Yêu thương là sức mạnh giúp phụ nữ mạnh mẽ hơn

20/10/2021 - 06:10

PNO - Hơn bốn tháng qua, cán bộ, hội viên, phụ nữ ở TPHCM đã không quản nhọc nhằn tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Không ít người trong số đó đã mãi mãi ra đi.

Nhân kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2021), bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - đã dành cho Báo Phụ Nữ TPHCM buổi trò chuyện thân tình về những người mẹ, người vợ và người cán bộ Hội đã can trường như thế nào khi làn sóng COVID-19 thứ tư quét qua thành phố: 
- Trong suốt bốn tháng cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, trên mặt trận nào cũng có bóng dáng các cán bộ, hội viên, phụ nữ các giới. Các chị đã trực tiếp tham gia vận hành chuỗi cung ứng thực phẩm, trang thiết bị y tế, là lực lượng chính đi chợ giúp dân để mọi người được ở yên trong nhà, trực tiếp đứng bếp phục vụ hàng triệu suất ăn cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân trong các khu phong tỏa, cách ly, điều trị COVID-19. 

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - trao học bổng cho trẻ mồ côi vì dịch COVID-19 - ẢNH: DIỄM TRANG
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - trao học bổng cho trẻ mồ côi vì dịch COVID-19 - Ảnh: Diễm Trang

Chúng ta vẫn thường nói “phụ nữ là hậu phương vững chắc cho tuyến đầu”, nhưng trong cuộc chiến chống đại dịch này, chị em không chỉ làm tốt công tác hậu phương mà còn xung phong tham gia ở tuyến đầu, đến nơi nguy hiểm để hỗ trợ cộng đồng, nhiều chị em ở cơ sở đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Đó là sự mất mát to lớn, không gì bù đắp được. Các chị em đã lặng thầm gồng gánh rất nhiều việc, là những chiến sĩ trên tất cả các mặt trận mà vẫn chu toàn nhiệm vụ với gia đình.

Tôi thật sự cảm kích về những đóng góp, hy sinh này của chị em. Ở bất cứ nơi đâu, bất cứ tình huống nào, thời điểm nào, khi thành phố cần, nhân dân cần, chị em đều sẵn sàng tham gia và tham gia tích cực, hiệu quả. Đó chính là sự can trường, mạnh mẽ của phụ nữ chúng ta. 

Phóng viên: Theo bà, điều gì giúp chị em có được sự can trường, mạnh mẽ này?

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân: Theo tôi, sự can trường, mạnh mẽ đó có được từ tố chất trung hậu, đảm đang của phụ nữ Việt Nam, từ chính tinh thần trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng. Và trên hết, sự can trường, mạnh mẽ ấy xuất phát từ chính trái tim yêu thương. Đây chính là sức mạnh nội tại khiến chị em trở nên can trường, mạnh mẽ hơn.

Tiềm ẩn trong mỗi phụ nữ không chỉ tri thức, bản lĩnh, kinh nghiệm sống mà chính là trái tim yêu thương. Tình yêu thương đã khiến các nữ y, bác sĩ, điều dưỡng xông pha tuyến đầu chống dịch, với những đêm thức trắng cùng bệnh nhân. Tình yêu thương đã khiến các cán bộ Hội LHPN lội ruộng cắt từng cọng rau, khuân vác hàng trăm tấn hàng cứu trợ, đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để cung cấp lương thực, để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các biện pháp phòng chống dịch. Tình yêu thương đã khiến nữ cán bộ sau khi khỏi bệnh COVID-19, trên ngực mang mảnh băng tang cha lại lao vào tâm dịch chăm lo người dân, tiếp tế tuyến đầu chống dịch. 

Việc làm của các chị đã cho tôi thấy rằng, chỉ những trái tim thực sự mạnh mẽ mới có đủ can đảm nén nỗi đau của bản thân để yêu thương người khác mà không nghĩ thiệt hơn. Các chị như những người hùng, người truyền cảm hứng cho cộng đồng.

* TPHCM đang từng bước chuyển sang giai đoạn “bình thường mới”. Theo bà, phụ nữ cần phải thích ứng với điều này như thế nào?

- Trạng thái “bình thường mới” là yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao khả năng thích ứng của mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội trước bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn. Trạng thái này đòi hỏi mọi cá nhân, gia đình, cộng đồng, tổ chức phải có tư duy mới, cách làm mới để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế. Trong đó, mỗi hội viên, phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi những thói quen trong sinh hoạt gia đình để bảo vệ gia đình thật sự an toàn.

Thực tiễn cho thấy, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của người dân là điều kiện quan trọng hàng đầu để đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả. Một số hoạt động đang dần trở lại bình thường, nhưng dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn, đòi hỏi các giải pháp kiểm soát chặt chẽ. Trong một vài thời điểm, có thể cần giãn cách xã hội, thậm chí phong tỏa từng bộ phận, khu vực để chống dịch. Do đó, cán bộ, hội viên, phụ nữ cần tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người thân, gia đình tuân thủ nguyên tắc 5K, sử dụng mã khai báo QR và cài đặt các ứng dụng về COVID-19, chủ động đăng ký xét nghiệm, tiêm chủng khi địa phương tổ chức. Đó cũng là cách để chúng ta tự bảo vệ gia đình mình an toàn.

 

Bếp ăn Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM mỗi ngày cung cấ p 400 suất cơm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19 ẢNH: DIỄM TRANG
Bếp ăn Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM mỗi ngày cung cấ p 400 suất cơm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19 Ảnh: Diễm Trang

Khi thực hiện trạng thái “bình thường mới”, chúng ta phải thay đổi những thói quen mang tính truyền thống, hạn chế đến nhà thăm hỏi nhau, hạn chế các buổi họp mặt. Thay vào đó, chị em cần chuyển sang các hình thức khác để thể hiện sự quan tâm, gắn kết nhau. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không quên quan tâm và tham gia các hoạt động vì cộng đồng. Đó có thể là một bữa cơm nóng do các thành viên trong gia đình cùng nấu để trao tặng đến người già neo đơn trong khu phố của mình. Đó có thể là một suất học bổng hoặc một hộp sữa do các thành viên trong gia đình cùng đóng góp để gửi tặng trẻ em mồ côi cha, mẹ do COVID-19… 

Một điều quan trọng nữa là, muốn bảo vệ mình và gia đình, phụ nữ cần có sức khỏe. Các chị cần có điểm tựa từ những người thân yêu. Phụ nữ sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, xinh đẹp hơn khi được yêu thương. Nhân dịp kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam và 11 năm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, tôi xin được gửi lời chúc tất cả phụ nữ TPHCM mạnh khỏe, hạnh phúc, bình an.
* Xin cảm ơn bà! 

Nghi Anh (thực hiện)

Trong tuần qua, lãnh đạo Hội LHPN TPHCM đã tổ chức chín đoàn đi thăm, thắp hương tưởng niệm các cán bộ Hội đã mất do bệnh COVID-19. Trong đại dịch, có 50 cán bộ cấp chi tổ Hội và cơ sở Hội LHPN các cấp ở TPHCM đã mất vì nhiễm bệnh. Trong đó, hầu hết các chị bị bệnh khi tham gia hỗ trợ người dân phòng, chống dịch. Theo bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội LHPN TPHCM, những tổn thất, hy sinh, mất mát này là không gì bù đắp được. 

Bà Lâm Thị Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN TPHCM, cho biết, kỷ niệm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam năm nay (20/10) do ảnh hưởng dịch bệnh nên không có những buổi lễ kỷ niệm long trọng như trước, nhiều cuộc hội họp, thậm chí là Đại hội Đại biểu Phụ nữ các cấp một số nơi phải tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Để tri ân các chị các dì đã mất khi tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19, Hội LHPN TPHCM đã tổ chức các đoàn đến từng nhà thắp hương tưởng niệm, chia sẻ nỗi đau cùng gia quyến.

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI