm kỳ mới có một đợt bỏ phiếu. Nhưng quan trọng nhất là đánh giá của người dân thông qua truyền thông, báo chí và nhiều kênh khác. Người dân cũng có dư trình độ để đánh giá công việc của từng người. Đương nhiên chúng ta cũng phải đánh giá công bằng xuất phát điểm của đơn vị, ngành đó như thế nào. Nhưng tôi nghĩ, chính những nơi khó khăn càng thể hiện, có cơ hội để thực hiện ý tưởng. Người dân cũng đánh giá cao những ai chịu làm.

Nhưng chúng ta cũng phải thay đổi cách đánh giá và phải tập dần “văn hóa từ chức”.

* Có một luồng dư luận cho rằng, dù ai ngồi vào ghế Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Giáo dục… đều sẽ nhận phiếu tín nhiệm thấp như thế thôi vì những ngành đó quá gần với đời sống người dân. Bà có đồng tình?

- Tôi không chia sẻ quan điểm này. Tôi đồng tình, là “ghế nóng” thì đương nhiên rất khó khăn nhưng xã hội luôn nhìn những ngành này một cách bao dung. Vấn đề là thể hiện như thế nào? Đường hướng ra làm sao? Đấu tranh cho ngành, cho thu nhập của cán bộ trong ngành có đủ sức yên tâm công tác hay không?

Trong quá khứ, chúng ta đã từng có vị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế được đánh giá rất cao bản lĩnh và tâm huyết, trình độ của mỗi người. Càng khó khăn, càng là môi trường để thể hiện mình.

Tư lệnh ngành phải là tấm gương, thế thì hãy soi lại mình xem những tiêu chí đã đạt hay chưa chứ đừng trách móc đây là ghế khó. Mà nếu thấy khó thì đừng có nhận làm!

Minh Quang

 
TIN MỚI