Vượt nghịch cảnh theo đuổi đam mê

28/05/2025 - 06:47

PNO - Sinh ra không được may mắn lành lặn như bao người, lại có cuộc sống khó khăn, nhưng họ vẫn cố gắng vươn lên để tự nuôi sống bản thân, theo đuổi đam mê và đạt được nhiều thành tích. Đó là 2 nữ vận động viên thể thao người khuyết tật Biện Thị Chung và chị Nguyễn Thị Mỹ Nang.

Làm gì cũng nỗ lực đến cùng

Đã 22 năm kể từ buổi đầu tiên đặt chân đến TPHCM, đến nay, mỗi ngày của chị Biện Thị Chung luôn bắt đầu từ 5g hôm nay đến hơn 1g hôm sau. Bán vé số tới chiều, chị vào trung tâm văn hóa thể thao quận Tân Bình tập cử tạ, bắn cung. Sau 20g đêm, kết thúc việc tập luyện, chị lại rong ruổi bán vé số. Vất vả là vậy, song chị vẫn kiên trì giương cung, nâng tạ, quyết tâm theo đuổi thể thao thành tích cao. Chị Chung chia sẻ: “Bây giờ có xe lắc điện nên đi lại đỡ cực chứ trước kia tôi gồng xe lăn tay. Đuối lắm, nhưng tôi tự dặn mình, làm gì cũng phải nỗ lực đến cùng”.

Chị Biện Thị Chung
Chị Biện Thị Chung

Lớn lên trong nghèo khó, chị Chung bị khuyết tật đôi chân do di chứng sốt bại liệt. Năm 2003, chị theo những người hàng xóm rời quê nhà Bình Định vào TPHCM. Trên đường mưu sinh, tình cờ gặp người đồng hương, đồng cảnh, cùng bán vé số và là vận động viên môn cử tạ, chị tò mò, bởi nghĩ thể thao chỉ dành cho người khỏe mạnh.

Một lần đến sân vận động Thống Nhất coi bạn thi đấu, chị được huấn luyện viên Đặng Văn Phúc của đội tuyển điền kinh người khuyết tật hỏi thăm, động viên. Dù cuối năm 2004 mới chính thức tập trung luyện tập, nhưng ngay ở giải đấu đầu tiên tham gia - giải thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2005 tổ chức ở Hà Nội, với 3 môn phối hợp là ném lao - đẩy tạ - ném đĩa, chị đã giành được 1 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng.

Đến năm 2007, tại Đại hội Văn hóa thể thao người khuyết tật toàn quốc được tổ chức tại Huế, chị Chung “ẵm” trọn 3 Huy chương Vàng 3 môn ném lao - đẩy tạ - ném đĩa phối hợp. Riêng môn đua xe lăn đường trường, chị lọt vào tốp 3 người về đầu ở cự li 5km nữ. Chị Chung nhớ lại: “Bà con lối xóm không biết tôi chơi thể thao. Đoàn đua xe lăn được truyền hình trực tiếp, mọi người rất bất ngờ. Chính mẹ tôi cũng bối rối vì cả xóm đều gọi bà sang nhà coi ti vi vì “có con Chung trên đó”. Tôi thực sự hạnh phúc khi được làm việc, được theo đuổi đam mê, và hơn hết được góp phần thay đổi cái nhìn của mọi người về người khuyết tật”.

Năm nay chị Chung đã 59 tuổi. Vào năm 2021, chị chuyển sang thi đấu môn bắn cung, cử tạ để phù hợp sức khỏe. Thời gian qua, chị vẫn đang miệt mài tập luyện chuẩn bị cho các giải đấu năm nay. Chị nói, điều tiếc nuối nhất là chưa thể góp mặt ở sân chơi khu vực và thế giới do chấn thương cơ vai, phải điều trị phục hồi lâu dài.

Chồng chị Chung qua đời từ năm 2021 vì bạo bệnh. Con gái chị đang học lớp Mười hai. Hiện, khu nhà trọ nhỏ nằm trên đường Trần Đình Xu, khu phố 2, phường Cầu Kho, quận 1 là nơi 2 mẹ con và hơn 20 người bạn đồng cảnh sinh sống. Tất cả đều đi bán vé số. Chị Chung là người tìm kiếm nơi trọ, nhận vé số từ đại lý với trung bình 3.000 tờ/ngày để chia cho mọi người cùng bán. Biết địa chỉ nào phát cơm từ thiện, chị cũng xin về cho mọi người.

Chị tâm sự: “Tại TPHCM, tôi đã nhận được rất nhiều sự sẻ chia, hỗ trợ. Hồi tôi mới vô đội điền kinh, thầy Phúc cho mượn 33 triệu đồng để tôi thuê nguyên căn nhà cho anh em khuyết tật cùng ở, mua sắm vật dụng và nhận vé số bán. Gần 15 năm sau tôi mới trả hết nợ, nhưng thầy chưa bao giờ nhắc, thậm chí mỗi lần tôi trả góp thầy đều dúi lại phần nhiều, bảo để lo cho anh em. Chuyển qua nhiều nơi trọ, chúng tôi vẫn đang đùm bọc nhau như một gia đình lớn”.

An vui sau nhiều chông gai

Đầu năm 2008, Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (Asean Para Games) lần thứ tư diễn ra tại Thái Lan. Nữ vận động viên đội tuyển bơi lội người khuyết tật Việt Nam Nguyễn Thị Mỹ Nang (21 tuổi) đã tạo “cơn địa chấn” với 3 Huy chương Vàng ở cả 3 nội dung thi đấu là 50m ngửa, 50m và 100m ếch.

Khi ban tổ chức chọn ngẫu nhiên kiểm tra doping chị mới biết mình đang mang thai con gái đầu lòng. Ký ức hạnh phúc đến nay vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí chị. Chị nói, đường đua xanh không chỉ dựng chị đứng dậy để chống chọi với số phận khắc nghiệt mà còn mang đến cho mình những cuộc gặp gỡ vô giá với những con người tử tế.

Hội LHPN phường Trung Mỹ Tây, quận 12 quan tâm, hỗ trợ gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ Nang (bìa phải)
Hội LHPN phường Trung Mỹ Tây, quận 12 quan tâm, hỗ trợ gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ Nang (bìa phải)

Chị Nang quê ở Tiền Giang. Hồi nhỏ, cơn sốt bại liệt đã cướp mất đôi chân của chị. Năm 2005, chị lên TPHCM với dự định sẽ phẫu thuật để đi lại được. Tuy ước mơ ấy không thành, nhưng chuyến đi cũng đã mở ra bước ngoặt mới cho cuộc đời chị. Ông Trần Hoàng Minh - người tạo dựng ngôi nhà Mùa Xuân, nơi cưu mang, tạo việc làm cho người khuyết tật - đã đón nhận chị và động viên chị theo đuổi môn bơi lội.

Nhà chị Nang nằm cạnh bến sông, mùa nước nổi thường bị ngập. Cha mẹ làm ruộng, làm rẫy. 2 đứa em đi học. Vì lo Nang ở nhà gặp nguy hiểm nên cha chị đã chặt bè chuối, kiếm can nhựa dạy con bơi. Nhờ đó mà khi ông Minh đưa chị đến trung tâm văn hóa thể thao quận Tân Bình bơi thử, huấn luyện viên Đổng Quốc Cường - người phụ trách đội tuyển bơi lội người khuyết tật TPHCM và cả đội tuyển quốc gia - đã nhìn thấy tiềm năng ở chị.

Vậy là, đều đặn mỗi ngày tại ngôi nhà Mùa Xuân, chị Nang học đan thổ cẩm, làm sản phẩm từ hạt cườm, đến 16g lại đi tập bơi. Không phụ lòng những người dìu dắt, năm 2005, lần đầu tiên dự giải thể thao người khuyết tật toàn quốc 2005, Nang đoạt Huy chương Bạc nội dung 50m ếch. Đến năm 2006, chị góp mặt tại Đại hội Thể thao người khuyết tật khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đem về cho đoàn Việt Nam tấm Huy chương Bạc nội dung 50m ếch. Trải qua 20 năm bền bỉ theo đuổi đường đua xanh, hiện chị Nang đã sở hữu bộ sưu tập huy chương đáng ngưỡng mộ.

Đến nay, chị cũng có tổ ấm nhỏ hạnh phúc cùng chồng và 2 con. Con gái lớn của chị hiện ở quê với ông bà ngoại, con trai út đang học lớp Bốn. Gia đình nhỏ tá túc tại khu trọ ở phường Trung Mỹ Tây, quận 12. Bên cạnh sự nghiệp thể thao, chị Nang còn miệt mài đan lát, kết cườm, đánh máy văn bản, kiểm đếm hàng và làm công nhân may. Chồng chị đi giao nước lọc. Sau 2 lần sinh mổ, sức khỏe giảm sút, chị dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, bán vé số kiếm sống và hằng năm đều đặn tham gia các giải đấu trong nước.

Mấy năm nay, Hội LHPN phường Trung Mỹ Tây, quận 12 dành nhiều sự quan tâm đến gia đình chị Nang. Tháng 11/2024, hội đã tặng chị chiếc xe lắc tay phục vụ việc đi lại. Chị Nang cho biết, với chị việc gặp gỡ chị em và được hội phụ nữ thường xuyên chăm lo là nguồn động viên vô giá. “Lúc trước, vì không có vốn nên tôi toàn lấy vé số kiểu trả góp. Hiện tại, cuộc sống gia đình tôi đã bớt chật vật. Các phụ huynh trong lớp con trai tôi thường góp tiền hỗ trợ đóng học phí cho cháu. Hội phụ nữ thì tặng cháu tập, ba lô. Các cô cũng hay mua vé số giúp. Thời gian này, tôi đang tập trung chuẩn bị cho giải bơi toàn quốc năm nay” - chị Nang tâm tình.

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI