Vợ bị tai nạn giao thông, chồng mới bớt uống rượu

11/08/2022 - 14:00

PNO - Hôn nhân thật mong manh trong cuộn phim dằng dặc đẫm mùi rượu của ông và đẫm nước mắt của bà. Nhiều lần bà ê chề vì chồng vô tâm, suốt ngày say xỉn.

“Tôm đâu mà nhiều quá! Tôm trên vách tường. Rồi mấy ông bạn thuộc “hiệp hội xơ gan” đến thăm mà sao cứ đứng ngoài ngõ, không chịu vào nhà”, ông Nguyễn Văn Bồn (70 tuổi, ngụ xã An Thạnh, H.Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) nói rồi rướn người định chạy ra kéo bạn vào, nhưng không nổi.

Có cánh tay níu giữ ông lại và giọng nói nhẹ nhàng cất lên: “Có ai đâu mà! Coi chừng té. Ở đây là bệnh viện, không phải nhà mình. Anh cứ nằm nghỉ đi!”. Bà Bùi Thị Kiểu, vợ ông Bồn, nói rồi lui cui lấy cơm, năn nỉ ông ăn để uống thuốc. Ông lắc đầu nguầy nguậy, bà giả bộ kiếm chuyện này nọ kể cho ông vui, rồi bà lại năn nỉ ông ăn miếng cơm, uống chút sữa.

Những ảo ảnh hỗn độn cứ vây lấy ông Bồn những đợt thần kinh suy nhược vì nghiện rượu nặng. Ông hoang tưởng, bỏ ăn, không đi đứng nổi, bà phải đưa ông lên bệnh viện huyện rồi tỉnh để vừa bồi bổ cơ thể vừa điều trị các bệnh nền vừa cai rượu cho ông. Nhà có trên 20 năm nấu rượu thì ông cũng ngót 50 năm làm bạn với ma men.

Sau cai rượu, sức khỏe ổn định, ông Nguyễn Văn Bồn phụ giúp vợ những việc nhẹ
Sau cai rượu, sức khỏe ổn định, ông Nguyễn Văn Bồn phụ giúp vợ những việc nhẹ

Trong chiều dài nửa thế kỷ nghiện ngập đó, ông làm nên không ít “huyền thoại” về... té bờ té bụi. Tổng số lần thì không thể nhớ hết, chỉ nhớ riêng cái ao giữa con đường làng khoảng 100m từ lộ đá vào nhà, ông đã “hạ cánh” xuống đó ba lần. Có lần lọt xuống cách bờ chỉ vài sải tay nhưng vì “quắc cần câu”, mất phương hướng, ông đã dùng hết sức bình sinh để lội sang... bờ bên kia. May mà bà con ở bên ấy phát hiện, kéo lên. Lần khác, ông phi gọn giữa hai hàng dây chì. Điều lạ là ông chỉ trầy trụa sơ sơ. Ông lồm cồm ngồi dậy, phủi phủi bụi đất, cười cười, lảm nhảm: “Tui có tổ rượu đỡ mà!”.

Vì bao phen “giải cứu” ông mà bà buộc phải tập chạy xe máy. Có người báo ông bị “thuyền chìm tại bến” tuốt bên ấp khác, bà đang chăm sóc vườn mía, vườn dừa cũng phải bỏ dở để qua rước về. Vướng ông chồng sáng xỉn chiều say, bà cứ hồi hộp, hoang mang khi ông xách xe ra đường chạy. Không rước thì mẹ chồng hối (mẹ chồng rất cưng ông vì ông là con trai một), đi rước thì khổ nhục trăm bề. Bạn bè, họ hàng châm chọc: “Ôm sát vô, hông ôm té à nhen! Vợ chồng tình quá!”.

Vùi trong men rượu, ông không làm vườn nổi. Bà bận việc đồng áng, nhờ ông đi ăn giỗ họ hàng của chính ông hoặc đi rước con cháu, có khi ông cũng quên béng. Chỉ có lời hẹn với “hiệp hội xơ gan” ở ấp trên là ông theo răm rắp. 

“Hiệp hội xơ gan” là cách gọi bất chấp của nhóm năm - sáu ông nhậu hùn rượu hùn mồi rồi cà kê bên nhau bất kể mặt trời mọc hay lặn. Đêm đêm, ông lận chai rượu vào giường ngủ. Bà phát hiện đem dẹp. Ông cứ theo đòi rồi lục tung nhà, chẳng ai ngủ nghê gì được nên bà đành trả lại ông.

Nghe vợ “kể tội” nhiều quá, ông Bồn đính chính: “Hồi đó tui cũng giỏi lắm à! Tại nhậu riết làm hết nổi”. Bà thừa nhận hồi trẻ, nói chính xác là hồi chưa nghiện rượu, ông rất giỏi. Vợ chồng hôm sớm có nhau. Bà cắt lúa, ông đập lúa; ông cuốc bờ, bà đặt mía; ông xắt thuốc lá, bà phơi. Những tưởng ông bà sẽ có một hạnh phúc trọn vẹn với kinh tế ổn định và những đứa con khỏe mạnh, dễ thương lần lượt ra đời...

Ông bẽn lẽn kể hồi đi coi mắt lén lúc bà mười mấy tuổi, đang làm rẫy. Ông mánh lắm, đi xe đạp lại mang dép bên thấp bên cao để bà không biết cái chân ông bị thương vì mìn nổ thời chiến tranh. Nhưng ký ức lãng mạn ấy thật mong manh trong cuộn phim dằng dặc đẫm mùi rượu của ông và đẫm nước mắt của bà. Nhiều lần ê chề vì chồng vô tâm, suốt ngày say xỉn lại thêm nhiều chứng tật, bà định vùng lên “thoát ngục” nhưng ba bà nói: “Tao gả rồi. Sống chết cũng phải ở. Có con có cái rồi, bỏ gì mà bỏ!”. Bà lại về vai một người vợ chiều chồng, đã gánh hết việc ruộng đồng, lại cộng thêm “nghiệp vụ” lau đắp khăn nóng, hốt đống ói khi ông xỉn say về-đúng-nhà.

Đưa ông đi cai rượu nhiều lần và nhiều lần ông tái nghiện nhưng bà vẫn vững lòng khi bên cạnh có bác sĩ hỗ trợ những đợt ông nghiện nặng, bỏ ăn. Với người uống rượu thay nước như ông, bà chỉ cần ông điều tiết tửu lượng khoảng dưới một xị như thời điểm này là ổn. Gia đình đã ngưng nấu rượu từ lâu, bà mua can rượu thủ sẵn trong nhà để ông không tự đi mua, lại lọt xuống ao hoặc nửa đêm lẻn qua gõ cửa nhà bên cạnh. 

Ảnh mang tính minh họa - JCOMP
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP

 

Bà rỉ rả khuyên ông: “Ông với tui già rồi, gần xuống lỗ rồi, ông ráng bớt bớt uống rượu cho ông khỏe, cho tui vui. Uống rượu hoài có té vàng té bạc gì đâu mà họ hàng nhìn vô chê cười mình, con cháu nó cũng mắc cỡ với nhà sui”.

Mấy tháng trước, không may bị tai nạn giao thông chấn thương sống lưng, bà tận dụng dịp này vừa thủ thỉ vừa răn đe: “Ông ráng bớt nhậu nhen! Chứ từ bây giờ tui không dìu đỡ ông nổi nữa đâu”. 

Với ông Bồn, từ tửu lượng mỗi ngày 1-1,5 lít rượu, ông bớt xuống còn không quá 1/4 lít như bây giờ là nhờ vợ khuyên và bản thân ông cũng tự ra nội quy cho mình. “Xưa giờ tui sống chung với rượu, không bỏ ngang được, không có nó là tui đi luôn. Nhưng giờ uống ít lại cho đỡ lè nhè, đỡ đổ bệnh khổ vợ khổ con” - ông Bồn nói. Ông khoe “thành tích” của mình là đã tự rót rượu vào ly được. Trước đây, có đợt sức khỏe xuống cấp, đầu óc lụ mụ, cơ thể rệu rã và tay run bần bật, ông cố rót từ chai vào ly mà rượu đổ ra ngoài hết trơn! 

Tô Diệu Hiền

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI