Vụ bé trai 6 tuổi bị bảo vệ dân phố sát hại: Hung thủ có khả năng bị tâm thần phân liệt

28/11/2017 - 19:43

PNO - Liên quan đến hành vi sát hại cháu bé 6 tuổi ở quận Tân Phú, các bác sĩ tâm thần nhận định hành vi này cho thấy khả năng hung thủ bị tâm thần phân liệt thuộc loại nặng.

Chỉ có kẻ tâm thần mới giết người mà vẫn ung dung

Theo thông tin ban đầu, bảo vệ dân phố Hoàng Nhất Giang (28 tuổi, ngụ phường 5, quận 11, TP.HCM) sau khi sát hại cháu bé 6 tuổi tại quận Tân Phú đã về lại chốt dân phòng và ngồi ở đó. Một bác sĩ ở Bệnh viện Trưng Vương điều trị vết thương cho hung thủ cho biết, người này đến cấp cứu tại đây vào khoảng 13h45 ngày 26/11 trong bộ đồ dân phòng, mặt bê bết máu.

Vụ bé trai 6 tuỏi bị bảo vẹ dan phó sát hại: Hung thủ có khả nang bị tam thàn phan liẹt
Hung thủ Giang sau khi gây án

Khi bác sĩ hỏi, hung thủ chỉ nói qua loa "không sao hết". Bác sĩ này ghi rõ tình trạng của Hoàng Nhất Giang lúc đó: “Giãn đồng tử 4mm và thị lực bóng bàn tay". Bệnh nhân không bị loạn thần do ngáo đá vì sẽ không có tình trạng đồng tử một mắt bình thường, mắt kia bị giãn. Mặt khác, nếu ngáo đá, tình trạng loạn thần cấp kéo dài ít nhất đến 12 giờ đồng hồ, trong khi hung thủ nhanh chóng trở về trạng thái bình thưởng sau khi gây án.

Lời khai của hung thủ tại cơ quan điều tra cho biết trong thời gian gần đây, Giang liên tục nghe thấy tiếng bé trai 6 tuổi chửi rủa mình là "đồ ăn cắp, đồ độc ác". Vì thế, Giang ra tay sát hại cháu bé để không nghe tiếng chửi rủa nữa.

Trao đổi với báo Phụ Nữ TP.HCM, bác sĩ Trần Minh Khuyên - Trưởng phòng khám Tâm thần quận 3 (TP.HCM) khẳng định, với những tình tiết ban đầu như vậy, rất nhiều khả năng hung thủ là một bệnh nhân tâm thần phân liệt.

“Tình tiết giết người xong,  hung thủ ung dung ngồi đó và giết một cháu bé không thù oán gì với mình là những dấu hiệu rất rõ hành vi của một người bị tâm thần phân liệt. Họ ra tay sát hại nạn nhân trong tình trạng bị hoang tưởng và bị kích thích vì những tiếng nói trong đầu (ảo thanh) và những hình thù kỳ dị (ảo thị). Cụ thể, hung thủ có thể bị bệnh tâm thần phân liệt thể hoang tưởng, mã kí hiệu F20.0”, bác sĩ Khuyên nhận định.

Vụ bé trai 6 tuỏi bị bảo vẹ dan phó sát hại: Hung thủ có khả nang bị tam thàn phan liẹt
Hiện trường nơi Giang ra tay sát hại bé trai rồi sau đó quay trở lại chốt dân phòng ung dung ngồi làm việc

Một bác sĩ tâm thần khẳng định với hành vi sát hại cháu bé 6 tuổi dã man như vậy, có thể hung thủ sẽ phải đi chữa bị bắt buộc tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 (Biên Hòa, Đồng Nai) suốt đời.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho biết theo điều 21, Bộ Luật hình sự 2015: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Tuy nhiên, điều 49 Bộ Luật hình sự 2015 cũng quy định rõ: “Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của Bộ luật này, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh”.

Còn theo luật sư Nguyễn Đức Chánh – hãng luật Đức Chánh, theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Bộ luật Hình sự 1999 thì: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.”.

Vụ bé trai 6 tuỏi bị bảo vẹ dan phó sát hại: Hung thủ có khả nang bị tam thàn phan liẹt
Chốt dân phòng nơi Giang làm việc rất gần nhà bé trai. Trước đó, hung thủ từng rất thân thiết và hay mua quà bánh cho bé trai 6 tuổi

Như vậy, nếu Giang khi thực hiện hành vi giết cháu bé đang trong trạng thái bị bệnh tâm thần nên mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi mà mình đã thực hiện. Còn nếu Giang không bị tâm thần hoặc dùng chất kích thích khi thực hiện hành vi phạm tội thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Tội giết" người theo Điều 93 BLHS 1999.

Trong trường hợp Giang bị tâm thần thì vấn đề đặt ra là tại sao một người bị tâm thần lại được bầu làm Bảo vệ dân phố?

Theo quy định tại 3 Điều 8 Nghị định 38/2006 của Chính phủ về điều kiện, tiêu chuẩn của Bảo vệ dân phố là: “1/ Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, cư trú ổn định tại địa bàn. 2/ Có lý lịch rõ ràng, bản thân và gia đình gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. 3/ Có sức khỏe, có điều kiện, nhiệt tình và tự nguyện tham gia các hoạt động xã hội; am hiểu pháp luật và phải được bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo vệ an ninh, trật tự. 4/ Không có tiền án, tiền sự, không phải là người đang chấp hành hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo, quản chế hình sự hoặc đang chấp hành một trong các biện pháp xử lý hành chính khác. 5/ Quan hệ tốt với nhân dân, được quần chúng tín nhiệm và được nhân dân trong cụm dân cư giới thiệu, bầu ra”.

Cũng theo quy định tại khoản 4 Mục V Thông tư liên tịch số 02/2007/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC thì: “Không đưa vào lực lượng Bảo vệ dân phố những người không đủ năng lực hành vi.” Nhưng các quy định nêu trên không có quy định cụ thể về sức khỏe hay về tiền sử bệnh án của ứng viên Bảo vệ dân phố. Trường hợp của Giang là điển hình nên việc quy trách nhiệm khá mơ hồ.

Theo quy định tại Điều 3 NĐ 38/2006/NĐ-CP thì Bảo vệ dân phố chịu sự lãnh đạo toàn diện của Đảng uỷ phường, sự giám sát của Hội đồng nhân dân phường, sự quản lý điều hành của Ủy ban nhân dân phường và sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp công tác của Công an phường. Trưởng Công an phường có trách nhiệm tổ chức việc bầu Trưởng ban, Phó Trưởng ban, tổ trưởng và các tổ viên Bảo vệ dân phố và đề nghị Ủy ban nhân dân phường quyết định công nhận các chức danh trên.

Vì vậy theo luật sư Chánh, cần làm rõ trách nhiệm của những cá nhân có liên quan trực tiếp trong công tác bầu Ban bảo vệ dân phố đối với ông Giang. Nếu xác định được có hành vi thiếu trách nhiệm thì cần truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 285 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) do đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Chiều 28/11, một bác sĩ tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho biết có hồ sơ bệnh án của một bệnh nhân có tên và địa chỉ giống với Hoàng Nhất Giang nhưng độ tuổi chỉ là 27 đang được lưu trữ tại đây.

Bệnh án này cho thấy bệnh nhân bị tâm thần phân liệt, đã được điều trị nội trú 3 tháng tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM. Bác sĩ này không dám chắc đây có phải là bệnh án của hung thủ sát hại cháu bé hay không vì độ tuổi chênh lệnh nhau là 27 và 28 tuổi. Bệnh nhân tâm thần có thể có những cơn xung động về hành vi bất cứ lúc nào, và hành vi của họ có thể do hoang tưởng và ảo thanh chi phối. Không ai biết trước được khi nào họ ra tay.

Nếu bị bệnh tâm thần, người bệnh phải điều trị và uống thuốc suốt đời. Chỉ trong những trường hợp quậy phá vì lên cơn kích động, những mới bị đưa đi chữa trị tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM. Bệnh nhân tâm thần phân liệt được điều trị ngoại trú, được phòng khám tâm thần tại quận, huyện lập hồ sơ quản lý. Thông thường, mỗi tháng một lần, người bệnh sẽ đến khám và nhận thuốc điều trị.

Có một số dấu hiệu cảnh báo để người dân có thể tự đề phòng trước một người nghi bị bệnh tâm thần như: biểu hiện cáu gắt, bực bội, chửi bới, đập phá đồ đạc, la hét, nói lảm nhảm. Khi người bệnh tâm thần nói chuyện một mình chính là đang bị ảo thanh, họ đang nói chuyện, trả lời, chửi bới với tiếng nói đang văng vẳng bên tai.

Hiếu Nguyễn – Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI