6 nỗi sợ nên gạt bỏ khi muốn ‘nhảy việc’

14/03/2019 - 09:30

PNO - Bạn cảm thấy mệt mỏi, hoàn toàn chán nản với công việc hiện tại và muốn nghỉ việc? Nguyên tắc đầu tiên của việc tìm kiếm việc làm là: bạn sẽ không bao giờ tìm được việc nếu không bắt đầu.

Thế nhưng, đặt bản thân vào tình thế phải tìm việc có thể mang đến cho bạn nhiều nỗi sợ hãi. Dưới đây là một vài trong số những nỗi sợ khi muốn “nhảy việc” phổ biến nhất và cách làm thế nào để bạn có thể vượt qua chúng, hãy cùng tham khảo nhé!

Tham khảo các việc làm hấp dẫn tại https://www.careerlink.vn/

Sợ thay đổi

Theo Trưởng phòng Nhân sự CareerLink thì đây là tâm lý thường gặp của bất kỳ ai khi muốn "nhảy việc", đặc biệt với kiểu người ngại thay đổi, thích an phận, thích sự ổn định hoặc đã quá quen với nhịp sống, công việc hiện tại. Họ sợ rằng ở công việc mới họ sẽ phải học lại nhiều điều mới, làm quen lại từ đầu với môi trường, đồng nghiệp và quy trình làm việc. Những băn khoăn, lo ngại này khiến họ suy nghĩ nhiều và đó chính là rào cản tâm lý đầu tiên gây cản trở quyết định "nhảy việc" của họ.

Vì vậy, để khắc phục nỗi sợ này, trước khi có ý định "nhảy việc", bạn cần lên kế hoạch cụ thể, phân tích chi tiết những điều nên và không nên, thuận lợi và khó khăn. Tiếp đó, bạn cần chuẩn bị tâm lý, chấp nhận và đối mặt với những khó khăn đã dự đoán. Đồng thời, thay đổi và suy nghĩ theo hướng tích cực để giải quyết tất cả những vấn đề mà bạn đã đặt ra trong kế hoạch hoặc phát sinh sau đó.

Sợ mình không tìm được công việc mới tốt hơn

Một nỗi sợ phổ biến khác chính là không biết mình có tìm được một công việc tốt hơn hay không. Nghĩ đến điều này chỉ khiến ý định “nhảy việc” của bạn bị ngăn trở trong khi công việc hiện tại quá nhàm chán hoặc không đáp ứng được các mong ước của bản thân.

Để vượt qua điều này, bạn cần lạc quan, tin tưởng rằng khi mình rời bỏ công việc hiện tại thì sẽ tìm được công việc tốt hơn. Bạn cần tin rằng, “cánh cửa này đóng lại, sẽ có một cánh cửa khác mở ra cho bạn”. Hãy cố gắng tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, rèn luyện năng lực và các kỹ năng cần thiết cho bản thân từ khi đang làm công việc hiện tại. Đó chính là “vốn liếng” quý giá cho bất cứ sự thay đổi nào trong tương lai của bạn. Khi có sự chuẩn bị tốt nhất thì quyết định “nhảy việc” sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Mức lương, thưởng và các chế độ đãi ngộ không như mong muốn

Có nhiều lý do để bạn quyết định kết thúc sự gắn bó với công việc cũ, trong đó có vấn đề lương, thưởng và các chế độ đãi ngộ hạn chế. Để đảm bảo một môi trường khác có các yếu tố này tốt hơn, hãy tìm hiểu về công ty bạn muốn ứng tuyển trên các phương tiện truyền thông, các mối quan hệ và cả người phỏng vấn bạn. Đây thường là các vấn đề mà nhà tuyển dụng đưa ra đầu tiên nhằm thu hút các ứng viên có năng lực.

Môi trường làm việc không phù hợp

Bạn đã gắn bó lâu năm với công ty, đã quá quen thuộc với môi trường và văn hóa làm việc ở đây. Bạn sợ rằng mình sẽ không thích hợp với môi trường mới. Lo lắng đó của bạn, thực ra chỉ là vấn đề thời gian. Nếu bạn làm việc ở đó với tinh thần tích cực thì sẽ nhanh chóng hòa nhập và làm quen với môi trường mới dễ dàng. Vì vậy, đừng quá lo lắng về vấn đề này nhé!

Đồng nghiệp không ăn ý

Bạn đang làm việc với những đồng nghiệp rất ăn ý, thân thiết nên lo sợ khi đến nơi làm mới khó tìm được những đồng nghiệp mới như vậy. Đây là suy nghĩ của những người hơi nhút nhát hoặc ngại xây dựng các mối quan hệ mới.

Để khắc phục, bạn nên suy nghĩ theo hướng mở. Nếu bạn làm việc tốt, với tinh thần cầu tiến và thái độ sống hòa đồng, tôn trọng mọi người thì sớm muộn gì bạn cũng sẽ có được những đồng nghiệp tốt không kém nơi làm việc cũ.

Khiến người khác không vui

Sẽ có những lúc quyết định “nhảy việc” của bạn vấp phải sự phản đối của người thân, bạn bè, đồng nghiệp hay của chính cấp trên hiện tại. Tuy nhiên, công việc là của bạn, chỉ có bạn mới hiểu nó và biết rõ nguyên nhân vì sao bạn muốn rời đi. Hãy lắng nghe ý kiến của người khác như một tài liệu tham khảo nhưng cần nhớ rằng bạn chính là người ra quyết định cuối cùng và chịu trách nhiệm về nó.

Gạt bỏ được 6 điều sợ hãi trên sẽ là động lực giúp bạn có được lựa chọn sáng suốt trong con đường nghề nghiệp của mình. Dù làm việc gì, ở đâu, nếu có đủ năng lực chuyên môn và các kỹ năng cần thiết cùng với tinh thần trách nhiệm, thái độ cầu tiến thì bạn sẽ có được thành công nhất định. Suy nghĩ thấu đáo, thực tế với hoàn cảnh là chìa khóa giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn.

Đặng Hảo

6 noi so nen gat bo khi muon ‘nhay viec’
 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI