An đen: “Và thế là tôi trở về quê với má”

16/04/2023 - 07:14

PNO - An đen là biệt danh của Nguyễn Thúy An - một người trẻ sống tại Ea Kar, Đắk Lắk. Trước đó, sau một thời gian làm việc và không chịu được áp lực ở thành phố, cô quyết định trở về quê sinh sống.

Cô trở thành một người kể chuyện đồng quê nổi tiếng trên các nền tảng công nghệ bởi lối kể chuyện chân thật, gương mặt dung dị, giọng nói truyền cảm ấm áp và nội dung tích cực pha chút hài hước. Với lối sống tự do, vui vẻ, lạc quan, An đã nhận được rất nhiều chia sẻ đồng cảm từ nhiều người theo dõi.

Lạc lõng trong thành phố sôi động

Phóng viên: Từng trải qua tuổi thơ vất vả, bây giờ, khi nhìn lại, bạn đánh giá đó là một cuộc sống như thế nào?

Nguyễn Thúy An: Tuổi thơ ư? Tôi nghĩ gia đình mình cũng khó khăn như bao gia đình nông thôn miền núi khác. Thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu cái giải trí, nhà cửa tạm bợ, cha mẹ trồng cà phê thì hên xui vì phải phụ thuộc vào ông trời, vào giá cả trồi sụt của thị trường. Sự thất thường không thể tính toán khi trồng cà phê khiến cả gia đình rất nản chí và thường xuyên lâm vào cảnh nợ nần. 

“Tôi chỉ sợ già nua tư tưởng và già nua trong nhận thức; còn tự do, không ai ban phát ngoài bản thân. Tự do thì sẽ thong dong, tự tại. Tự tôi sẽ nuôi dưỡng sự tự do cho mình”.

Nguyễn Thuý An

Gia đình tôi phải đi vay tiền ngân hàng mua giống, mua phân bón, mua xăng, chi tiêu hằng ngày... và chờ tới mùa thu hoạch cà phê mới có tiền trả cho ngân hàng. Mà cái sự chờ đợi ấy mới vô vọng làm sao, có năm mất trắng, có năm giá cà phê rớt chỉ còn 1/10. Tôi chẳng phải là người vẽ lên một câu chuyện cổ tích mà sự thực, hầu hết trẻ em ở miền quê như chúng tôi thời ấy đều như vậy. 

Ngày tôi còn nhỏ, nhà tôi còn có nghề truyền thống làm bỏng ngô. Ngay từ lớp Một, tôi đã phụ ba nổ nếp. Nhiều khi ba chở tôi đi học trên cái sọt bán trái cây nhưng tôi không cảm thấy khổ và buồn. Tôi cảm ơn tất cả vì đó chính là nguồn cảm xúc để tôi kể chuyện cho các video của mình.

Thông qua kênh của An, không ít mảnh đời nhọc nhằn đã được mạnh thường quân giúp đỡ
Thông qua kênh của An, không ít mảnh đời nhọc nhằn đã được mạnh thường quân giúp đỡ

* Từ khi nào bạn cảm thấy mình không thuộc về chốn thị thành?

- Khi mới ra trường, tôi như một cô bé lơ ngơ. Kiến thức về sự tồn tại, thích nghi ở thành phố dường như không có ích gì với tôi. Đi làm, tôi không cảm thấy vui hay hạnh phúc mà không hiểu vì sao. Dù đã rất cố gắng nhưng tôi vẫn không thích hợp với việc đi làm ở công sở… Tôi cảm thấy mình lạc lõng trong một thành phố sôi động. Thêm nữa, tôi sợ sự bon chen, đố kỵ, hiềm khích. Tôi sợ khi phải nhìn thấy mọi người không cảm thông, nhường nhịn nhau. Lúc mới đi phỏng vấn xin việc, tôi run bần bật, nhìn ai cũng thấy sợ. 

Trong một chương trình truyền hình phát sóng trực tiếp
Trong một chương trình truyền hình phát sóng trực tiếp

* Điều gì khiến bạn tự ti và cảm thấy lạc lõng đến vậy?

-Tôi là dân quê lên thành phố, đi làm, va vấp trong cuộc đời nhiều nên cảm thấy ngột ngạt. Nhiều khi cảm thấy cô đơn, tôi khóc một mình. Nhiều lúc đạp xe, nước mắt cứ rơi dù sau đó tôi cũng biết tự nín, tự động viên rằng ngày mai rồi sẽ khác. Nhưng, bao nhiêu cái ngày mai cũng chỉ quanh quẩn đi làm thì mong giờ về, về rồi lại chỉ muốn đi làm cho hết ngày…

* Ai sẽ là người thường ở bên bạn lúc đó?

- Má tôi. Má chính là người thường xuyên nghe tôi than thở. Tâm sự của một người trẻ ao ước đến Sài Gòn để đổi đời thật lấp lánh. Thế rồi, khi trải qua thực tế, tôi thấy bên trong mình đổ vỡ. “Má ơi, con chán rồi. Nơi đó không dành cho con. Con không muốn sống mà trong lòng cứ mang nhiều tổn thương tới vậy”. Nhiều lúc đứng bên cầu, tôi gọi về cho má và hét lên trong điện thoại như một kẻ khùng…

Trong một chương trình truyền hình
Trong một chương trình truyền hình

* Thế rồi bạn đã làm gì để tự giải thoát một cách tích cực nhất?

- Phải thay đổi thôi. Bên cạnh những áp lực về tinh thần, đối với tôi, cuộc sống ở thành phố mà lương vài triệu đồng không những trả tiền trọ, mà còn chi cho việc ăn ở, đi lại…, còn được là bao? Tháng nào nhận lương nhiều hơn một chút mới có thể gửi về cho gia đình một khoản nhỏ, còn lại gần như xài hết. Nếu mãi thế này, tôi có cảm giác như mình sẽ “sống mòn” - ngày nào cũng như ngày nào, đều đặn và chán chường. Mọi thứ như bóp teo tôi lại. Tôi nghĩ, mình phải về với má thôi. Má tôi có một mình, tôi sẽ về quê với má trồng rau làm vườn. Thế là tôi khăn gói trở về quê với má. 

Tìm về một nơi trú ẩn an toàn 

* Ngày đầu tiên khi vừa bỏ phố về quê sống, cảm giác của bạn thế nào?

- Hình như hôm đó trời mưa, lành lạnh. Tôi bước trên con đường làng, bâng khuâng, nôn nao lắm. Ngày nào xách ba lô lên phố học hành, làm việc đầy lo lắng thì giờ đây, tôi trở về nhà như tìm về một nơi trú ẩn an toàn, giúp tôi có thể tái tạo năng lượng, “xốc” lại con người một cách khỏe hơn, vững hơn. Tôi không hề bị hụt hẫng về tâm lý. Bởi tôi vừa thoát được sự ngột ngạt của thành thị, nên trở về quê, tôi như cá gặp nước. Thú thật, hiện giờ, nếu đi đâu đó vài ngày, tôi cũng khó thích nghi được với cái nắng gay gắt hoặc không khí oi bức, nạn kẹt xe, tiếng ồn… Ở quê, buổi chiều tối lúc nào trời cũng se se lạnh, thích lắm. 

Nguyễn Thúy An luôn tìm thấy thật nhiều niềm vui trong cuộc sống hiện tại
Nguyễn Thúy An luôn tìm thấy thật nhiều niềm vui trong cuộc sống hiện tại

* Như vậy, có thể nói bước ngoặt rõ nhất trong cuộc đời bạn là trở về quê nhưng điều trăn trở vẫn là làm gì để sống phải không?

- Đúng vậy. Ở Sài Gòn ngột ngạt quá, tôi về, là tự cứu mình. Tôi hiểu quê hơn thành phố. Ở thành thị, tôi thường bị tổn thương vô cớ bởi tôi vốn là cô gái quê cục mịch, không khôn khéo, không biết lựa lời mềm dẻo, ngọt ngào làm mát lòng người hoặc tùy tình cảnh mà uốn theo chiều gió. Tôi từng loay hoay để sống nhưng bản chất như một cục đất có sao nói vậy, không biết làm thế nào để cuộc sống dễ thở hơn. Còn ở quê, có thể có những xích mích, cãi cọ nhưng nhỏ lắm và không gây cho tôi sự sợ hãi, bất an.

Ngày mới về kẹt lắm, tôi chẳng có tiền mua sắm gì, chỉ đủ cơm ngày 3 bữa và nuôi tụi chó khỏe mạnh. Tôi phụ má nấu bánh tét bán ngoài chợ. Thỉnh thoảng, vài công việc online cũng giúp tôi chút đỉnh. Lúc đó, bạn bè hỏi sống ở quê cực không, tôi chỉ nhắn lại: “Sống tốt”. Tôi mang chiếc điện thoại “cùi bắp” ra quay ít cảnh giới thiệu khu vườn con con và vườn rau của má đăng lên Facebook cho các bạn xem. Đó là những bước khởi đầu. Sau đó, có bạn bảo tôi đăng lên YouTube, rồi tới nay là cả TikTok. Dần dà tôi cũng kiếm được tiền trên các nền tảng này. 

An tự nhận mình đã khác xưa và cô vui vì điều đó
An tự nhận mình đã khác xưa và cô vui vì điều đó

* Thu nhập từ YouTube hay TikTok của bạn liệu đã là con số khủng hay chưa?

- Ôi, tôi không dám nói đâu. Ban đầu, thu nhập chỉ đủ cho tôi đổ xăng. Lần hồi thế nào mà tôi lại “hợp” với TikTok. Định hướng của tôi là xây dựng kênh tích cực kiểu bền vững, tinh thần luôn vui như những luồng gió mát lành. Lâu lâu, tôi cũng nhận làm thương hiệu cho các nhãn hàng, nhà hàng. Tuy nhiên, tôi khá kén chọn và thường là phải trải nghiệm rồi mới dám nhận lời. Tiền làm thương hiệu, tôi chỉ lấy vừa phải nên không có chuyện thu nhập khủng. Chỉ như thế này, mọi sự thay đổi đã là tuyệt diệu với tôi bởi nó chứng minh ta có thể sống đàng hoàng khi về quê, chỉ cần kiên trì, vững bước trên con đường đã chọn. Khi bạn thay đổi liên tục, cập nhật những tri thức mới để có thể làm nội dung kênh thật tốt, sẽ có nhiều khán giả ủng hộ. 

Thúy An và mẹ
Thúy An và mẹ

Hạnh phúc là ăn ngon miệng, ngủ ngon giấc 

* Giờ đây bạn đã có vẻ “an lạc” nhỉ?

- Quả là như vậy. An đã khác xưa. Tôi không còn coi sự thất bại là nghiêm trọng. Tôi không tự dằn vặt sao mình bất tài vô dụng. Ở quê, tôi thấy thời gian trôi thật nhanh. Thoắt cái hết ngày, hết tháng, hết năm… 

Tôi rất yêu động vật nhưng không hiểu sao khi ở thành phố, tôi cứ lơ đi, không muốn quan tâm tới chó mèo. Lúc về quê sống, suốt ngày tôi loay hoay với chó với mèo, đi đường cũng ngó chúng. Tôi tâm sự với má, má nói: “Vì trước kia con bị áp lực cơm áo gạo tiền, thời gian đâu lo chuyện chó với mèo nữa”. Ừ nhỉ. Tôi nhận ra, khi cuộc sống đủ đầy, tinh thần thoải mái, bạn mới quan tâm hơn đến từng chi tiết nhỏ đáng yêu mà trước kia bạn không còn tâm trí để quan sát, yêu thương… Hạnh phúc đến từ những điều nhỏ bé nhất. Tôi cũng đã biết bao nhiêu là vừa, là đủ. 

An và các em nhỏ xóm núi
An và các em nhỏ xóm núi

* Khi ngắm nơi ở từng là chuồng bò, chòi canh trống hoác mà gia đình bạn từng ở nay được cải tạo thành những nếp nhà quá đẹp, tôi vô cùng ngỡ ngàng…

- Tôi không đủ tiền xây nhà mới mà chỉ có ít tiền để cải tạo nhà cũ. Cứ có tiền đến đâu, tôi sửa đến đó. Tôi làm lại vách, phỏng theo các homestay xinh xinh và cả nhà đều vui khi nhìn ngôi nhà thành hình xinh xắn như bây giờ. Tôi đã có mấy câu vui vui thế này: “Chuồng bò, chòi canh cũ năm ấy/ Mùa mưa về, tụi chó ướt dột thân/ Nay An sửa thành căn nhà nhỏ ấm/ Anh có về, quá nhà An thăm”… Thực sự tôi chưa bao giờ nghĩ đến ngày nhà mình có tiền để sửa dột, bởi có lúc chỉ đủ tiền ăn là mừng lắm rồi.

Thỉnh thoảng, nếu má khỏe, tôi đưa má đi mấy chục cây số vào buôn M’Um, nơi người dân Ê đê sống khép kín, đa phần sống nhờ vào nương rẫy. Mà giờ tụi trẻ con đã quen cô An, cứ nghe mai cô An tới là chúng nôn nao ngóng đợi…

Hiện tại, Nguyễn Thúy An là chủ nhân kênh TikTok “An Đen” với 1,4 triệu lượt theo dõi, hơn 26 triệu lượt thích. Giữa biển thông tin nóng hổi, đầy chiêu trò, An Đen chọn những nội dung “sống chậm” chân thật, giản dị. Không màu mè, không cường điệu, những thước phim của cô là những cảnh quay chân thực về người dân vùng cao nguyên Đắk Lắk đầy nắng gió. An luôn tận dụng mọi thứ có sẵn trong vườn nhà mình và vườn nhà hàng xóm. Đó có thể là hình ảnh về ngôi nhà cũ kỹ, căn bếp vương khói, vườn cây trái xanh rì, cánh đồng lúa trải dài…

Vlogger An Đen từng được trang web du lịch The Smart Local của Singapore đưa vào danh sách 10 kênh nấu ăn Việt Nam giúp người xem trở thành đầu bếp tại gia và đề cao việc đưa hình ảnh làng quê tươi đẹp vào các sản phẩm video.

Không chỉ là hình ảnh nấu ăn đồng quê, những video của Nguyễn Thúy An còn thể hiện lối sống bình dị, gần gũi với thiên nhiên. Chính sự mộc mạc đó đã thu hút sự chú ý không chỉ của người xem trong nước mà còn của bạn bè quốc tế.

* Khi gõ tên bạn trên Google Search, tức thì ra những câu sau: “An Đen là ai?”, “An Đen có chồng chưa?”… Từ bao giờ chuyện An có chồng chưa lại thành từ khóa chính?

- Nay tôi 32 tuổi rồi, ai làm trái tim tôi rung động là yêu thôi. Tôi chia tay mối tình cũ cách đây đã hơn 1 năm. Khi tôi vui, người ấy không biết; khi tôi buồn, người ấy không hay. Nếu không có sự chia sẻ thì chúng ta cần nhau để làm gì? Tôi chẳng mong cầu gì, chỉ mong có một người hiểu mình, chia sẻ, chịu được tính tình mình và sẵn sàng đi cùng mình khắp thế gian… Mà đôi khi chỉ cần cảm nhận được tình yêu thương là tôi chịu liền. Còn việc yêu hay không yêu, có nỗi đau nào rồi thì thời gian cũng xóa mờ.

Những mâm cơm mộc mạc, giản dị của An Đen luôn gây ấn tượng với người xem
Những mâm cơm mộc mạc, giản dị của An Đen luôn gây ấn tượng với người xem

* Bạn có muốn chia sẻ gì thêm với các bạn trẻ không?

- Trước kia, khi gặp các áp lực, tôi có dấu hiệu trầm cảm nhẹ: không muốn ăn, không muốn làm, nhìn các bạn tài giỏi mà thấy phục họ rồi lại trách mình bất tài vô dụng. Nhưng đó là trước kia thôi, giờ thì tôi nghĩ ai cũng có vấn đề riêng. Như tôi không trụ được ở thành phố, xét ra cũng có nghĩa là thua, là thất bại. Mình chấp nhận mình như thế để rồi nhận biết con đường nào dành cho mình, con đường nào không là của mình. Tôi trở về quê với má, trồng rau chăm chó… Tôi chấp nhận điều đó. Dù không biết tương lai thế nào nhưng chỉ cần tâm trí mình được thoải mái thì còn gì sung sướng hơn, nhất là khi trước đó, ngày nào bạn cũng phải sống trong căng thẳng. Làm sao sống khổ như thế tới chết được?

Trước kia, tôi luôn mặc cảm mình da đen, mặt xấu, giọng ồm, tướng như đàn ông, tính nết thì ngang, đi lại hậu đậu. Giờ tôi hiểu, đó là kiểu người của tôi - không mềm mại, thùy mị, hiền dịu; thích sống mộc mạc… Lúc tôi mới quay các video về cuộc sống đồng quê, có nhiều người không hiểu tôi làm gì mà suốt ngày cắm điện thoại vào cái que, đi đi lại lại ngoài đồng. Người thì tò mò, người thì nhìn với con mắt không thiện cảm nhưng tôi chỉ cười, mặc kệ. Giờ đây, tôi mừng vì được tự do trong công việc. Tôi nhớ câu này: “Đừng đi tìm kiếm ai khiến bạn hạnh phúc, hãy tự làm mình hạnh phúc”.

Cuộc sống đồng quê của Nguyễn Thúy An đã truyền cảm hứng cho nhiều người
Cuộc sống đồng quê của Nguyễn Thúy An đã truyền cảm hứng cho nhiều người

* Giờ đây, bạn ước mong điều gì nhất?

- Tôi ước mình bớt lười, sáng tạo nội dung tốt để truyền cảm hứng tích cực, có tiền giúp nhiều người nghèo, người khuyết tật. Tôi sẽ tập kinh doanh online để bán các nông sản tốt, sạch, giúp cho bà con xung quanh có công ăn việc làm. Hạnh phúc với tôi là ăn ngon miệng, ngủ ngon giấc. Bạn có đủ thứ trong tay mà ăn ngủ không ngon thì không thể gọi là hạnh phúc hoàn toàn.

* Cảm ơn bạn đã chia sẻ. 

Codet Hanoi

Ảnh : Nhân vật cung cấp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI