30 năm, chuyện bây giờ mới kể

01/12/2020 - 10:00

PNO - Có nỗi buồn, cay đắng, xót xa, tuyệt vọng, và cũng có niềm vui, sự lạc quan, tin tưởng về một tương lại chấm dứt đại dịch AIDS.

Tối 29/11, Hội Phòng, chống HIV/AIDS TP.HCM phối hợp cùng Câu lạc bộ Bầu Trời Xanh và Phòng khám Nhà mình tổ chức đêm hội ngộ “Cảm xúc 30 năm”. Chương trình nhân kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12), tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, đồng thời nhìn lại chặng đường 30 năm kể từ khi phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên tại Việt Nam. Sự kiện có sự đồng hành của Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế và nhiều đơn vị khác.

“Cảm xúc 30 năm” có điểm nhấn là triển lãm hơn 30 kỷ vật, công trình, tài liệu của đội ngũ y bác sĩ, người đồng hành, người sống với HIV, như cái kéo, ghế bố, nồi cơm điện, chai thủy tinh, bông gòn, nhật ký, sổ khám bệnh, thẻ bảo hiểm y tế, cặp nhẫn… Tất cả kỷ vật ấy gắn liền với cuộc chiến hỗ trợ bệnh nhân, cuộc chiến của chính bản thân người nhiễm HIV trước sự kì thị và nỗ lực bảo vệ người thân, nỗ lực vươn lên để có cuộc sống tốt hơn.

 

Đại biểu tham quan triển lãm.
Đại biểu tham quan triển lãm.

Đêm hội ngộ còn có sự diện của PGS-TS Trương Xuân Liên -  nguyên Phó Viện trưởng Viện Parteur TP.HCM, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM. Họ đã chia sẻ cảm xúc hoang mang, lo lắng và những khó khăn mà hệ thống y tế cũng như y bác sĩ phải đối mặt trong những ngày đầu tiên Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng phát hiện ca nhiễm HIV (năm 1990).

 

Các bác sĩ chia sẻ cảm xúc về những ngày đầu phát hiện ca nhiễm HIV và khó khăn trong quá trình điều trị, hỗ trợ ổn định tâm lý cho cả bệnh nhân lẫn người nhà.
Các bác sĩ chia sẻ cảm xúc về những ngày đầu phát hiện ca nhiễm HIV và khó khăn trong quá trình điều trị, hỗ trợ ổn định tâm lý cho cả bệnh nhân lẫn người nhà.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh bồi hồi: “Tôi nhớ không nhầm thì vào khoảng những năm 1993 - 1994, chúng ta phát hiện bệnh nhi nhiễm HIV đầu tiên, con số càng lúc càng nhiều. Khoa Nhiễm lúc đó quá tải bởi số lượng bệnh nhi đông khủng khiếp và điều duy nhất chúng tôi có thể làm là lặng nhìn các bé chết dần”.

Ngoài triển lãm và giao lưu, đêm hội ngộ còn có phần nhạc với nhiều ca khúc thể hiện khát vọng sống, khát vọng được yêu thương và bình an qua phần trình bày của những nghệ sĩ đã đồng hành cùng các hoạt động phòng, chống HIV nhiều năm qua.

 

Sau 30 năm, y tế phát triển, thái độ của xã hội đối với người nhiễm HIV cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Từ một cộng đồng bị phân biệt đối xử, dễ tổn thương và thiếu thốn những điều kiện sống cơ bản, giờ đây người nhiễm HIV đã có thể có công việc ổn định, hạnh phúc bên gia đình mà không còn ám ảnh nguy cơ lây nhiễm cho người thân nhờ việc tuân thủ điều trị. Góp mặt trong “Cảm xúc 30 năm”, một người mẹ nhiễm HIV liên tục nhắc lại câu “Con em âm tính” và “Xin đừng đặt dấu chấm hết cho người còn sống”.   

 

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI