Xin đừng ưu tiên, cũng đừng quy chụp

01/11/2017 - 09:02

PNO - Chúng tôi không cần được ưu tiên, cũng không muốn bị quy chụp; chỉ muốn được nhìn nhận như mọi gia đình bình thường. Chỉ vậy thôi, là đủ!

Tôi là mẹ đơn thân. Con gái tôi đã 8 tuổi, học lớp Ba. Một lần đi học về, bé khoe vừa được nhận vào lớp học múa, nhưng lại kể: “Mẹ ơi, bạn T.T. nói con là không đẹp, cũng có hay gì đâu mà thi MC cũng có con, thi múa cũng có con. Sao bạn kỳ vậy?”.

“Rồi con trả lời bạn thế nào?”.

“Con méc cô, cô la bạn. Cô nói bạn phải thương con, vì con đáng thương lắm!”.

Xin dung uu tien, cung dung quy chup
 

Một hôm khác, con tôi đi học về, buồn bã tâm sự với mẹ là đã phạm lỗi ở lớp. Cô bảo làm toán trang 30 nhưng con lầm sang trang 35. Cô đã nói trước lớp: “Cả lớp ơi, cô nghĩ sau này bạn B.N. sẽ khổ lắm, vì bạn không được ba mẹ giáo dục đàng hoàng”. Con nghe cô nói thì lo không biết sau này con có khổ không?”.

Tôi nghe con kể mà giận run người, cố kềm chế và bảo con: “Mẹ biết là con buồn vì những lời cô nói, nhưng những lời đó không đúng sự thật. Mẹ nghĩ cô chỉ lỡ lời, không phải cố ý nên mình bỏ qua con nhé! Mình sẽ không nghĩ đến chuyện đó nữa, cũng không giận cô”.

“Dạ!”.

“Con sẽ không khổ và cũng không phải là một đứa trẻ không được giáo dục. Con được bố mẹ yêu thương, dạy dỗ đàng hoàng. Con phải tin vào điều đó và tin vào chính mình, đừng vì một lời nói vô ý của người khác mà đánh mất lòng tin, con nhé!”.

“Dạ, con biết rồi”.

Đó là hai chuyện có thật đã xảy đến với con gái tôi ở học kỳ I năm học này. Nguyên cớ là khi họp phụ huynh đầu năm, cô giáo có hỏi thăm hoàn cảnh gia đình, tôi cũng thật tình chia sẻ là vợ chồng tôi đã ly hôn, con gái đang sống cùng mẹ. Cô tỏ ra rất quan tâm và tôi thật sự cũng cảm kích tấm lòng đó. Thế nhưng khi cô giải thích lý do con tôi được nhận vào lớp múa với một bạn cùng lớp khác là vì “đáng thương” thì tôi rất bức xúc.

Hoàn cảnh của mẹ con tôi có phần hơi khác biệt với đa số, nhưng như thế không có nghĩa là con tôi bất hạnh và cần được ưu tiên. Đôi lúc, con tôi cũng chạnh lòng chuyện bố mẹ, nhưng bình thường bé luôn vui vẻ, hiếu động, hòa đồng và phát triển như mọi đứa trẻ khác. Tôi hoàn toàn không muốn con mình nhận bất kỳ sự ưu tiên nào, cũng không thấy mình là một cá nhân cần được hỗ trợ hơn người khác.

Ở một góc độ khác, chính cô giáo lại là người có những lời lẽ không hay về con tôi trước cả lớp khi bé phạm lỗi. Con tôi hiếu động và nghịch ngợm nên tôi hiểu những khi cô bực mình, thậm chí nếu cô có khẻ tay bé, tôi cũng không phàn nàn. Nhưng, quy kết bé không được giáo dục đàng hoàng thì đó là sự xúc phạm và mang tính quy chụp.

Con tôi biết dạ thưa, biết xin lỗi, cảm ơn, biết việc nào là nên hay không nên làm ở lứa tuổi của bé… Và giả sử, nếu một đứa trẻ không chăm học hay thiếu tập trung ở trường cũng hoàn toàn không phải là một đứa trẻ không được giáo dục. Nếu không phải vì cô biết hoàn cảnh của mẹ con như thế, cô có nặng lời như vậy với con tôi không?

Tôi chưa từng nghĩ làm mẹ đơn thân là thiệt thòi, cũng không nghĩ như thế là mình đã làm điều sai trái. Tôi chỉ đi theo con đường mình chọn, làm những gì mình muốn, không gây tổn hại đến người khác, cũng không trái đạo đức và pháp luật. Điều tôi mong muốn duy nhất là mọi người hãy nhìn nhận những gia đình mẹ con đơn thân như mọi gia đình bình thường khác; không thương hại và cũng không chỉ trích.

Chúng tôi không cần được ưu tiên, cũng không muốn bị quy chụp; chỉ muốn được nhìn nhận như mọi gia đình bình thường. Chỉ vậy thôi, là đủ! 

Trần Khoa Yêng Hạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI