Âm nhạc về đề tài xã hội: Nhạc sĩ ngại viết hay thị trường không chuộng?

05/11/2019 - 07:45

PNO - Trong thị trường âm nhạc Việt, những ca khúc viết về đề tài xã hội thường có sức cạnh tranh kém so với những sáng tác về các chủ đề tình bạn, tình yêu. Đâu là nguyên nhân chính dẫn đến thế cục này?

Những ngày qua, ca khúc Nước ngoài của Phan Mạnh Quỳnh được khán giả tìm nghe lại khá nhiều. Nội dung bài hát nói về nỗi niềm của những người con xa xứ mưu sinh. Trong cái giá rét của những ngày cuối năm, nỗi nhớ nhà, nhớ quê chợt khiến tâm hồn họ xúc động.

Ca từ và giai điệu bài hát khi được "đánh thức" trong bối cảnh thời sự những ngày qua với vụ việc hàng loạt người Việt lao động “chui” mất tích ở Anh, càng tìm được sự đồng cảm, chia sẻ nơi người nghe.

Am nhac ve de tai xa hoi: Nhac si ngai viet hay thi truong khong chuong?
Sáng tác Nước ngoài của Phan Mạnh Quỳnh được tìm nghe nhiều trở lại sau sự việc nhiều gia đình có con em mất tích tại Anh khi đi lao động "chui".

Đây không phải lần đầu tiên Nước ngoài có sức lay động mạnh như thế. Ngay từ khi ra mắt vào năm 2017, sáng tác của Phan Mạnh Quỳnh đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt.

Tháng 4 năm nay, ca khúc này một lần nữa được chia sẻ rầm rộ trở lại. Có lẽ, đã rất lâu, thị trường nhạc Việt mới chứng kiến sự trở lại của một ca khúc về đề tài xã hội, giữa muôn trùng những sáng tác về tình yêu.

Nước ngoài - Phan Mạnh Quỳnh và Bùi Anh Tuấn:

Thực tế, làng nhạc Việt đã từng xuất hiện khá nhiều ca khúc nói về các vấn đề xã hội như: Con chưa kịp (Tống Hạo Nhiên) nói về nạn nạo phá thai; Buông tay đi (Dương Khắc Linh), Ước mơ con nhỏ bé (Nguyễn Văn Chung), Ngôi nhà vắng tênh (Hoàng Thống) cùng nói về bạo lực gia đình; Đừng để con một mình (Trang Pháp) hay Ông kẹ (Trương Phước Lộc) để nói về nạn xâm hại trẻ em; Lũ đêm (Dương Cầm) hay Bão (Đinh Tuấn Anh) để chia sẻ với đồng bào trước những thiệt hại sau bão lũ. Hình ảnh những cô gái “bán hoa” cũng được Lê Minh Phương mang vào Hương sắc trời... 

Những vấn đề xã hội, thời sự luôn là chủ đề khó khai thác trong âm nhạc. Những tác phẩm về chủ đề này mất nhiều thời gian hơn để được ra đời bởi tác giả cần có đủ trải nghiệm và tìm cách lồng ghép nội dung sao cho thật khéo léo, mềm mượt. Cũng vì thế, chính mảnh đất khó này là nơi thể hiện rõ cá tính, quan điểm âm nhạc của nhạc sĩ, là thước đo về cái tôi khá rõ nét.

Như với ca khúc Nước ngoài, Phan Mạnh Quỳnh phải mất đến hai năm để hoàn thành. Công sức bỏ ra nhiều nhưng phần lớn những ca khúc về đề tài xã hội lại không có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường, phạm vi sử dụng khu biệt hoặc chỉ được chú ý vào những thời điểm nhất định.

Am nhac ve de tai xa hoi: Nhac si ngai viet hay thi truong khong chuong?
Hoàng Thống lần đầu giới thiệu ca khúc Ngôi nhà vắng tênh trên sân khấu Sing my song 2018.

Nói về vấn đề này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ: “Nhạc sĩ vẫn sáng tác nhiều nhưng những đề tài này thường không được khán giả đại chúng quan tâm. Phần lớn, chúng chỉ được người trong nghề hoặc những khán giả có quan tâm sâu về âm nhạc tìm nghe. Điều này diễn ra ở cả thị trường âm nhạc thế giới, chứ không riêng Việt Nam. Chúng chỉ được sử dụng chủ yếu ở những cuộc thi về âm nhạc. Các bảng xếp hạng cũng không mặn mòi, trong khi truyền thông cũng kém quan tâm”. 

Trong khi đó Nguyễn Hoàng Duy cho rằng những ca khúc viết về chủ đề này ra đời không nhằm mang tính cạnh tranh, không mang tính thị trường. Ở góc độ khác, nhạc sĩ Lê Minh Sơn góp thêm rằng, trong thời đại công nghệ hiện tại, dòng chảy dễ dàng “cuốn trôi” các sáng tác mới nếu không có sức nặng về chất lượng để trụ lại. Đây cũng là cơ chế sàng lọc của thị trường, mà ai cũng không thể tránh khỏi.

Nhưng thực tế, làng nhạc Việt cũng đã chứng kiến sự thành công của Sao em nỡ vội lấy chồng (Trần Tiến) nói về nạn tảo hôn, Nhăng nhố (Trần Tiến) nói về những cô gái “bán hoa” hay Đứa bé (Minh Khang) nói về cuộc đời của những trẻ em lang thang, cơ nhỡ... Chúng không chỉ tạo được sự lan toả với khán giả Việt mà còn đi xa ở phạm vi thế giới, đến hôm nay vẫn còn được đón nhận.

Thành công dễ nhìn thấy từ các ca khúc này là sự dung hoà tốt giữa yếu tố xã hội, thị trường và nghệ thuật, ca từ dễ nghe, giàu cảm xúc mà theo nhạc sĩ Lê Minh Sơn “những ca từ ấy không bao giờ có tuổi”. Điều này, nhiều sáng tác ở thời điểm hiện tại vẫn còn thiếu hoặc chưa làm tốt. 

Sao em nỡ vội lấy chồng - Phương Thảo:

Tuổi thọ, sự thành công của một sản phẩm âm nhạc được định hình bởi nhiều yếu tố. Mỗi ca khúc sẽ tự có đời sống riêng và luôn cần thời gian để khẳng định mức độ ảnh hưởng, tuổi thọ của mình. 

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng để những ca khúc về đề tài này có thể sống được với tuổi thọ dài hơi, điều tiên quyết đầu tiên vẫn xuất phát từ nhạc sĩ: “Chúng ta không thể buộc khán giả phải như thế này, nên như thế kia, hoặc phải vận động họ nghe nhạc như thế. Âm nhạc phụ thuộc vào cảm xúc, và điều này không thể điều khiển được. Có chăng, từ khởi nguồn, nhạc sĩ phải viết thật tốt mới có khả năng giúp ca khúc chạm đến trái tim khán giả. Viết về xã hội, thời sự, điều đầu tiên cần tránh là đừng để nội dung quá nặng nề, giáo điều”.

Tuy nhiên, ở góc độ người tiếp nhận, nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Duy cũng đóng góp thêm: “Việc sáng tác cũng phụ thuộc nhiều vào cảm xúc, mà phần lớn trong đó xuất phát từ hưởng ứng của khán giả. Vì thế, khi cách khán giả đón nhận thay đổi, người sáng tác cũng được động viên nhiều hơn. Hơn hết, sáng tác vẫn là một công việc, có thực mới vực được đạo”.

Bên cạnh đó, việc tạo ra một công thức quảng bá phù hợp để ca khúc có thể len lỏi vào cuộc sống cũng là yếu tố mà các ca sĩ, nhà sản xuất cần quan tâm, đầu tư hợp lý. "Một ca khúc muốn sống lâu thì bằng nhiều yếu tố phải giúp nó song hành cùng cuộc sống của khán giả, mà tôi chỉ gói gọn trong hai cụm từ dòng chảy và sứ mệnh", nhạc sĩ Lê Minh Sơn nói.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI