Xâm hại tác quyền tranh: Tiếng nói họa sĩ quá yếu ớt

20/05/2019 - 06:52

PNO - Khi việc 7 hoạ sĩ đồng lên tiếng về việc tranh của mình bị sao chép để in lên áo dài chưa kịp lắng xuống, hoạ sĩ Hà Hùng Dũng phát hiện tranh của mình bị sao chép để trang trí cho một khách sạn tại Sa Pa.

Theo hoạ sĩ Hà Hùng Dũng, hơn chục bức tranh của anh đã bị một nhóm thực hiện tranh vẽ tường tại Hà Nội sao chép để trang trí cho một nhà hàng, khách sạn nổi tiếng tại Sa Pa, Lào Cai. Các tác phẩm sao chép này cũng được nhóm người trên ngang nhiên dùng để quảng cáo công khai trên mạng xã hội.    

Xam hai tac quyen tranh: Tieng noi hoa si qua yeu ot
Tranh của Hà Hùng Dũng bị sử dụng để trang trí cho một nhà hàng, khách sạn lớn tại Sa Pa. 

Trước đó, hoạ sĩ Bùi Trọng Dư phát hiện bức Ao sen được anh sáng tác từ năm 2011 bị một công ty in vải áo dài sử dụng và quảng cáo công khai trên website, mạng xã hội.

Từ sự phát hiện của hoạ sĩ Bùi Trọng Dư, nhiều hoạ sĩ đã vào cuộc rà soát và  có đến 7 hoạ sĩ khác cũng bị xâm phạm bản quyền tranh tương tự, gồm: Lâm Đức Mạnh, Ngụy Đình Hà và Nguyễn Thu Huyền (cùng ngụ tại Hà Nội), Nguyễn Quý Tâm, Nguyễn Đăng Sơn, Lê Phan Quốc (cùng ngụ tại Huế) và Phan Linh Bảo Hạnh sống tại Bình Dương. Ngoài những bức tranh được chép nguyên bản và in lên vải áo dài, một số khác bị cắt, ghép chồng chéo lên nhau khiến các nghệ sĩ vô cùng bức xúc.

Xam hai tac quyen tranh: Tieng noi hoa si qua yeu ot
Tranh của Bùi Trọng Dư được sử dụng in hoạ tiết lên vải áo dài.

Không hề ngoa khi cho rằng nạn xâm hại bản quyền thật sự là căn bệnh trầm kha trong làng hội hoạ Việt Nam mà nguyên nhân một phần do tiếng nói của hoạ sĩ quá yếu ớt trong việc bảo vệ sản phẩm do chính họ tạo ra. 

Lý giải về vấn đề này, hoạ sĩ Phạm An Hải cho biết: “Điều này xuất phát từ đặc tính chung của người làm nghệ thuật, không thích va chạm, không muốn dính đến kiện tụng, pháp luật... Cũng chính vì thế, vấn đề tác quyền tranh từ trước đến nay vẫn bị xem nhẹ. Người ta cứ vô tư sao chép, trong khi tiếng nói hoạ sĩ lại yếu ớt”. 

Xam hai tac quyen tranh: Tieng noi hoa si qua yeu ot
Hoạ sĩ Phạm An Hải.

Trên trang cá nhân, khi sự việc được chia sẻ công khai, Hà Hùng Dũng cho biết sẽ mạnh dạn làm cho ra lẽ, nhờ báo chí và luật sư vào cuộc. Tuy nhiên, khi liên hệ trực tiếp với hoạ sĩ, anh lại bày tỏ sự bối rối khi lần đầu tiên dính đến vụ việc như thế nên không biết bắt đầu từ đâu. Hà Hùng Dũng cũng cho biết chưa suy tính đến phương hướng giải quyết cụ thể cho vấn đề này. Khi đề cập đến việc đã có luật hiện hành, anh cũng chỉ ngao ngán cho rằng khó được bảo vệ đúng mức nên có thể đành chịu.

Trong lĩnh vực phim ảnh, âm nhạc, đã có những trường hợp vi phạm tác quyền được làm “ra ngô ra khoai” để làm gương. Tuy nhiên, với lĩnh vực hội hoạ trong những năm qua vẫn chưa có người đi đầu đủ mạnh mẽ, kiên quyết. Phần lớn khi vụ việc xảy ra, các hoạ sĩ chỉ lên tiếng để nguôi cơn giận, chứ chưa quyết liệt, rốt ráo.

Năm 2016, làng mỹ thuật Việt Nam đón nhận một tin không mấy vui vẻ khi 17 bức tranh trong triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu (được giới thiệu là tác phẩm của các danh họa thuộc thế hệ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương 1924 - 1945) đều là tranh giả. Thời điểm đó, hoạ sĩ Thành Chương cũng lên tiếng để xác minh là tác giả của một bức tranh được ký tên Tạ Tỵ. Nhưng sự đấu tranh này vẫn chưa ngã ngũ thì đã nhanh chóng rơi vào quên lãng.            

Tháng 8/2017, việc một người mua phải 5 bức tranh giả được sao chép từ tranh của Phạm An Hải, Trần Lưu Hậu... cũng gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, ngoài việc lên tiếng trên mặt truyền thông thì hầu như các hoạ sĩ không có thêm bất kỳ động thái cứng rắn nào để bảo vệ tác quyền. Tương tự,  tháng 3/2018, hoạ sĩ Đặng Tiến phát hiện một số bức tranh của mình bị sao chép và rao bán công khai trên một trang web. Nhưng mọi việc cũng chỉ dừng lại ở những phát ngôn trên mặt báo bày tỏ sự bất bình. Việc đấu tranh để đòi quyền lợi về tác quyền vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Xam hai tac quyen tranh: Tieng noi hoa si qua yeu ot
Hoạ sĩ Đặng Tiến.

Gần đây nhất, vụ các hoạ sĩ đồng loạt nhờ luật sư can thiệp khi bị các cơ sở in hoa văn áo dài ngang nhiên sử dụng tranh nhưng không xin phép được xem là động thái hiếm hoi bày tỏ sức mạnh về chuyện tác quyền. Tuy nhiên, sự việc này đi đâu về đâu vẫn sẽ là một dấu hỏi lớn. Bởi khi một số cơ sở lên tiếng xin lỗi công khai, sự việc lại có xu hướng đang bị “chìm xuồng”. Văn hoá ứng xử “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại” khiến vấn nạn xâm phạm bản quyền tranh ung dung tồn tại. Khi tư duy này chưa thay đổi cũng sẽ thật khó để vấn đề tác quyền được nhìn nhận đúng đắn, chặt chẽ. 

“Đặc tính văn hoá ứng xử của người Việt trước nay cũng ảnh hưởng nhiều đến câu chuyện này. Khi bất kỳ sự việc nào xảy ra, chỉ một lời xin lỗi là xem như được hợp thức hoá. Các đơn vị kinh doanh sẵn sàng làm điều này, còn nghệ sĩ lại hay có thói quen chín bỏ làm mười, dễ dàng cho qua chuyện. Từ những điều nhỏ, chúng ta không kiên quyết ắt hẳn chuyện sao chép, đạo nhái này sẽ còn diễn ra liên tục. Chúng ta vẫn chưa có một trường hợp nào đủ cho thấy sự kiên quyết, đủ cho thấy mức phạt nặng để răn đe”, hoạ sĩ Phạm An Hải chia sẻ.

Mặt khác, việc giới hoạ sĩ ít chịu lên tiếng trước vấn nạn xâm phạm bản quyền cũng xuất phát từ thực tế nhiều năm qua. Hoạ sĩ Hà Hùng Dũng, Phạm An Hải, Thành Chương… đều có chung nhận định rằng việc bảo vệ quyền lợi cho giới hoạ sĩ vẫn còn bị xem nhẹ, lỏng lẻo. Chính vì thế, họ không đủ tin tưởng để đưa sự việc đi đến cùng bởi được vạ, hoặc có thể chưa được vạ thì má đã sưng. 

Hoạ sĩ Thành Chương chia sẻ: “Vụ nhái tranh, xâm phạm tác quyền, thay cả tên họa sĩ, tôi đã bắt tận tay, có nhân chứng, vật chứng đầy đủ, đã viết đơn tố cáo ngay sau đó. Một hội đồng nghệ thuật thẩm định cũng đã được thành lập... Vậy mà kết quả cuối cùng vẫn là con số 0. Và nhiều sự việc cũng nhanh chóng bị xem nhẹ, quên lãng. Vì thế, người trong cuộc chỉ muốn buông xuôi. Vẫn muốn có tiếng nói để bảo vệ tác phẩm nhưng thực tế đã khiến chúng tôi không đủ kiên trì và cũng không đủ lòng tin nữa”. Vì thế, tiếng nói của giới hoạ sĩ vốn đã yếu lại càng yếu hơn. 

Xam hai tac quyen tranh: Tieng noi hoa si qua yeu ot
Hoạ sĩ Thành Chương

Tâm lý ngại va chạm, mức phạt chưa đủ nặng... vấn đề bản quyền tranh ảnh tại Việt Nam còn nhiều bất cập từ nhiều phía. Và như thế câu chuyện này sẽ không chỉ dừng lại ở Hà Hùng Dũng, Bùi Trọng Dư... 

Thuỵ Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI