Ẩn và hiện của Châu Giang

28/10/2020 - 09:39

PNO - Họa sĩ Châu Giang tiếp tục kể câu chuyện nữ giới và nữ tính tại triển lãm ''Ẩn hoa 2'' (diễn ra từ ngày 23/10 - 20/11 tại Craig Thomas Gallery, TP.HCM) sau thành công của ''Ẩn hoa'' (2011) tại Thái Lan.

Hơn một nửa trong số 22 tác phẩm được vẽ theo kiểu mô tả một nhóm từ hai đến ba người phụ nữ trong những trạng thái trang phục đối nghịch nhau, gây ấn tượng về thị giác: một người đang buông hoặc mặc nội y với một hoặc hai người mặc áo dài phủ đầy những họa tiết hoa. Trên nền họa tiết của hoa lá, mặc nội y hoặc kín đáo áo dài, đều biểu thị cho cùng một cái đẹp, là sự phơi bày cả nội dung và hình thức những thiên tư nữ tính, những thế giới nội tâm sâu kín được tinh tế che đậy bởi khí sắc bên ngoài… 

Khác nhau ở trạng thái y phục, nhưng dễ thấy một điểm khá nổi bật đó là, khuôn mặt của phụ nữ được chăm chút tỉ mỉ có điều gì đó như âu lo, u buồn thầm kín. Ẩn dụ triền miên này dẫn dắt người xem vào thế giới sâu thẳm của hình khối và hòa sắc. Như chính Châu Giang chia sẻ tại triển lãm: “Xuyên suốt trong các bức tranh, đều thấy hình ảnh hai người phụ nữ đối lập - một thể hiện cho sự truyền thống, nền nã, khép kín, chịu đựng. Một thể hiện cho sự cởi mở, hiện đại, khao khát tự do, khao khát vượt qua những giới hạn của bản thân và xã hội - đối lập từ tính cách, suy nghĩ, hành động - nhưng giữa họ vẫn có sự gắn kết chặt chẽ”. 

Người trợ giúp - một trong những tác phẩm thuộc triển lãm Ẩn hoa 2 của họa sĩ Châu Giang
Người trợ giúp - một trong những tác phẩm thuộc triển lãm Ẩn hoa 2 của họa sĩ Châu Giang

Trong cái nhìn của Châu Giang, dường như luôn có một sự bất bình đẳng giữa nữ giới và nam giới trong xã hội. Khả năng chịu đựng cũng như sự can đảm thầm kín của người phụ nữ cứ bộc lộ dần qua thời gian. Giống như thế giới loài hoa sinh động, có những loài cứ âm thầm nở và tự tỏa hương trong đêm, tự khẳng định chính mình. 

Châu Giang tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM khóa 1993 - 1998. Ở khóa học của chị, bốn cái tên: Bùi Công Khánh, Ly Hoàng Ly, Bùi Tiến Tuấn và Nguyễn Thị Châu Giang, được thầy cô và bạn bè ưu ái đặt cho biệt hiệu “tứ đại danh thủ” vì sự nổi bật của họ trong quá trình học tập.

Trong bốn người, chỉ có duy nhất Bùi Tiến Tuấn theo học khoa lụa, còn Giang tốt nghiệp khoa sơn dầu. Phải đến năm 2006, sau nhiều biến động trong đời sống, chị mới tự tìm tòi đến chất liệu lụa. Và ở đây, chị tìm thấy một khía cạnh khác của chính mình, tìm thấy một cách chế ngự cảm xúc mà trước đây, với chất liệu sơn dầu, chị đã không làm được. 

Bộ tranh được tạo ra bằng mực và màu nước trên chất liệu lụa.
Bộ tranh được tạo ra bằng mực và màu nước trên chất liệu lụa.

Dễ thấy, hình ảnh người nữ trong tranh lụa Bùi Tiến Tuấn là những phụ nữ của son phấn thị thành, của phù phiếm xa hoa, của sự khước từ với những chuẩn cách mà thế hệ tranh lụa Đông Dương trước đây đã phủ bóng lên những người vẽ lụa ở nước ta suốt mấy chục năm sau này. Còn ở Châu Giang, tìm đến lụa muộn hơn, nhưng cho thấy một bản diện hoài cổ hơn. Tranh Châu Giang là gạch nối giữa tranh lụa truyền thống và hiện đại. Dấu vết xử lý kỹ thuật vẽ lụa đậm tính truyền thống, nhưng tư duy nội dung lại phản ánh tinh thần và cảm thức thời hiện đại luôn song hành và làm nên phong cách tranh lụa của riêng họa sĩ này. 

Châu Giang, với triển lãm Ẩn hoa 2, một lần nữa đã góp phần nâng tầm giá trị tranh lụa Việt Nam hiện đại. Châu Giang cùng với Bùi Tiến Tuấn (TP.HCM), Vũ Đình Tuấn (Hà Nội), và khá đông đảo họa sĩ vẽ lụa trẻ hiện nay đang cho thấy một sức sống mới, một diện mạo mới của tranh lụa giữa thị trường mỹ thuật Việt Nam. 

Văn Đồng 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI