Bà dì bên chồng và thói quen xông đất gia đình vào ngày mùng Một Tết

17/01/2023 - 16:24

PNO - Dì bảo nhờ có dì năm nào cũng xông nhà, nên nhà chồng em luôn ấm êm, hạnh phúc.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Họ hàng bên nhà chồng em có một người dì, tính tình rất vô duyên, chị ạ. Từ ngày em về làm dâu, năm nào em cũng thấy sáng mùng Một, chưa kịp mở cửa, thậm chí có khi chưa kịp đánh răng rửa mặt là đã thấy dì oang oang ngoài cửa. 

Năm đầu tiên là em đã thấy ngạc nhiên và bực mình, chồng em bảo dì luôn đến xông nhà từ mấy chục năm nay, thành quen rồi. Dì là người đã ẵm bồng ba chồng em từ ngày còn bé, dì kể dì ẵm ông ẹo cả lưng vì khi đó dì cũng chỉ có hơn 10 tuổi. Cho nên giờ ba chồng em cũng vẫn coi trọng dì.

Rồi dì bảo nhờ có dì năm nào cũng xông nhà, nên nhà chồng em luôn êm ấm, hạnh phúc. Êm ấm hạnh phúc theo nghĩa dì nói là nhà chồng em đủ ăn, đủ mặc, sống bình lặng, hiền hòa vì là nhà giáo, chứ có hơn gì thiên hạ đâu

Năm nay tụi em mới vừa ra riêng. Chưa gì, dì đã nói với chồng em là mùng Một xông nhà ba má chồng em, xong sẽ qua nhà em xông nhà cho tụi em luôn. Em nghe vừa sợ, vừa bực mình. 

Mà gia cảnh dì thật ra cũng có gì đáng ước muốn đâu, chồng mất sớm, dì một mình nuôi hai con, các con dì cũng chỉ là những người làm công ăn lương bình thường, tuy cũng tốt nghiệp đại học này kia. Chỉ được cái tính dì xởi lởi, phóng khoáng, tốt bụng... 

Chồng em nói, chuyện dì đến xông nhà cũng đã thành nếp, ba má chồng em thấy vui vẻ và thương dì. Thôi, mình cứ kệ đi. Coi như truyền thống trong nhà.

Nhưng em thì không kệ được. Thứ nhất là em không thích tính cách ào ào như nước sôi, không ý tứ của dì. Thứ hai, gia đình em vốn làm ăn kinh doanh, chuyện xông nhà rất quan trọng. Mỗi năm đều được ba má em lựa chọn người xông nhà kỹ càng. Em không mê tín, nhưng em không thích dì tới xông nhà em.

Giờ phải làm sao để dì đừng tạo nên cái nếp quen đó trong nhà em mà không mất lòng dì, không mất lòng ba má chồng và chồng hả chị?

Thanh Lan

Em Thanh Lan thân mến,

Ông bà có câu "Nhập gia tùy tục", nghĩa là đến sống trong ngôi nhà nào thì phải tuân theo "tục" của ngôi nhà đó, thì mọi việc mới nhẹ nhàng, đơn giản.

Như khi em về nhà chồng, em phải tuân theo những nếp sống, thói quen, sinh hoạt của nhà chồng, là điều hiển nhiên. 

Bây giờ, em và chồng đã có ngôi nhà mới của riêng mình, các em đã có thể tự đặt ra cái "tục" của mình, để người trong nhà, người thân, bạn bè... phải theo, thì các em hãy tận hưởng cái quyền đó một cách đàng hoàng, vui vẻ và thoải mái, em nhé.

Tất nhiên, vì em không có một mình, nên việc lập ra cái "tục" đó như thế nào, cũng cần có sự thỏa thuận với chồng, một cách công bằng, thẳng thắn và tôn trọng nhau. Những gì em muốn làm theo ý mình, hãy thuyết phục chồng một cách có tình, có lý, trên cơ sở là vì lợi ích chung của cả nhà, để anh ấy dễ dàng chấp nhận.

Đó là chuyện "đối nội", nhưng là bước đầu cơ bản hết sức quan trọng. Vì không có sự đồng ý của chồng thì cái "tục" này cũng sẽ khó lòng được tuân theo một cách vui vẻ. Và em cũng nên hết sức khéo léo, nhẹ nhàng hết mức có thể, để thể hiện sự tôn trọng của mình với cái "tục" của nhà chồng, và với người được gia đình chồng yêu thương, quý trọng.

Cái khó của em với việc thuyết phục chồng là gia đình chồng coi trọng việc vui vẻ, thoải mái và tình thâm, chứ không e ngại chuyện kiêng cữ, sợ xui rủi. Nên em cũng đừng quá nhấn mạnh vào những lo sợ, bực bội của mình. Hãy thử thuyết phục chồng theo hướng "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành", để không khí trong nhà được thoải mái.

Việc thay đổi tập tục, để gia đình không buồn phiền, em có thể làm mới mọi thứ một chút. Ví dụ đề nghị chồng dành ngày mùng Một cho lễ chùa và về chúc Tết gia đình hai bên. Coi như nhà sẽ không có ai tiếp khách ngày mùng Một. Em cũng có thể chọn ra chính chồng, hay bản thân, ai là người có thể mang lại may mắn vì hợp mạng, để xông nhà sớm, ngay sau Giao thừa. Chẳng lẽ mình lại có thể tự mang xui rủi cho mình...

Vài lời khuyên cho em thấy mọi việc không khó khăn, và không khó chịu như em nghĩ. Nhưng Hạnh Dung cũng khuyên em đừng quá đặt nặng các vấn đề kiêng cữ, để chất thêm ưu phiền, lo lắng vào cuộc sống của mình. Ông bà nói "Sống có đức, mặc sức mà hưởng", hãy cứ làm như thế, là sẽ thấy luôn bình an!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI