Ai phải chịu trách nhiệm cho cái chết của gần 10.000 người Việt mỗi năm?

13/11/2019 - 14:42

PNO - 10.000 người chết. Con số đó có vẻ không khiến nhiều người giật mình, bởi nó có lẽ cũng giống con số trên các báo cáo thống kê ở nhiều lĩnh vực, cho đến khi một trong 10.000 người ấy là bạn bè hoặc thân nhân của ta.

Vào Chủ nhật thứ ba của tháng 11 này (17/11), Việt Nam sẽ cùng các nước trên thế giới tổ chức Ngày Thế giới tưởng niệm Nạn nhân Giao thông đường bộ. Nhiều hoạt động mang thông điệp “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại” đã và sẽ diễn ra trên phạm vi cả nước.

Ai phai chiu trach nhiem cho cai chet cua gan 10.000 nguoi Viet moi nam?
Vụ tai nạn sáng 13/11 khiến dầm cầu bộ hành rơi đè bẹp container.

Trong lễ chào cờ tại các trường học, thầy cô giáo và học sinh đã dành một phút mặc niệm cho các nạn nhân tử vòng vì tai nạn giao thông, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã, các địa phương và đoàn thể đã tổ chức đi thăm hỏi, động viên các gia đình có thân nhân qua đời vì tai nạn giao thông bên cạnh những buổi lễ cầu siêu. Tại TP.HCM, lúc 7g30 sáng 17/11, Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông sẽ diễn ra trên đường Lê Duẩn.

Từ lâu, trong giới tài xế vẫn có thông lệ bấm 3 tiếng còi dài như nghi thức tiễn biệt đồng nghiệp quá cố.

Theo số liệu của Bộ Công an, từ năm 2009 - tháng 5/2019, cả nước xảy ra hơn 326 ngàn vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 97 ngàn người. Trung bình trong 10 năm qua, mỗi năm có gần 10.000 người chết vì tai nạn giao thông.

10.000 người chết. Con số đó có vẻ không khiến nhiều người giật mình, bởi nó có lẽ cũng giống con số trên các báo cáo thống kê thường niên ở nhiều lĩnh vực, cho đến khi một trong 10.000 người ấy là bạn bè hoặc thân nhân của ta.

Vẫn theo báo cáo của Bộ Công an công bố hồi đầu tháng 10, nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp gây ra một vụ tai nạn giao thông cụ thể là do chính người tham gia giao thông gây ra, chiếm đến 80% số vụ. Chẳng hạn, số vụ tai nạn do chạy quá tốc độ chiếm 22,9%. Tai nạn do tránh hoặc vượt sai quy định chiếm 14%. Tai nạn do điều khiển xe khi đã uống rượu bia chiếm tỷ lệ 3,8%.

Đụng xe là do người lái xe. Thì đã đành rồi! Họ, thân nhân của họ và cả xã hội phải gánh chịu hậu quả. Thì đã đành rồi! Nhưng phải chăng chỉ những người lái xe phải chịu trách nhiệm cho một phút lơ là, một giây “xui xẻo” của mình? Không!

Nếu có dịp đi trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, ta sẽ thường xuyên thấy cảnh nhiều xe khách, ô tô con phóng vun vút trên làn đường khẩn cấp và rất nhiều vụ tai nạn đã xảy ra trên làn đường này. Người ta bảo tài xế không có ý thức. Không hẳn. Họ ý thức rất rõ họ đang vi phạm pháp luật. Chỉ là, họ có một ý thức khác điều khiển hành vi, vẫn thường được họ nói đầy chua xót: “Cuộc sống mà!”. Họ phải hoàn thành chặn đường càng nhanh càng tốt, để kịp quay đầu xe, để được thêm một khoản tiền.

Nếu có dịp chạy xe đêm ngoài quốc lộ, bạn sẽ được dịp thót tim với cảnh hàng đàn xe khách nối đuôi nhau chạy với tốc độ trên 100km/h và sẵn sàng vượt qua nhau hoặc ép nhau mỗi khi có cơ hội. Những chiếc xe khách ấy chỉ chịu ngoan ngoãn chạy đúng tốc độ mỗi khi đến gần chốt kiểm soát của lực lượng chức năng (mà họ biết rõ nằm ở đoạn nào trên suốt tuyến đường). Nếu có bất cứ xe nào bị lực lượng cảnh sát giao thông chỉ gậy thì đều bị xem là “xui thôi”.

Trên phố, mỗi khi có xe tải, xe khách hoặc ô tô mở góc cua bên trái để quẹo phải tại giao lộ (hoặc ngược lại), hình ảnh dễ thấy là sẽ lập tức có xe máy “điền vào chỗ trống” hoặc cố lao qua khoảng trống ấy. Nếu chẳng may có tai nạn, đó lẽ nào cũng chỉ là “xui thôi”?

Ai phai chiu trach nhiem cho cai chet cua gan 10.000 nguoi Viet moi nam?
Xe buýt tông 8 xe máy đang dừng chờ đèn đỏ ở Q.6, sáng 13/11.

Ngay trong sáng 13/11, khi UBND TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết phong trào thi đua “Bảo đảm trật tự an toàn giao thông” giai đoạn 2018-2020, một xe container đã va vào dầm cầu bộ hành thuộc dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội nhằm xóa bỏ ùn tắc cửa ngõ Đông Sài Gòn. Tại giao lộ Hồng Bàng - Phạm Đình Hổ (Q.6), một xe buýt đã tông 8 xe máy đang dừng chờ đèn đỏ, khiến người và xe nằm la liệt trên đường.

Ở các trung tâm sát hạch lái xe, các trường đào tạo lái xe, tình trạng “chống trượt”, “bao đậu” đã nhiều lần được cảnh báo, nhưng đến nay vẫn không ai dám chắc đã giải quyết triệt để. 150 câu hỏi lý thuyết sát hạch giấy phép lái xe hạng A1 và đường chạy số 8 liệu có đủ để xác nhận một người có thể lái xe máy an toàn? Những người say không bao giờ thừa nhận mình không còn khả năng lái xe (trừ khi họ quá say đến mất ý thức, “gục tại chỗ”).

Trước tình trạng giao thông hỗn loạn, tai nạn liên miên, tấm decal “Đã uống rượu bia, không lái xe” đã được nhiều người tự giác dán lên xe mình như một lời nhắc nhở. Nhiều lái xe khác dán sau đuôi xe decal “Nghĩ trước khi bấm còi”. Nhưng chừng ấy là chưa đủ.

Người tham gia giao thông thiếu ý thức, gây tai nạn thì đã đành rồi. Nhưng nếu họ không thay đổi được ý thức hoặc để cho những nguyên nhân, lý do khác vượt qua tiêu chuẩn an toàn giao thông, thậm chí nguy cơ đối với sinh mạng của bản thân và người khác thì lẽ nào ta không thể quyết liệt hơn trong việc nắn nhân dân vào chuẩn mực văn minh, để bớt gây nguy hiểm cho người khác? Như kinh nghiệm các nước, điều khiển xe không có giấy phép lái xe sẽ bị giữ xe. Say xỉn lái xe sẽ bị tước bằng lái 2 năm và phải học lại, thi lại trong kỳ thi gắt gao hơn nhiều. Hãng xe có tài xế gây tai nạn sẽ bị hạ điểm tín nhiệm… Lẽ nào ta không làm được?

10.000 người chết. Từ góc độ vĩ mô, đó không hề là con số nhỏ, càng không thể lặp lại đều đặn mỗi năm, suốt 10 năm qua.

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI