Lớp học đặc biệt của chị chi hội trưởng

19/05/2025 - 15:16

PNO - Lớp hoạt động theo hình thức các trạm: Sáng tạo, Vui vẻ, Sức khỏe, Văn hóa đọc, Hạnh phúc, Thoải mái…

Trước chung cư Tôn Thất Đạm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 có một lớp học đặc biệt dành cho trẻ em. Lớp do chị Lê Thị Kim Hạnh - 45 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 1, phường Nguyễn Thái Bình - tổ chức từ năm 2021, hoạt động vào cuối tuần và dịp hè.

Lớp hoạt động theo hình thức các trạm: Sáng tạo, Vui vẻ, Sức khỏe, Văn hóa đọc, Hạnh phúc, Thoải mái… Mỗi tuần 1 chủ đề và được xoay tua thường xuyên khiến các bạn nhỏ không thấy chán. Trạm Sáng tạo là nơi các em được chị Hạnh hướng dẫn vẽ tranh, ghép vải vụn may dây buộc tóc, tái chế rác thải thành những vật dụng phục vụ học tập như hộp bút, đèn bàn, bình hoa.

Chị Lê Thị Kim Hạnh (bìa phải) cùng cán bộ hội viên khu phố 1,  phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 nhận rác tái chế đổi quà cho trẻ em
Chị Lê Thị Kim Hạnh (bìa phải) cùng cán bộ hội viên khu phố 1, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 nhận rác tái chế đổi quà cho trẻ em

Với trạm Sức khỏe, chị mời huấn luyện viên đến dạy các em những động tác yoga cơ bản, kèm theo hướng dẫn chăm sóc bản thân bằng những mẩu chuyện ngắn dí dỏm. Trạm Văn hóa đọc bao gồm những đầu sách, truyện tranh mà chị xin được từ bạn bè rồi mang về bày lên bàn ngồi đọc cùng trẻ. Trạm Thoải mái nghĩa là trẻ mang chai nhựa ra đổi lấy bánh kẹo, dây buộc tóc, quần áo… tùy nhu cầu. Có những cuối tuần, nhất là dịp nghỉ hè, chị Hạnh còn dạy trẻ làm quen với kim chỉ, thiết kế thiệp tặng cha mẹ, trang trí heo đất, chơi trò chơi vận động ngoài công viên…

Nói về cơ duyên mở lớp học, chị Hạnh tâm sự: “Những ngày không tới lớp, đặc biệt là dịp hè, tôi thấy các cháu chỉ cắm mặt vào điện thoại, thật sự lãng phí thời gian và cũng không tốt cho sức khỏe tinh thần. Muốn kích thích sự sáng tạo và giúp các cháu có những trải nghiệm vui vẻ như tuổi thơ mình đã từng, tôi quyết định mở lớp. Đồ dùng phục vụ cho lớp hầu hết là sản phẩm tái chế nên chẳng mấy tốn kém, chủ yếu là tâm sức mình và bạn bè bỏ ra. Bản thân tôi rất thích làm các sản phẩm thủ công, lại thêm được chị em từ phường xuống khu phố đồng hành nên việc vận hành lớp không gặp khó. Thấy các trạm thu hút trẻ, nhiều phụ huynh còn dắt con tới gửi cho các cháu trải nghiệm”.

Chị Hạnh làm nhân viên tư vấn bảo hiểm, kiếm thêm bằng việc bán cà phê lúc sáng sớm trước cửa chung cư. Cách đây mấy năm, 2 chị em Quỳnh Như (15 tuổi) và Như Quỳnh (10 tuổi) thường tha thẩn chơi quanh xe cà phê của chị, các em mau mắn tranh phần bưng trà cho khách. Chị Hạnh bối rối khi bị khách quở: “Con còn nhỏ xíu, sao không cho đi học?”.

Chị em Quỳnh Như sống với bà ngoại và cậu tại căn gác thuê trong chung cư, không được đến trường như bạn đồng trang lứa. Thương 2 đứa trẻ, chị Hạnh mua tập, bút rồi tranh thủ quãng vắng khách ngồi chỉ các em tập viết, tập đọc. Chị cũng hướng dẫn Quỳnh Như cách pha chế đồ uống và gần gũi trò chuyện để tìm hiểu xem 2 em có nguyện vọng nghề nghiệp gì. Quỳnh Như rất thương em gái. Mỗi lần chị Hạnh mở trạm, cô bé lại dắt em xuống tham gia, vừa học chữ, học kỹ năng, vừa lựa những bộ quần áo, những dây buộc tóc đẹp nhất cho em.

Quỳnh Như khoe: “Học với cô Hạnh rất vui. Em biết đọc hết bảng chữ cái và các phép tính rồi. Cô cũng hay cho tiền để em bỏ ống heo, tới tết mua đồ tặng bà ngoại. Ước mơ của em là theo nghề gội đầu, làm tóc, làm móng. Cô Hạnh nói chừng em đủ tuổi cô sẽ đưa tới tiệm của một cô trong khu phố nhờ dạy nghề”.

Trong khi dạy bọn trẻ những chữ cái vỡ lòng, chị Hạnh cố gắng ngoại giao để xin cho các em học chữ. Tháng 9/2024, chị đã xin cho chị em Quỳnh Như vào học tại lớp tình thương Cầu Hàn (quận 7, TPHCM). Chị cho biết, chị luôn tin, dù cuộc sống khó khăn đến đâu nhưng nếu có tình yêu thương và sự sẻ chia thì mọi thứ đều sẽ trở nên tốt đẹp.

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI