Xét xử ông Đinh La Thăng: Từ cuộc điện thoại của cựu Bộ trưởng đến phiên đấu giá nhanh như chớp

17/12/2020 - 14:47

PNO - Tại tòa, cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GT-VT) Đinh La Thăng nhất mực nói không hề có bất cứ tác động nào để Út “trọc” được tham gia mua quyền thu phí tuyến đường cao tốc. Nhưng đang có những lời khai khác... không ủng hộ lời khai của ông.

Dương Tuấn Minh - cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long - đã khai với cơ quan điều tra về cuộc gọi của cựu Bộ trưởng Đinh La Thăng. Tại phiên tòa sáng 17/12, bị cáo Dương Tuấn Minh xác nhận thêm cuộc gọi này diễn ra vào khoảng tháng 2/2012. Trong cuộc điện thoại này, ông Đinh La Thăng (khi đó là Bộ trưởng Bộ GT-VT - cơ quan chủ sở hữu của Tổng công ty Cửu Long) đã giới thiệu ông Minh gặp đại diện Tổng công ty Thái Sơn - thuộc Bộ Quốc phòng.

Hai lần gặp nhau với Út “trọc”

Vài ngày sau cuộc gọi của ông Đinh La Thăng, Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc") đến gặp ông Minh tại văn phòng Tổng công ty  Cửu Long.  Bị cáo Minh khai, nội dung cuộc trao đổi giữa 2 người xoay quanh 2 vấn đề: ông Đinh Ngọc Hệ muốn tham gia vào xây dựng công trình cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống và muốn ông Minh giúp vay vốn ngân hàng để tham gia một dự án mà Bộ GT-VT dự kiến giao cho ông Đinh Ngọc Hệ.

Ông Dương Tuấn Minh khẳng định đã từ chối thẳng 2 đề nghị này của Út "trọc" vì dự án tuyến đường nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống phải thi công theo công nghệ cao, ngay cả nhiều nhà thầu tiếng tăm tại Việt Nam cũng không đảm đương nổi. Còn chuyện hỗ trợ vay vốn thì ông Minh không quen với ngân hàng đó.

Ông Đinh La Thăng bước vào phiên tòa sáng 17/12/2020
Ông Đinh La Thăng bước vào phiên tòa sáng 17/12/2020

Sau lần đầu tiên vào tháng 3/2012, ông Minh và Út “trọc” còn gặp nhau lần thứ 2 vào cuối năm 2012. Lần này, Đinh Ngọc Hệ cũng tiếp tục đề nghị được tham gia dự án tuyến đường cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống nhưng bị lần nữa cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long từ chối. Tuy nhiên lần gặp này, Út “trọc” đã may mắn khi chính vị Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long mở lời trước về cơ hội mua quyền thu phí tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương. Phản ứng của Út “trọc” lúc đó, theo lời khai của bị cáo Dương Tuấn Minh là: “Ông Đinh Ngọc Hệ bảo phải xem xét vì chưa biết giá cả thế nào”.

Sau đó, Công ty Yên Khánh do Út “trọc” thành lập đã thành công trong cuộc bán đấu giá quyền thu phí đường cao tốc trong thời gian rất nhanh, thậm chí bản cam kết mua quyền thu phí đã được phía Yên Khánh... in sẵn khi mang theo đến buổi đấu giá vào ngày 15/11/2013.

Liên quan đến cựu Bộ trưởng Bộ GT-VT, để bảo vệ thân chủ của mình, luật sư của ông Đinh La Thăng xin công bố lời khai của ông N.X.A - người từng là thư ký của ông Thăng, bác bỏ lời khai của bà Dương Thị Trâm Anh - cựu Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long - rằng ông A. đã từng gọi cho bà giới thiệu Út “trọc” để tham gia mua quyền thu phí cao tốc.

Trả lời câu hỏi của luật sư về chứng cứ nào để bà khai chi tiết trên, bị cáo Trâm Anh nói: “Ông A. gọi cho tôi bằng số điện thoại lạ. Tôi sơ ý không ghi lại số máy đó. Còn cuộc gọi là giữa tôi và ông A. biết, nếu ông A. từ chối thì tôi cũng không biết làm sao cả”.

Vào sáng 16/12, khi chủ tọa phiên tòa xét hỏi bị cáo Đinh La Thăng về việc có hay không từng gọi điện thoại cho bị cáo Dương Tuấn Minh, ông Thăng cho biết ông và đối tượng này có hàng chục cuộc gọi với nhau, với tính chất trao đổi công việc giữa cấp trên và cấp dưới.

Khi chủ tọa yêu cầu ông Thăng xác nhận có gọi hay không, không cần đề cập đến nội dung trao đổi, ông Đinh La Thăng trả lời "Có". 

Riêng Út “trọc” - Đinh Ngọc Hệ, trước tòa sáng 17/12, vẫn phủ nhận có sự giúp đỡ của ông Đinh La Thăng khi mua được quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương. Đinh Ngọc Hệ khai chỉ biết đến đề án mua quyền thu phí này khi xem ti vi, cụ thể là qua chương trình của kênh VTV1. Út "trọc" cũng khai chỉ sử dụng duy nhất một số điện thoại. 

Phiên đấu giá nhanh như... chớp

Trong những ngày xử qua, vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa nhận định phiên đấu giá bán quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương là phiên đấu giá vô cùng kỳ lạ, vì chỉ có 1 đơn vị tham gia và diễn ra trong thời gian nhanh chóng vánh. Vậy nhưng, phần trả lời của các bị cáo - vốn là những lãnh đạo của Tổng công ty Cửu Long - thì nhất mực cho rằng đó là quy trình "rất rất bình thường, không hề có gì bất thường cả".

Theo đó, phiên đấu giá bán quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương diễn ra vào lúc 15 giờ ngày 15/11/2013. Người điều hành phiên đấu giá này không ai khác chính là Dương Tuấn Minh - được cựu Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường ký ủy quyền để điều hành đấu giá.

Út trọc Đinh Ngọc Hệ tại phiên tòa sáng 17/12/2020
Út "trọc" Đinh Ngọc Hệ tại phiên tòa sáng 17/12/2020

Để chuẩn bị cho sự kiện này, sáng ngày 15/11/2013, Dương Tuấn Minh yêu cầu cấp dưới kiểm tra lại các thủ tục để tiến hành đấu giá và được báo cáo: Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An (cả 2 đều của Đinh Ngọc Hệ) chưa nộp khoản tiền đặt trước theo quy định nên cựu Thứ trưởng Trường chưa thể ký giấy mời 2 công ty này đến tham gia đấu giá.

Ngay lập tức, Minh chỉ đạo cấp dưới soạn thảo gấp để Minh ký giấy mời số 4120/CIPM-ĐT ngày 15/11/2013, đóng dấu Tổng công ty Cửu Long (theo quy định Hội đồng chỉ được sử dụng con dấu Bộ GT-VT) mời Công ty Yên Khánh tham gia đấu giá, không ký giấy mời Công ty Khánh An, dù lúc này chưa biết công ty nào trong số 2 công ty trên sẽ nộp khoản tiền đặt trước để tổ chức buổi bán đấu giá.

Phía Công ty Yên Khánh của Đinh Ngọc Hệ, như đã biết trước, lúc 14 giờ ngày 15/12, đã có đại diện mang giấy ủy quyền có mặt ngay tại văn phòng Tổng công ty Cửu Long và xuất trình khoản tiền đặt trước giá trị 21 tỷ đồng. Đại diện Công ty Khánh An không xuất hiện.

Một giờ sau đó, mặc dù chỉ có đại diện của Công ty Yên Khánh có mặt, nhưng Dương Tuấn Minh vẫn cho tiến hành phiên đấu giá. Tổ thường trực giúp việc phát phiếu trả giá có đóng dấu treo của Tổng công ty Cửu Long cho người tham gia đấu giá. Rất gọn lẹ, đại diện Công ty Yên Khánh trả giá ngay bằng giá khởi điểm là 2.004 tỷ đồng. Sau đó, phía Yên Khánh xuất trình luôn văn bản chấp thuận mua tài sản là quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương với giá 2.004 tỷ đồng do Vũ Thị Hoan, đại diện theo pháp luật Công ty Yên Khánh ký.

Từ thành công này, Út "trọc" đã thực hiện trót lọt việc kê khống giá thu phí cao tốc, bỏ túi riêng 725 tỷ đồng sau gần 5 năm.

Bị cáo Nguyễn Hồng Trường - cựu Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải tại phiên tòa sáng 17/12/2020
Bị cáo Nguyễn Hồng Trường - cựu Thứ trưởng Bộ GT-VT tại phiên tòa sáng 17/12/2020

Đây là điều bất thường mà chủ tọa phiên tòa nhận định: phía Công ty Yên Khánh đã chuẩn bị sẵn văn bản chấp thuận mua khi đến phiên đấu giá.

Cơ quan điều tra xác định vào ngày 20/11/2013, cựu Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường ký Quyết định số 3743/QĐ- BGTVT phê duyệt kết quả Công ty Yên Khánh trúng đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TPHCM  - Trung Lương với giá 2.004.153.000.000 đồng. Khi ký, bị cáo Nguyễn Hồng Trường biết tại phiên đấu giá chỉ có duy nhất Công ty Yên Khánh tham gia. Quyết định này có gửi cho Đinh La Thăng để báo cáo.

Hiếu Nguyễn - Hoài An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI