Vụ phụ huynh tố con bị đánh ở trường quốc tế: Cuộc "cuồng sát" của cộng đồng mạng

29/05/2022 - 18:22

PNO - Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) bị cộng đồng mạng "đánh 1 sao" chỉ vì bị nhầm tưởng là ngôi trường xảy ra vụ bạo lực học đường.

 

Trường quốc tế American Academy (ISHCMC-AA) - nơi xảy ra vụ bạo lực học đường đang gây xôn xao
Trường quốc tế American Academy (ISHCMC-AA) - nơi xảy ra vụ bạo lực học đường đang gây xôn xao

Sau khi câu chuyện bạo lực học đường liên quan đến con gái của bà Trần Hà Thuỷ xôn xao dư luận, thu hút rất lớn lượng người theo dõi, trong 2 ngày 28 và 29/5, nhiều người rủ nhau vào "đánh 1 sao" cho ngôi trường được ca sĩ này nhắc đến. Đây cũng là lời kêu gọi của ca sĩ này, để "đòi lại công bằng" cho nạn nhân.

Sẽ không có gì đáng nói nếu như trong cơn phẫn nộ ấy, nhiều người không ùa vào fanpage của Trường Đại học Quốc tế (thuộc trường Đại học Quốc gia TPHCM) - một ngôi trường không hề liên quan đến vụ việc để bình luận, chỉ trích và "thực thi công lý". Sự "vạ lây" này đơn giản chỉ vì tên trường na ná với chữ "trường quốc tế" trong lời tường thuật của bà Trần Hà Thuỷ.

Đây không phải là lần đầu tiên cộng đồng mạng "say máu" đấu tranh. Diễn viên Minh Tiệp từng than trời không thấu khi bỗng dưng một ngày, anh bị dân mạng chửi rủa, chỉ trích chỉ vì trùng tên với BTV Minh Tiệp - người khi ấy đang dính vào một cuộc ồn ào. Ca sĩ Trà My Idol cũng một phen khốn đốn với cuộc "trở thành phiên toà" của cộng đồng mạng khi bị cho là đã có phát biểu không hay quanh vụ nghệ sĩ Trịnh Kim Chi kêu gọi từ thiện ủng hộ diễn viên Thương Tín. Kỳ thực, người lên tiếng cũng là Trà My, nhưng đó là một Trà My khác...

Trường đại học Quốc tế nhận hàng loạt đánh giá 1 sao và bình luận tiêu cực do bị nhầm với Trường quốc tế ISHCMC
Trường đại học Quốc tế nhận hàng loạt đánh giá 1 sao và bình luận tiêu cực do bị nhầm với Trường quốc tế ISHCMC

Ở ngay vụ việc phụ huynh Trần Hà Thuỷ tố con gái bị bạn đánh tại trường học đang gây xôn xao, cũng đã cho thấy được cuộc "lên đồng" mất kiểm soát của "quan toà mạng", không chỉ ở sự kiện Trường Đại học Quốc tế bị "đánh 1 sao". Phụ huynh Trần Hà Thuỷ cho biết khi chị vào phòng (trong trường) để hỏi "thủ phạm" vì sao lại đánh con mình, liền bị trường kiên quyết mời ra ngoài. Phụ huynh này đánh đồng điều đó với sự bao che, vì chị tiếp cận nữ sinh ấy với thái độ rất ôn hoà. Nhận định này đã khiến nhiều người ngay lập tức đồng cảm, dẫn đến một cuộc quy chụp về sự "bao che" của trường đối với "thủ phạm", rồi từ đó kéo theo rất nhiều suy diễn: phụ huynh của nữ sinh đó "có thế lực nên trường bao che", "có lẽ trước đó đã có tiếng "ting ting" chuyển khoản từ nhà đấy đến lãnh đạo trường"...

Thực tế thì, với quy trình xử lý chuẩn khi xảy ra va chạm, điều đầu tiên trường học bắt buộc phải thực hiện là ngăn sự tiếp cận của một đối tượng không phải phụ huynh đối với trẻ. Điều này không chỉ vì nữ sinh này là trẻ vị thành niên, mọi sự tiếp cận đều phải được sự cho phép của người giám hộ hợp pháp, mà còn vì sự tiếp cận này rất dễ gây ra những diễn biến không mong muốn, nhất là khi cảm xúc giữa các bên đang bị chi phối bởi rất nhiều thông tin và chi tiết tiêu cực lẫn chưa rõ ràng. 

Vụ việc đã được trình báo công an, nhà trường đúng hay sai hoặc vô trách nhiệm đến đâu, cần phải có thời gian và thêm nhiều chi tiết để xác định. Thế nhưng, với nhiều người, trường học này đã bị kết án.

Mạng xã hội thời gian qua đã cho thấy vai trò của mình trong đời sống cộng đồng, thế nhưng, bên cạnh những nhìn nhận thấu đáo và có chừng mực, vẫn còn một bộ phận không nhỏ thiếu kiềm chế, thậm chí là "auto chửi". Sẽ chẳng có công lý nào hiện diện nếu không muốn nói là sẽ tạo ra một cuộc bất công và thêm nạn nhân trong công cuộc "cuồng sát" này. Góp tiếng nói lên án sự bất công là điều rất cần thiết để xã hội phát triển, nhưng bên cạnh trái tim nóng ấy cần một cái đầu tỉnh táo! 

Bích Ngọc (TPHCM)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI