Xôi khoai mì, ngon không nỡ nuốt

15/03/2022 - 06:22

PNO - Má thấy làn gió lành lạnh tạt ngang ô cửa sổ thì buột miệng: “Giờ có khoai mì, nấu nồi xôi ăn với muối mè là ngon phải biết…”.

Không phải mình má nhớ thương mùi xôi khoai mì thơm lừng trong những ngày lạnh lạnh. Cái món xôi nhà nghèo một thuở, vậy mà đôi khi nhớ da diết không nguôi. Hồi cơm độn khoai mì ấy, má kể đến bữa mở vung nồi cơm, chị Hai chạy tuốt ra sau vườn trốn, vì ngán mùi khoai mì đắng nồng tỏa ra.

Má còn kể, có lần má ăn khoai mì bị ngộ độc nên say, chị Hai bú sữa mẹ cũng say, suýt chết. Cái thời nghèo khổ nó kỳ cục vậy đó, ngọn rau sau vườn cũng khô quắt queo, khoai mì trồng trên đồi thì đắng nuốt không nổi. Sau này, giống khoai mì ngon được trồng khắp làng, mọi người mới được nếm cái vị ngọt bùi, bở thơm của khoai.


Món xôi khoai mì không biết ai sáng chế, chỉ biết rằng hồi ấy, khoai mì hấp cơm ngoài việc cắt miếng còn được bào nhỏ, nấu chung với gạo. Cơm chín, sợi khoai mì bở khô, quyện trong hạt cơm, ăn cũng dễ. Rồi người ta nấu xôi, nhà đông con mà ít gạo nếp, vậy là món xôi khoai mì ra đời. Ngày đó, được ăn món xôi độn khoai mì là… sang phải biết. 

Má nói gạo nếp lúc đó khó trồng, năng suất kém, nên hiếm người trồng. Gạo nếp giá cũng đắt đỏ hơn gạo thường. Nhưng hôm nào chẳng có thức gì đưa cơm, má muốn đổi bữa, sẽ nấu nồi xôi khoai mì ăn với muối mè. Món xôi độn khoai mì thời đói nghèo giờ đã thành đặc sản.

Tôi nhớ cảm giác hồ hởi khi ngồi góc bếp nhìn má bào khoai mì. Chiếc bào được ba làm từ vỏ lon sữa, dùng mũi dao phay đục thành những lỗ hình thoi. Khoai mì lúc bào qua những lỗ hình thoi ấy sẽ có từng sợi dài. 
Khoai mì bào xong, má sẽ ngâm qua nước một lúc rồi vớt ra để ráo mới đem trộn với nếp đã ngâm mềm. Nắm lá dứa hái sau vườn được má rửa sạch, cột thành hai nắm. Má dùng nồi nấu cơm hằng ngày để hông xôi. Má thả nắm lá dứa vào nồi, rồi đặt vào miếng rế lót nồi được rửa sạch, sau đó đổ nước vào nồi, nhưng không được ngập miếng rế. Cuối cùng má mới bỏ vào liếp tre ba đã đan sẵn chuyên dùng để hông xôi. Xong xuôi, má đổ nếp đã ngâm mềm trộn với khoai mì lên liếp tre, thả vào nắm lá dứa trên mặt. Má ra sau vườn, cắt ngọn lá chuối đậy lên miệng nồi trước khi đậy kín nắp. 

Trong lúc chờ xôi chín, má bắc thang lên gác, lấy xuống mấy lon đậu phụng. Mấy đứa con ngồi quanh chiếc mủng nơi góc bếp bóc vỏ đậu phụng. Nồi xôi chín, má thường vần bên bếp than, để cho hạt xôi thêm mềm và mướt. Đám than trong bếp đang độ đỏ rực, má bắc chảo lên, rang đậu vàng giòn. Đợi đậu nguội bớt, chị Hai sẽ đem mủng đậu rang ra sau hè, chà đi lớp vỏ lụa, rồi đem giã nhỏ, trộn vào xíu muối với đường là xong món muối mè. 

Đến bữa, má múc phần mỗi người một chén xôi, chấm với muối đậu. Chén xôi thơm lừng hương nếp, hương khoai mì, quyện trong hương lá dứa ngọt lịm, thoang thoảng mùi lá chuối, mùi tre nứa thanh lành. Hạt xôi trong vắt, dẻo quẹo. Sợi khoai mì trắng trong, bở tơi mềm ngọt. Chấm miếng xôi với chút muối mè, vị mặn ngọt béo bùi trộn lẫn trong khoang miệng, ngon không nỡ nuốt.

Bây giờ, thỉnh thoảng tôi cũng nấu một nồi xôi khoai mì, nhưng cái vị ngọt bùi và tâm trạng hồ hởi, sao bằng được lúc xưa má nấu. 

Lê Ngọc Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI