35 năm vụ thảm sát ở Ba Chúc - An Giang: "Nhân chứng sống đặc biệt"

23/04/2013 - 07:23

PNO - PN - Ngày 25/4 (tức 16/3 ÂL) tới đây, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang sẽ tổ chức lễ giỗ lần thứ 35 cho 3.574 thường dân vô tội ở xã (nay là thị trấn) Ba Chúc đã ngã xuống dưới bàn tay khát máu của bè lũ diệt chủng Pôn-Pốt.

Theo thông lệ, lễ giỗ được tổ chức tại khu di tích quốc gia Nhà mồ, nơi trưng bày 1.159 bộ hài cốt bị Pôn-Pốt giết (tọa lạc tại khu vực chùa Phi Lai - Tam Bửu). Thế nhưng trớ trêu thay, suốt 35 năm qua, người ta gần như “bỏ quên” một nhân chứng sống đặc biệt của nạn thảm sát này, hiện đang sống ngay cạnh Nhà mồ: bà Hà Thị Nga.

35 nam vu tham sat o Ba Chuc - An Giang:

Nhân chứng sống đặc biệt

Đã 35 năm trôi qua, nhưng khi vừa nghe chúng tôi gợi lại câu chuyện thảm sát, Bí thư Đảng ủy thị trấn Trần Quốc Cường không giấu được xúc động. Không cần nhìn vào sổ sách, ông Cường nói như nằm lòng: “Sau khi chọc thủng phòng tuyến của dân quân du kích xã tại núi Tượng, quân Pôn-Pốt tiến vào Ba Chúc. Trong 11 ngày đêm, từ 14 đến 25/4/1978, bè lũ Pôn-Pốt đã sát hại tổng cộng 3.574 thường dân bằng những hình thức dã man, như: dùng búa đập đầu, dao cắt cổ; trẻ em thì nắm hai chân xé ra, hoặc đập đầu vào gốc cây, nếu chưa chết thì quăng lên cao, sau đó vươn lưỡi lê lên hứng. Riêng với phụ nữ, trước khi dùng lưỡi lê xẻo vú hay thọc cây, gậy gộc vào cửa mình cho chết, chúng bắt từng người tự lột quần áo rồi thay nhau hãm hiếp tập thể”.

Để giúp chúng tôi hiểu cặn kẽ hơn, ông Cường cử cán bộ hướng dẫn chúng tôi đến gặp bà Hà Thị Nga, người mà theo ông Cường là “nhân chứng sống đặc biệt”. Nếu không có người dẫn đường, tôi không tài nào hình dung nổi bà lão (SN 1937) tự tay chế biến, bưng bê từng ly nước giải khát trong quán cốc liêu xiêu tạm bợ ngay cổng dẫn vào khu di tích Nhà mồ là “nhân chứng sống đặc biệt”.

Thấy có khách, bà chậm chạp bước đến chào. Gương mặt rười rượi nỗi buồn thường trực của bà bỗng ràn rụa nước mắt khi vừa nghe nội dung cuộc viếng thăm. Phải mất gần nửa giờ sau bà Nga mới lấy lại được bình tĩnh. Chỉ tay lên những vết sẹo nhằng nhịt trên cổ và trán, bà Nga tức tưởi nhớ lại: “Hôm đó là sáng 14/4/1978, tôi và hơn 100 người bị lính Pôn-Pốt lùa đi. Lúc ra đến cánh đồng xã Lạc Quới thì chúng tách nam nữ riêng ra rồi xả súng giết lần lượt từ nam đến nữ dưới nhiều hình thức tàn độc”. Giọng bà Nga nức nở: “Lúc đó tôi đang ẵm đứa con gái út trên tay, thì một tên lính Pôn-Pốt tiến đến giật đứa nhỏ quăng mạnh lên cao…”. Tận mắt nhìn đứa con bé bỏng rơi từ cao xuống đất, máu họng trào ra, người mẹ như hóa điên. Nhưng bà không kịp rơi một giọt nước mắt, bởi liền sau đó, tên khát máu ấy đã nã súng AK vào người bà. “Viên đạn xuyên qua cổ, trổ thẳng ra ngoài, nhưng tôi vẫn sống”. Lúc đầu bà nghĩ là may mắn, nhưng sau đó lại là bất hạnh. Bởi liền ngay đó bọn giặc nắm chân cô con gái út của bà đập mạnh đầu vào tường ba lần… rồi bắn nhiều phát vào người. Bà chới với nghe tiếng con gọi mẹ lần cuối: “Mẹ ơi, cứu con!”.

Sáng hôm sau tỉnh lại, bà Nga gượng dậy tìm đường thoát khỏi nơi chết chóc này. Đến ngày thứ 12, khi sức khỏe đã suy kiệt thì bà được bộ đội giải cứu.

35 nam vu tham sat o Ba Chuc - An Giang:

Bà Hà Thị Nga

35 năm bị bỏ rơi

Sau khi được điều trị lành bệnh, bà Nga được nhiều tổ chức truyền thông đưa đi nhiều nơi để kể tội ác diệt chủng của Pôn-Pốt với tư cách là nhân chứng sống đặc biệt. Sau những ngày được “xe đưa, xe rước”, được đi máy bay ra tận Hà Nội, được ở khách sạn sang trọng… bà Nga trở lại quê nhà và lập tức đối mặt với những nỗi đau thời hậu thảm sát. Nhà tan cửa nát, gia đình, thân tộc chết sạch, bà sống cô quạnh trong căn nhà nhỏ do chòm xóm thương tình cất cho.

Theo lời bà Nga, lúc đầu người ta gọi bà vào làm nhân viên chăm sóc gìn giữ Nhà mồ và Nhà trưng bày để có tiền sinh sống. Một phần vì muốn được chăm sóc xương cốt thân tộc, một phần vì muốn lấy công việc để khuây khỏa nỗi đau, bà Nga đồng ý. Tuy nhiên, trong suốt hàng chục năm làm việc liên tục, bà không hề nhận được đồng nào. “Thật tình, lúc đầu người ta cũng có nói, làm công việc này, mỗi tháng được trả 200.000đ, nhưng sau khi biết tiền này được lấy từ tiền bá tánh cúng chùa tôi đã từ chối”. Bà Nga chân tình: “Không phải chê ít hay nhiều, cái chính là tiền này của nhà chùa, mình mà nhận về xài, tội lắm”.

Thế nhưng sau cái lần bà Nga từ chối nhận “tiền chùa”, không một ai có ý kiến, điều chỉnh gì. Thậm chí người ta cũng quên luôn cả việc cấp cho bà lão thường xuyên đau ốm do vết thương cũ hành hạ này chế độ bảo hiểm y tế. “Buôn bán, chắt chiu được bao nhiêu, tôi đều dồn vào thuốc thang. Hôm nào bệnh nặng thì đến phòng khám tư”. Nhiều lần bà từ chối lời đề nghị của một tổ chức nhân đạo ở TP.HCM muốn đưa về phụng dưỡng.

35 nam vu tham sat o Ba Chuc - An Giang:

Khu di tích quốc gia Nhà mồ

Hơn một năm trước, bà Nga bất ngờ nhận thông báo cho thôi việc, bà che tạm căn lều bên ngõ dẫn vào khu di tích để bán nước giải khát kiếm sống. “Mỗi ngày bán không hơn 1/4 cây nước đá, lời không bao nhiêu, nhưng tôi vẫn phải bán, vì đây là nguồn thu nhập duy nhất để chi phí thuốc men”, bà nói.

Với mong ước “làm cái gì đó” cho bà Nga nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày xảy ra nạn thảm sát ở Ba Chúc, tôi cất công tìm đến Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH An Giang) với bao hy vọng... Thế nhưng nơi đây cho biết: “Bà Nga chưa đủ chuẩn xét hưởng trợ cấp vì chưa được địa phương công nhận là hộ nghèo”. Chính quyền địa phương thì cho rằng: “Địa phương có xét, nhưng do bà Nga không đồng ý nên chưa đưa vào danh sách hộ nghèo”. Thế nhưng bà Nga thì khẳng định: Thông tin đó không chính xác vì trước nay chưa nghe ai đề cập… ngoại trừ một vài lần bà từ chối phiếu nhận suất gạo từ thiện. “Tôi không nhận gạo vì thấy mình ăn không bao nhiêu nên muốn nhường cho bà con khó khăn, chớ già rồi, làm không ra tiền, sao lại không nhận mình không nghèo?”, bà Nga nhấn mạnh.

TÙNG HƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI