Vô tư ngâm món ăn 'nhà làm' trong chất bảo quản

06/10/2017 - 08:09

PNO - Nhiều món ăn vặt “nhà làm” được rao là “không hóa chất”, nhưng thực tế, chúng lại “được” ngâm tẩm chất bảo quản, với liều lượng rất... vô tư, trong đó có cả chất bị
cấm dùng.

Vo tu ngam mon an 'nha lam' trong chat bao quan
Các món ăn vặt này luôn giữ được màu sắc, mùi vị nhờ "chất bảo quản tự nhiên"

Nata MU được rao bán rầm rộ là “chất bảo quản tự nhiên”. Trang web của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu hóa chất Việt Mỹ (viết tắt là CT Việt Mỹ, ở Q.8, TP.HCM) nêu: Nata MU là chất bảo quản tự nhiên, có tác dụng ngăn chặn và diệt các loại vi khuẩn, nấm men, nấm mốc, vi sinh vật gây hại trong thịt nên có thể dùng trong chế biến chả lụa, chả cá, nem, xúc xích, các loại mứt, bánh kẹo, tương cà, tương ớt; các sản phẩm chế biến từ sữa, nước rong biển, thạch rau câu, trà, cà phê, mì ăn liền. Với nước mắm, nước tương, xoài, cóc và tai heo ngâm, Nata MU có tác dụng ổn định độ pH, giữ màu, chống hư hỏng. 

Nội dung quảng cáo “quá hớp” này tràn ngập các trang facebook, website mua sắm, được nhiều người làm sản phẩm “sạch” dò hỏi, đặt mua. Theo lời rao trên trang web, chúng tôi đến CT Việt Mỹ và CT cổ phần Phát triển khoa học công nghệ Mỹ Úc (Q.Tân Bình) để tìm hiểu chất bảo quản đang “hot” này.

Người bán tại CT Việt Mỹ chào hàng bằng một túi giấy bạc, nhãn sản phẩm ghi: “Phụ gia thực phẩm cao cấp Nata MU 03, thành phần gồm hỗn hợp chất bảo quản tự nhiên dùng làm chất bảo quản, ổn định và kéo dài thời gian sử dụng, ngăn chặn sự phát triển của vi sinh vật… theo thông tư 27/2012/TT-BYT”. Nhân viên CT này khẳng định: “Bảo quản rau câu, thạch dừa, xoài cóc ngâm hay chả lụa, nem, xúc xích đều được. Do là chất bảo quản tự nhiên nên khi sử dụng, có thể ghi “không sử dụng chất bảo quản”. 

Vo tu ngam mon an 'nha lam' trong chat bao quan
Nata MU được công ty Việt Mỹ chào bán

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện có nhiều dòng chất bảo quản mang tên Nata  MU, đánh số từ 01 đến 07, mỗi loại được dùng cho từng nhóm sản phẩm tương ứng. Thực tế, một số loại đã bị Bộ Y tế cấm sử dụng, như Nata MU 02 và 05 (dùng cho sản phẩm từ thịt). Riêng Nata MU 03 dùng cho rau câu, bún... và không được phép dùng cho thịt.

Nhưng ở nhiều nơi, một số nhân viên đã tư vấn Nata MU 03 có thể dùng bảo quản sản phẩm làm từ thịt như nem, chả lụa, chả cá. Có nhân viên còn tư vấn, hàm lượng ghi trên bao bì từ 0,3 – 10 g/kg sản phẩm, nhưng nếu muốn kéo dài thời gian bảo quản thì có thể sử dụng hàm lượng nhiều hơn(?!).

Tiến sĩ  Phan Thế Đồng - khoa Khoa học công nghệ, Trường đại học Hoa Sen - cho biết, các thành phần này có khả năng ức chế vi khuẩn, nhưng ảnh hưởng đến các thành phần trong thịt, sinh ra những chất không có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng hoặc làm mất chất dinh dưỡng trong thực phẩm.

Chất bảo quản nói chung, nếu dùng vượt quá hàm lượng cho phép hoặc dùng sai mục đích, sẽ rất nguy hại. Ví dụ, chất bảo quản khi kết hợp với những thực phẩm có tính a-xít sẽ tạo nên chất độc hại làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu cấp, nếu dùng quá hàm lượng, sẽ tạo thành chất có khả năng gây ung thư. 

Theo Ban An toàn thực phẩm TP.HCM, về việc ghi nhãn, chỉ được ghi “tự nhiên” và “tổng hợp” đối với hương và màu, hoàn toàn không có cụm từ “chất bảo quản tự nhiên” hay “chất bảo quản tổng hợp”. Nata MU thì không thể gọi là “chất bảo quản tự nhiên” mà phải gọi là phụ gia thực phẩm.

Bên cạnh đó, trên bao bì sản phẩm của hai CT trên đều ghi cụm từ: “thành phần gồm chất bảo quản tự nhiên (E234, E235, E262i)”, trong khi E234, E235 là chất bảo quản còn E262i là chất điều vị. Tất cả sản phẩm sử dụng phụ gia đều phải kê khai thành phần trên nhãn hàng hóa; nếu sử dụng mà không kê khai rõ ràng, sẽ bị xử phạt. 

Hàm lượng chất bảo quản vượt gấp hai lần 

Tại sạp Hồng (chợ Kim Biên, Q.5), người bán giới thiệu sản phẩm Nata MU 03 rồi cho biết: “Mấy mặt hàng ngâm như tai heo, chân gà, nho, cóc, xoài, dưa chua, rau câu, bánh plan, chỉ hai, ba ngày là nổi nhớt. Nếu không dùng chất bảo quản này chắc lỗ sặc gạch”. Chúng tôi khảo sát các điểm bán đồ ngâm “nhà làm”, tất cả đều khẳng định, dung dịch ngâm món nho Lào muối ớt chỉ có đường, cam thảo, không sử dụng chất bảo quản, để một, hai tháng cũng không đổi vị. 

Thế nhưng, trước đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM (nay là Ban An toàn thực phẩm TP.HCM) đã từng kiểm nghiệm nho Lào muối ớt với kết quả: 5/5 mẫu đang bán có hàm lượng chất bảo quản gấp hai lần mức cho phép. 


Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI