Mẹ “khá” giúp mẹ “khó” vượt qua nỗi cơ cực

09/05/2025 - 06:33

PNO - “Được các bà mẹ khác giúp đỡ, hỗ trợ, mẹ con tôi đã nhẹ gánh phần nào, bớt vất vả hơn trước. Cháu được đi học, được chăm sóc, là niềm hạnh phúc và cũng là sự động viên to lớn để tôi cố gắng mỗi ngày” - bà Lê Thị Mỹ Thu bày tỏ.

Những người mẹ đơn thân vất vả

Trong dãy nhà trọ chật hẹp trên đường Trần Thị Trọng khu phố 17, phường 15, quận Tân Bình, bà Lê Thị Mỹ Thu (50 tuổi) ngồi lặng lẽ. Dáng người gầy guộc, khuôn mặt sạm nắng, mái tóc lấm tấm bạc rũ xuống đôi vai gầy, bà cặm cụi lặt rau, ánh mắt lo toan hướng về nồi thịt kho đang sôi trên bếp.

Ngồi bên bà, cậu con trai Lê Trần Anh Huy (13 tuổi) trong bộ quần áo đã phai màu đang chăm chú đọc từng câu quyển sách giáo khoa lớp Hai. Bà Thu bảo, năm nay, lẽ ra Huy phải học lớp Bảy. Do suốt những năm qua, bà không đủ điều kiện về kinh tế, sống tha phương cầu thực khắp nơi, nên con không được đến trường.

Chị Hà Thị Dịu Quỳnh (bìa trái) - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 17, phường 15, quận Tân Bình - đến phòng trọ dạy cho con trai bà Lê Thị Mỹ Thu học chữ
Chị Hà Thị Dịu Quỳnh (bìa trái) - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 17, phường 15, quận Tân Bình - đến phòng trọ dạy cho con trai bà Lê Thị Mỹ Thu học chữ

Bà Thu quê ở Bến Tre. Năm 2016, vợ chồng bà cùng các con lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Không người thân thích, không chỗ nương tựa, gia đình bà lang bạt khắp nơi, gặp việc thì ở lại làm, thiếu thốn lại tìm đường đi tiếp. Rồi chồng bà lặng lẽ bỏ đi không một lời từ biệt. Kể từ đó, bà đơn độc nuôi con, gánh vác mọi lo toan.

Cái nghèo cứ bám riết, khiến giấc mơ đến trường của cháu Huy ngày càng trở nên xa vời. “Con nó cũng ham học lắm, nhưng biết làm sao được, bữa đói bữa no thế này... Mỗi ngày nhìn con lủi thủi trong căn phòng, ngại ngùng không dám giao tiếp, tôi xót xa vô cùng” - bà Thu nghẹn ngào.

6 tháng trước, mẹ con bà Thu chuyển về phường 15, quận Tân Bình sinh sống trong căn phòng trọ 10m². 19g, trên chiếc xe đạp cũ, bà bắt đầu len lỏi khắp các phố phường để nhặt ve chai, đến 2g sáng mới trở về. Chợp mắt một chút, bà lại dậy lo cơm nước cho con, rồi tiếp tục đi bán vé số. Thu nhập từ 2 công việc khoảng 150.000-200.000 đồng mỗi ngày nên mẹ con bà phải tằn tiện, 2-3 ngày mới mua chút thịt cho con, còn bà thì có gì ăn nấy.

Những ngày được kha khá, bà dành dụm để đóng tiền trọ. Điều bà mong mỏi nhất là con trai có thể đến trường, được vui chơi, sống khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Còn những vất vả, cực nhọc, bà xin gánh hết.

Ở tuổi 19, Nguyễn Gia Tường Vy trở thành mẹ đơn thân. Sinh ra và lớn lên tại Bình Thuận, từ nhỏ, Vy đã sống cùng bà ngoại trong cảnh nghèo khó và sớm phải bươn chải đi bán vé số để kiếm sống. Biến cố ập đến khi em tròn 18 tuổi: Vy bị xâm hại trên đường mưu sinh và mang thai ngoài ý muốn.

Cha mẹ ruột của Vy cùng em trai vào TPHCM làm thuê kiếm sống từ nhiều năm nay. Khi biết tin con gái gặp chuyện, họ đã về đón Vy vào để tiện chăm sóc. Con của Vy nay đã được 10 tháng tuổi, nhưng cô gái trẻ chưa từng được chuẩn bị cho vai trò làm mẹ nên chặng đường phía trước vẫn đầy thử thách. 5 thành viên trong gia đình chen chúc trong căn phòng trọ.

Cuộc sống càng thêm bấp bênh khi mẹ của Vy - bà Nguyễn Thị Kim Liên (49 tuổi) - mất sức lao động vì biến chứng tiểu đường. Cách đây 5 năm, bà phải cắt bỏ 1 chân, mỗi tuần phải chạy thận 3 lần để duy trì sự sống. Cha Vy chạy xe ba gác, thu nhập bấp bênh. Em trai Vy làm công nhân với đồng lương ít ỏi.

“Con gái tôi còn khờ lắm, không lanh lẹ như người ta. Làm mẹ rồi mà vẫn chưa biết cách chăm con. Thành ra, dù đi lại khó khăn, tôi vẫn phải vừa làm bà ngoại, vừa làm mẹ của đứa nhỏ. Khó khăn ngày một chồng chất” - bà Liên cho hay.

Sẻ chia từ những người mẹ khá

Hơn 1 năm trước, chị Hà Thị Dịu Quỳnh - 38 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 17, phường 15, quận Tân Bình - bước vào hành trình làm mẹ bỉm. Khi con được vài tháng tuổi, trở lại với công việc hội và hoàn cảnh của em Nguyễn Gia Tường Vy khiến chị trăn trở. Nghe kể về những khó khăn của cô bé, nhìn cô loay hoay với đứa con thơ, chị Quỳnh càng thêm thấu hiểu về sự nhọc nhằn của những người mẹ đơn thân.

Từ sự đồng cảm ấy, chị quyết tâm xây dựng mô hình “Trái tim người mẹ” - một nơi mà những người mẹ có điều kiện khá hơn có thể chung tay hỗ trợ những người mẹ kém may mắn. “Tôi nhận ra rằng, dù vất vả nhưng tôi vẫn may mắn hơn nhiều người. “Trái tim người mẹ” dù chỉ mới hình thành nhưng mô hình này đã lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, trở thành điểm tựa cho nhiều bà mẹ đơn thân” - chị Quỳnh chia sẻ.

Các thành viên mô hình “Trái tim người mẹ” đến thăm hỏi, động viên gia đình em Nguyễn Gia Tường Vy
Các thành viên mô hình “Trái tim người mẹ” đến thăm hỏi, động viên gia đình em Nguyễn Gia Tường Vy

“Trái tim người mẹ” hiện có 5 thành viên, là những người mẹ có cuộc sống ổn định hơn, đều ở độ tuổi 40, có người là viên chức, có người kinh doanh tự do và đều đã trải qua hành trình làm mẹ vất vả nên thấu hiểu và sẵn sàng giúp đỡ những bà mẹ đơn thân khác. Việc tiếp cận những người mẹ đơn thân không hề dễ dàng. Nhiều người e dè, ngại chia sẻ về hoàn cảnh của mình. Nhưng với sự kiên trì, chân thành của chị Quỳnh, họ cuối cùng cũng mở lòng.

Trước mắt, nhóm đặt mục tiêu hỗ trợ theo từng quý, mỗi quý 800.000 đồng. Nhưng trên thực tế, các thành viên luôn duy trì sự giúp đỡ thường xuyên, thậm chí có tháng trao quà đến 2-3 lần. Sự hỗ trợ cũng được linh hoạt điều chỉnh để phù hợp và thiết thực nhất với từng hoàn cảnh. Chẳng hạn, với gia đình bà Thu, nhóm ưu tiên tặng gạo, mì, thịt, trứng, sách vở cho 2 mẹ con, kèm theo một khoản tiền mặt để trang trải chi phí sinh hoạt. Còn với em Tường Vy, sự giúp đỡ tập trung vào các nhu yếu phẩm cho cháu bé như tã, sữa, thức ăn dặm… nhằm đảm bảo cháu được chăm sóc tốt hơn.

Không chỉ hỗ trợ vật chất và tinh thần cho các bà mẹ đơn thân, chị Quỳnh và nhóm còn dành sự quan tâm đặc biệt đến những đứa trẻ thiệt thòi. Chị chia sẻ, nhiều em nhỏ là con của lao động nhập cư, sống trong những khu trọ, thiếu thốn điều kiện học tập, có em chưa từng được đến trường. Trăn trở trước thực trạng đó, chị quyết định đến tận nhà, kiên trì dạy chữ, hướng dẫn các em tập đọc, tập viết, làm toán. Chị Quỳnh dự định sẽ mở một lớp học tình thương và đã chuẩn bị đầy đủ bàn ghế, sách vở, đồ dùng học tập. Khâu cuối - xin phép chính quyền mở lớp - cũng đang được tiến hành.

Để xây dựng nguồn hỗ trợ bền vững cho các bà mẹ đơn thân, chị Quỳnh tận dụng mạng xã hội và các hội nhóm để kêu gọi các mạnh thường quân đồng hành. Chị hy vọng về lâu dài có thể kết nối thêm nhiều người mẹ có điều kiện tham gia, lan tỏa sự sẻ chia và giúp đỡ được nhiều bà mẹ đơn thân có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Là mẹ của 2 con, chị Nguyễn Thị Thúy - 44 tuổi, nhân viên kế toán, là một trong những người đồng hành cùng chị Quỳnh từ những ngày đầu thành lập mô hình “Trái tim người mẹ” - luôn dành tình yêu đặc biệt cho trẻ nhỏ. Khi biết đến mô hình này, chị như tìm thấy một phần của chính mình trong đó. Vì vậy, khi chị Quỳnh ngỏ lời mời, chị Thúy đã đồng ý tham gia mà không do dự.

Theo chị Thúy, làm mẹ ai cũng mong con mình có một cuộc sống đủ đầy, nhưng không phải ai cũng may mắn có được. Khi biết trong khu phố có những người mẹ đơn thân đang chật vật mưu sinh, chị hiểu rằng mình không thể đứng ngoài. Việc tham gia mô hình chính là cách để chị đóng góp một phần nhỏ bé không chỉ về vật chất mà còn là sự đồng hành, yêu thương và động viên tinh thần đến các mẹ khó khăn.

“Đôi khi, một hộp sữa, một bó rau, vài quả trứng hay vài giờ trò chuyện, một cái ôm cũng có thể mang lại hy vọng lớn lao cho một người mẹ đơn thân đang khó khăn. Tôi mong mô hình không dừng lại ở khu phố 17 mà sẽ được nhân rộng ra nhiều nơi, để không người mẹ đơn thân nào phải cảm thấy lẻ loi trên hành trình nuôi con” - chị Thúy chia sẻ.

Bà Phạm Thị Mỹ Linh - Chủ tịch Hội LHPN phường 15, quận Tân Bình - đánh giá, mô hình “Trái tim người mẹ” đã thực sự lan tỏa tinh thần nhân văn, sẻ chia và hỗ trợ kịp thời đến các mẹ đơn thân. Hy vọng trong thời gian tới, mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng, thu hút sự tham gia của đông đảo hội viên và những phụ nữ có điều kiện kinh tế, cùng chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh yếu thế.

Ngọc Trăm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI