"A civil action": Hành trình tìm công lý

29/05/2021 - 07:00

PNO - Dù đã hơn hai thập niên, câu chuyện đòi công bằng cho nạn nhân chất độc, như trong bộ phim điện ảnh "A Civil Action" vẫn mang tính thời sự và nhiều cảm xúc.

Từ đầu năm nay, vụ kiện lịch sử của bà Trần Tố Nga (79 tuổi) thu hút sự quan tâm của dư luận toàn cầu. Bà sinh năm 1942, có quốc tịch Pháp và Việt Nam, nhiễm chất độc da cam khi là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng (thuộc Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam). Bà Trần Tố Nga kiện chống lại 26 tập đoàn hóa chất Mỹ đã sản xuất chất da cam được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Sau khi Tòa án Érvy bác đơn vào ngày 10/5, nhóm luật sư của bà Trần Tố Nga tuyên bố kháng cáo. Nhiều nhà hoạt động xã hội ở Pháp đã xuống đường để ủng hộ người phụ nữ này.

Các vụ kiện đòi công lý cho nạn nhân chất độc chưa bao giờ dễ dàng do sự phức tạp của phương pháp chứng minh và tầm vóc các tập đoàn sản xuất. Trên màn ảnh, đây là đề tài cho các nhà làm phim thiên về chủ đề xã hội, như phim Erin Brockovich (2000) hay Dark Waters (2019)…Từ cuối thế kỷ trước, một tác phẩm về đề tài này cũng từng ghi dấu ấn là A Civil Action (Một vụ kiện dân sự - 1998) của đạo diễn Steven Zaillian và tài tử John Travolta. Bộ phim nhận hai đề cử Oscar vào năm 1999, có kịch bản từ cuốn sách cùng tên của Jonathan Harr và dựa trên vụ kiện lớn có thật trong lịch sử Mỹ.

John Travolta trên poster phim
John Travolta trên poster phim

John Travolta - diễn viên hàng đầu Hollywood thời bấy giờ - hóa thân Jan Schlichtmann, một luật sư chuyên về bồi thường thiệt hại ở Boston (Mỹ). Anh thông minh, khôn khéo nhưng hay bị chế nhạo là máu lạnh, chỉ nhắm vào việc quy đổi tổn thất của người khác thành tiền.

Chất độc môi trường ở Woburn (Massachusetts, Mỹ) làm ô nhiễm nguồn nước, được cho là dẫn đến cái chết của nhiều đứa trẻ. Một phụ nữ tên Anne Anderson (Kathleen Quinlan) nhờ hãng luật của Jan tiến hành kiện tụng. Ban đầu, Jan không mấy hứng thú đến vụ việc. Nhưng sau đó, anh phát hiện nó có liên quan đến hai tập đoàn lớn là Beatrice Foods và W.R.Grace and Company. Một số cơ sở của họ đã thải trichloroethylene và perchloroethylene vào nguồn nước ngầm, gây ung thư và nhiều bệnh khác cho dân địa phương.

Jan đại diện cho các gia đình đưa sự việc ra tòa để đòi xin lỗi, bồi thường và cải thiện điều kiện sống. Thế nhưng, hai tập đoàn Beatrice và Grace cũng dồn hết khả năng để biện hộ. Khi vụ kiện kéo dài, công ty của Jan ngày càng đuối sức về tài chính, đứng trên bờ vực sụp đổ, trong lúc công lý vẫn chưa được thực thi.

Gian nan một hành trình 

A Civil Action dựa trên vụ kiện Anderson v. Cryovac từng gây nhiều bàn tán vào năm 1986 ở Mỹ. Cái chết của 12 đứa trẻ do bệnh ung thư máu là tâm điểm cuộc chiến pháp lý giữa Jan Schlichtmann và nhóm luật sư của tập đoàn, do Jerry Facher (Robert Duvall) lãnh đạo. Jan khẳng định những cái chết này liên quan trực tiếp đến việc ô nhiễm nguồn nước, còn Jerry cho rằng không thể chứng minh được sự ô nhiễm lẫn ảnh hưởng của nó lên sức khỏe người dân.

Nhân vật Jan Schlichtmann (trái) và Anne Anderson
Nhân vật Jan Schlichtmann (trái) và Anne Anderson

Dù có một số tình tiết hư cấu, bộ phim do Steven Zaillian biên kịch và đạo diễn được đánh giá cao ở cách mô tả tòa án. Hoạt động tư pháp được thể hiện chân thực qua nhiều thuật ngữ và hành động của các nhân vật. Vài chục phút đầu phim, bằng năng lực của mình, Jan Schlichtmann nhanh chóng thu thập nhiều bằng chứng và lời khai có lợi. Không ít khán giả hẳn nghĩ anh sẽ chóng vánh đại thắng, khép lại vụ việc. Nhưng, khi nhóm luật sư đối địch vào cuộc, hàng loạt chiêu trò được sử dụng để đánh lạc hướng, bẻ cong khái niệm và giành lại thế trận cho phe tập đoàn.

Việc kiện tụng các công ty lớn chưa bao giờ đơn giản, dù trên phim hay ngoài đời. Nhiều khi, sự thật rành rành trong mắt số đông nhưng không hề dễ để giành chiến thắng pháp lý. Như chính bà Trần Tố Nga cũng mất hơn mười năm theo đuổi vụ kiện chất độc da cam mà vẫn chưa đến đích.

Một tình tiết khá thú vị trong A Civil Action là nhóm luật sư phía bị đơn hầu hết biết thân chủ mình sai phạm, qua ánh mắt, thái độ và nhiều cuộc đối thoại ý nhị. Tuy nhiên, khái niệm thiện ác minh bạch dường như bị vùi lấp giữa hàng đống lý luận, bằng chứng lẫn nghĩa vụ của luật sư dành cho thân chủ. Tòa án được tạo ra để bảo đảm công bằng nhưng đôi khi sự phức tạp của nó lại khiến mỗi phiên tòa là trận địa của chiến thuật chứ không đơn thuần là công lý.

Robert Duvall gây ấn tượng trong vai Jerry Facher
Robert Duvall gây ấn tượng trong vai Jerry Facher

Nỗi đau củangười đi tìm công lý

Nhân vật chính của John Travolta biến đổi tâm lý theo hướng nhân văn và hấp dẫn người xem. Đầu phim, Jan được mô tả như một gã luật sư tự phụ, lọc lõi và làm việc vì tiền. Anh chỉ nhận các vụ có tỷ lệ thắng cao, đồng thời sẽ kiếm mớ béo bở theo một tỷ lệ nhất định từ khoản tiền dàn xếp giữa hai bên. Jan ban đầu không thật sự quan tâm đến những đứa trẻ chết do ô nhiễm, bởi đánh giá đây là vụ kiện ít sinh lợi.

Tuy nhiên, càng dấn sâu vào sự việc, Jan càng nghĩ đến khía cạnh đạo đức và quyết tâm đòi công bằng cho các nạn nhân. Vị luật sư cố theo đuổi vụ kiện đến cùng dù biết cửa thắng hẹp và có thể khiến anh mất tất. Dẫu rất tài ba, anh không thể chống lại đối thủ hùng mạnh về tài chính. Hãng luật của Jan ngày càng chật vật, quan hệ của anh với cộng sự cũng tệ hơn. Đạo diễn Steven Zaillian mô tả nhân vật chính như một người hùng không hoàn hảo, có cả mặt sáng và tối. Sự trưởng thành của Jan về mặt đạo đức, thứ khiến cho khán giả yêu mến anh hơn, lại đẩy anh vào khó khăn cá nhân.

Kết phim không phải chiến thắng tuyệt đối cho các nạn nhân cũng chẳng là màn tranh luận nảy lửa kịch tính. Trái lại, nó là một nốt trầm ngân nga khiến người xem phải ngẫm nghĩ. Jan khám phá bằng chứng quan trọng để đưa các tập đoàn ra ánh sáng, đồng thời trắng tay, phải gầy dựng lại sự nghiệp. Nhưng, anh lại hạnh phúc hơn bởi tìm được sự thanh thản trong tâm hồn, tìm được ý nghĩa sống vì biết mình đã chiến đấu vì lẽ phải.

Jan Schlichtmann là một vai diễn sống động của John Travolta. Tài tử này có thể mang đến những góc cạnh sáng tối của một luật sư. Với khuôn mặt biểu cảm, anh dễ dàng chuyển đổi giữa hai thái cực của nhân vật chính. Điểm nhấn trong diễn xuất của Travolta là các phân đoạn Jan tranh cãi với cộng sự, nhờ kịch tính lẫn lớp ý về va chạm giữa đạo đức và thực dụng. Sự tan vỡ quan hệ với đồng đội là cái giá phải trả trên con đường làm điều mình cho là đúng.

Ở bên kia chiến tuyến là Jerry Facher - luật sư phe tập đoàn - lạnh lùng và nhiều kinh nghiệm. Jerry là bậc thầy của những chiêu trò sắp xếp dữ kiện và thao túng tâm trí con người. Ông chỉ quan tâm đến lợi ích của thân chủ, đôi khi mỉa mai cả hệ thống pháp lý. “Nếu anh thật sự muốn tìm sự thật, hãy tìm nó ở đúng chỗ. Ở đáy của cái hố không đáy”, ông nói với Jan. Với vai này, tài tử gạo cội Robert Duvall nhận đề cử dành cho nam diễn viên phụ ở Oscar lần thứ 71. 

Giữa một tác phẩm có lối thể hiện khá “lạnh”, đạo diễn Steven Zaillian vẫn biết cách đan cài nhiều khoảnh khắc cảm xúc. Đó là cảnh người dân kể lại cái chết con mình, là ánh mắt buồn rầu của người phụ nữ ở tòa. Một lời thoại của nhân vật Anne như nói hộ nỗi lòng gia đình các nạn nhân: “Từ lần đầu ta nói chuyện, tôi đã nói rõ là mình không quan tâm đến tiền. Tôi chỉ muốn có ai đó xin lỗi về điều gây ra cho con tôi”.

Nỗi đau của con người, tình cảm dành cho cộng đồng luôn là những lực đẩy thôi thúc người ta gạt đi tính toán thiệt hơn để dấn thân vào cuộc chiến đòi lẽ phải. Họ xem đó là sứ mệnh cuộc đời dù biết con đường này không hề rải hoa mà thường đầy trắc trở. 

Trailer phim A Civil Action:

 

 

 

Ân Nguyễn

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI