Vietnam International Fashion Week 2019: Những câu chuyện còn đọng lại

06/11/2019 - 19:38

PNO - Lần đầu tiên trong chặng đường 10 năm của Vietnam International Fashion Week (VIFW), các cá nhân khiếm khuyết, những hoàn cảnh kém may mắn rạng ngời xuất hiện trên sàn diễn.


Mùa thu - đông 2019 đánh dấu Vietnam International Fashion Week tròn 10 tuổi. Bên cạnh các giá trị thời trang, tôn vinh những nhà thiết kế đóng góp cho ngành, làm cầu nối cho những thương hiệu trẻ, chương trình còn cho thấy sự tiệm cận với thời trang thế giới ở những thông điệp nhân văn.

Lần đầu tiên trong chặng đường 10 năm của Vietnam International Fashion Week (VIFW), các cá nhân khiếm khuyết, những hoàn cảnh kém may mắn rạng ngời xuất hiện trên sàn diễn. Lớn có, bé có, tóc dài có, tóc ngắn và cả những đứa trẻ không có tóc cùng xuất hiện.

Vietnam International Fashion Week 2019:  Nhung cau chuyen con dong lai
Các cô bé có hoàn cảnh kém may mắn kết show Lucky Clover của nhà thiết kế Thảo Nguyễn

Đó là cô bé Hoàng Anh, sáu tuổi, lem nhem từ vỉa hè bước lên đường băng với nụ cười hồn nhiên. Đó là cô bé Hà My, bốn tuổi, mắc bệnh ung thư máu, ngơ ngác mang cả dây truyền dịch lên sân khấu, không giấu vẻ tò mò qua đôi mắt mở to khi được hoa hậu H’Hen Niê bế trên tay. Đó là cô gái trẻ Hà Phương, mười bốn tuổi, bị mất một phần cánh tay trái, nhưng lại có những bước sải chân dài tuyệt đẹp trên sàn diễn. Đó cũng là lần đầu tiên, những đứa trẻ này được khoác lên mình bộ váy áo kiêu sa, lộng lẫy đến dường ấy.

Phía sau cánh gà, bên dưới hàng ghế khán giả, những giọt nước mắt không ngừng rơi. Ngày 30/10, với bọn trẻ và người thân của các em rồi sẽ trở thành một ngày vô cùng đặc biệt và đáng nhớ. Cuộc sống của các em sau chương trình, không ai biết trước sẽ đổi thay như thế nào, nhưng chắc chắn, khoảnh khắc giấc mơ hóa hiện thực ấy giúp các em tự tin, yêu đời và mạnh mẽ hơn. Hà Phương chia sẻ: “Em tự hào về chiều cao, gương mặt của mình. Việc không có đủ hai cánh tay khiến em có thêm nhiều đức tính khác, chẳng hạn như suy nghĩ thấu đáo hơn, mạnh mẽ hơn và luôn cố gắng vượt qua mọi giới hạn của bản thân”. Cô gái này nuôi ước mơ trở thành người mẫu, làm nhà thiết kế.

Nhà thiết kế Thảo Nguyễn, người có ý tưởng đưa các em lên sàn diễn tâm sự: “Chúng tôi mong muốn giúp những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt như Hoàng Anh, để các em có thể "hiện thực hóa" những giấc mơ giản đơn, trong chính cuộc sống đời thường này”.

Tất nhiên, ở góc độ thời trang, một chương trình, một bộ sưu tập, một nhà thiết kế không được nhớ đến vì phục trang, mà chỉ vì những yếu tố “phụ” như trình diễn thái quá, tạo chiêu trò để gây chú ý hoặc câu nước mắt, lòng thương cảm, là thất bại lớn. Từ những mùa trồi sụt thất thường, thảm đỏ phản cảm, street style lố lăng, lo lắng này với VIFW hoàn toàn có cơ sở. Song thật may, ở mùa thời trang này, mọi thứ đã lắng dịu, nhường chỗ cho thời trang và những giá trị cốt lõi về văn hóa và tình người.

Come Home của nhà thiết kế Hoàng Hải, Mỵ Châu của Thủy Nguyễn, Yên của Adrian Anh Tuấn… không chỉ giới thiệu được hồn cốt văn hóa của người Việt từ trong tâm thức đến kỹ thuật thêu đính tinh xảo, từ hữu hình đến vô hình mà còn khơi dậy niềm tự hào về vẻ đẹp Việt.

Càng tự hào hơn khi giờ đây, thời trang Việt đã hòa cùng dòng chảy của thời trang thế giới, đã biết cách đồng hành, sẻ chia cùng những số phận, những mảnh đời, thay vì chỉ có phù phiếm, choáng ngợp, bóng bẩy; mà vẫn không gượng ép hay làm mất đi tinh thần kiêu hãnh vốn có. Vươn đến điều này, với VIFW, ở cột mốc 10 năm, thực sự là nỗ lực rất lớn và đáng nhớ. 

Lê Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI