Vợ tôi dùng "chiêu" ở nhà sinh con để... không phải đi làm

10/06/2022 - 09:01

PNO - Tạo ra xung quanh cô ấy một môi trường năng động từ những người bạn, người quen... để cô ấy bị cuốn vào, kích thích sự tự ái của bản thân.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Tôi và vợ cưới nhau đã được sáu năm. Ngay từ ngày yêu nhau, tôi đã biết cô ấy là con gái út trong nhà, tính tình nhõng nhẽo, quen được nuông chiều, nhưng được cái hiền hiền, không hay đòi hỏi, sợ cãi cọ. Vì vậy tôi cũng yên tâm, nghĩ rằng với tính cách như thế, vợ chồng sẽ không mâu thuẫn gì.

Lấy nhau chưa được bao lâu thì vợ tôi sinh con. Cô ấy ở nhà luôn, xin nghỉ việc hẳn để dưỡng thai, rồi chăm con. Thời gian ở nhà chăm con, tôi thấy cô ấy trở nên cáu gắt, hay kêu than mệt mỏi. Tôi sợ cô ấy bị trầm cảm sau sinh, tôi nói cô ấy tìm người chăm con giúp để đi làm. Mục đích của tôi là muốn cô ấy ra ngoài, tiếp xúc, va chạm, ganh đua chút ít với đời để có động lực sống.

Nhưng cô ấy bảo là người yếu, đi làm chịu không nổi áp lực, để thêm thời gian nữa. Lương tôi làm một tháng cũng được 45 triệu, đủ nuôi gia đình, nên tôi cũng không đặt nặng vấn đề kinh tế lên vai cô ấy. 

Chưa kịp gì thì nghe cô ấy thông báo có bầu nữa. Thôi thì lỡ rồi, tôi nghĩ cũng tại tôi, nên an ủi cô ấy ráng ở nhà thêm thời gian, chăm hai con cứng cáp rồi đi làm. Ai dè, sau đứa thứ hai, cô ấy cũng vẫn không chịu đi làm.

Ở nhà, nhưng cô ấy không yên tâm, lúc nào cũng than vãn là mình xấu, mình xồ xề, mình gái hai lửa. Cô ấy luôn tra gạn, dò xét tôi khi tôi đi làm. Nhà cách chỗ làm hơn chục cây số, nhưng cô ấy bắt tôi phải về ăn cơm trưa. Đi làm chiều về kẹt xe, trễ chừng nửa tiếng là cô ấy gọi cháy máy.

Hôm qua, tôi tình cờ nghe cô ấy than với mẹ vợ tôi là cứ bị tôi kêu đi làm hoài. Nói là tôi không thương cô ấy. Là tôi tham lam, tính toán, muốn cô ấy phải kiếm tiền, dù biết là cô ấy yếu đuối, thua thiệt người ngoài. Chừng đó, tôi nghe mẹ cô ấy nói cô ấy: "Có gì mà khó, con cứ áp dụng chiêu trước: đẻ tiếp đứa con nữa là xong".

Cô ấy kêu trời kêu đất, nói rằng có phải gà vịt đâu mà đẻ hoài. Mà rồi đông con quá, làm sao nuôi. Mẹ vợ tôi thản nhiên nói: "Nhiều con thì nó phải cố gắng mà cày thêm, chứ bây giờ mẹ thấy nó còn rảnh, còn thời gian đi cà phê, tụ tâp bạn bè đấy". Tôi nghe chuyện của vợ và mẹ vợ mà... bó tay luôn.

Phải làm sao để vợ tôi tỉnh ra mà hòa nhập cuộc sống? Làm sao để vợ tôi đừng nghe những lời khuyên tào lao? Tôi vô cùng mệt mỏi với vợ, con, nay còn thêm mẹ vợ. Làm sao sống nổi hả chị?

Mạnh Tường

Anh Mạnh Tường thân mến,

Quả là một câu hỏi khó, anh Mạnh Tường ạ. Làm sao để vợ anh hòa nhập cuộc sống, để vợ anh tự tin và bớt nghi ngờ ghen tuông linh tinh, để vợ anh không ngồi trong một góc nhà mà nghe những lời khuyên lệch lạc của người khác? Chỉ có một cách là động viên cô ấy bước ra ngoài cuộc sống, lắng nghe, quan sát, thử thách, va chạm và... chiến đấu với cuộc sống. Thế nhưng đó lại là những điều khiến cô ấy sợ hãi nhất.

Thứ nhất, có lẽ vì cô ấy là con út, được bảo bọc, che chở, nâng niu, giữ gìn từ bé. Những điều đó đã khiến cô ấy trở thành một bông hồng không có gai. Cô ấy không thể tự bảo vệ mình được, luôn yếu ớt, co cụm và nương nhờ vào người khác. Cô ấy tìm mọi cách né tránh những khó khăn bằng cách nấp sau lưng cha mẹ, anh chị. Và giờ là nấp sau lưng anh.

Thứ hai, thời gian sinh đẻ, nuôi con ở nhà càng làm tăng thêm cảm giác sợ hãi đối mặt với cuộc sống của cô ấy. Nó vừa là do sự yếu ớt của tâm lý, vừa do sự yếu ớt của thể chất. 

Thứ ba, cô ấy được người nhà đồng tình, ủng hộ, chỉ vẽ cô ấy cách để trốn tránh nhiều hơn, mang đến cho cô ấy nhiều cái nhìn, quan niệm, suy nghĩ lệch lạc hơn.

Với một người vợ như cô ấy, anh sẽ luôn luôn mệt mỏi vì cô ấy không phải là người đồng cam cộng khổ, người chia sẻ khó khăn, người chung đường, dìu nhau cùng bước, đỡ cho nhau trong lúc hoạn nạn khó khăn.

Nhưng điều đó chưa quan trọng bằng việc cô ấy khó có thể là một người mẹ có thể mang đến những suy nghĩ tích cực, sức sống mạnh mẽ, năng lượng dồi dào cho các con của anh được. Đó mới chính là điều đáng nguy hiểm nhất.

Phân tích như thế không phải để anh thêm chán nản, mệt mỏi và khó chịu. Mà để anh hiểu ra các nguyên nhân, nhìn thấy trước những điều không hay mà tìm mọi cách giúp đỡ cô ấy. Anh cần nói cho cô ấy hiểu để thay đổi bản thân, trước khi những người phải làm chỗ nương tựa cho cô ấy - mà trước tiên hết là chính anh - sẽ có lúc cảm thấy quá sức, mệt mỏi.

Để thay đổi được cô ấy, có lẽ anh phải từ từ, kiên nhẫn, hãy đưa cô ấy ra ngoài nhiều hơn, dù chỉ là đi ăn, đi chơi, đi họp mặt bạn bè, đi cà phê với nhóm này nhóm kia. Tạo cho cô ấy càng nhiều khả năng va chạm tiếp xúc càng tốt. Có thể động viên cô ấy đi học này học kia thêm, cũng được. Anh hãy tìm những khả năng, điểm mạnh, sự thích thú, ham mê của cô ấy và tìm cách phát huy điều đó. 

Hạnh Dung thấy nhiều phụ nữ bây giờ ở nhà, nhưng họ nấu ăn, thêu thùa, may vá, làm những mặt hàng bán online... và rất hạnh phúc, vui vẻ với điều đó. Bởi công việc mang đến cho họ niềm vui, sự tự tin vào bản thân, và những tiếp xúc va chạm theo một cách mới. Em thử nghiên cứu hướng đi này xem sao?

Bên cạnh đó, em nên tìm cách trò chuyện với gia đình, người thân, cũng nên để cho mọi người hiểu gánh nặng em phải mang vác một mình, và nhờ mọi người ủng hộ tinh thần của cô ấy tự khẳng định bản thân mình. Tạo ra xung quanh cô ấy một môi trường năng động từ những người bạn, người quen, người họ hàng... để cô ấy bị cuốn vào, bị kích thích sự tự ái của bản thân.

Hãy cố gắng hết sức mình, kể cả tạo ra những cú sốc cần thiết, kiểu như vờ thông báo rằng thu nhập giảm, rằng đời sống sẽ khó khăn hơn để tăng thêm động lực, khiến cô ấy buộc phải thay đổi bản thân mà phụ giúp kinh tế gia đình. Có những hoàn cảnh khó khăn sẽ khiến người ta trở nên mạnh mẽ hơn đấy em ạ!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn 

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI