Vietcombank từ chối cho ngư dân vay vốn đóng tàu bám biển: Lý do không chính đáng...

01/09/2016 - 09:17

PNO - “Việc từ chối cho vay tiền của ngân hàng Vietcombank là cản trở phát triển sản xuất, đầu tư của ngư dân trong lúc họ đang gặp khó khăn…”

Cản trở chủ trương nhân văn của nhà nước

Liên quan đến phản ánh của một số ngư dân tại xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh về việc bị ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Hồng Lĩnh  từ chối cho vay vốn đóng tàu lớn theo nghị định 67 của chính phủ với lý do Formosa xả thải, chiều 31/8, phóng viên báo Phụ nữ TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Đức, Chánh văn phòng TW Hội nghề cá Việt Nam.

Theo ông Đức, chủ trương cho ngư dân vay vốn đóng tàu xa bờ theo nghị định 67 của Chính phủ mang đầy tính nhân văn. Đặc biệt khi thảm họa môi trường Formosa đang khiến người dân điêu đứng thì sự hỗ trợ trên lại càng cần thiết.

Vietcombank tu choi cho ngu dan vay von dong tau bam bien: Ly do khong chinh dang...
Vietcombank từ chối cho ngư dân vay vốn đóng tàu ra khơi: Cản trở chủ trương nhân văn?

“Ngân hàng Vietcombank cho rằng giá hải sản giảm sau sự cố Formosa xả thải để ngừng cho các ngư dân ở Hà Tĩnh vay vốn là lý do đó không chính đáng. Thứ nhất ngư dân vay tiền để đóng tàu có phải xong luôn đâu, phải mất từ 1-2 năm mới hoàn thành. Khi đó thời gian khác, tình hình khác rồi.

Thứ hai là vừa qua các Bộ, ngành có các chủ trương hỗ trợ cho ngư dân sau sự cố Formosa để tái sản xuất và đầu tư sản xuất thì việc đầu tư cho vay vốn thì lại càng chính đáng hơn.

Dù thủ tục vay vốn thế nào tôi chưa nắm rõ, nhưng ưu tiên của Chính phủ thời gian qua là hỗ trợ cho ngư dân đi đánh bắt xa bờ, đóng tàu lớn để giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp. Như vậy hoàn toàn chính đáng và đúng”, ông Đức nhấn mạnh.

Ông Đức cũng khẳng định, trong văn bản của hội nghề cá Việt Nam gửi các ban, ngành sau sự cố thảm họa môi trường, hội cũng kiến nghị, đề xuất tạo điều kiện cho dân đóng tàu khai thác, thậm chí miễn tiền đối ứng vay đóng tàu theo nghị định 67 của chính phủ cho dân hoặc giảm cho dân để họ an tâm bám biển.

“Nếu nhận được kiến nghị của ngư dân Hà Tĩnh, chúng tôi chắc chắn sẽ có phản hồi đến ngân hàng. Đây là nguyện vọng chính đáng của người dân. Việc từ chối cho vay tiền của ngân hàng là cản trở phát triển sản xuất, đầu tư của dân trong lúc họ đang khó khăn”, ông Đức nêu quan điểm.

Nhà nước cần vào cuộc

Trong khi đó, nhìn nhận về mặt kinh tế ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội nghề cá TP Đà Nẵng cho ngân hàng Vietcombank chi nhánh Hồng Lĩnh cũng có lý khi quyết định dừng cấp tiền vốn cho ngư dân vay để đóng tàu cỡ lớn.

“Tôi nghĩ rằng Vietcombank là một doanh nghiệp nên khi kinh doanh Vietcombank phải tính toán tất cả mọi thứ, yếu tố đầu ra đến yếu tố đầu vào. Một khi yếu tố nào đó có thay đổi cơ bản so với lúc đầu thì ngân hàng có quyền xem xét lại.

Các cơ quan nhà nước nói rằng biển sắp tới sẽ an toàn lại nhưng lượng cá bao nhiêu, khả năng phục hồi thế nào thì họ chưa nói. Cho nên với một ngân hàng như Vietcombank, họ phải chịu trách nhiệm đồng vốn vay của mình. Họ đặt vấn đề như thế là đúng”, ông Lĩnh khẳng định.

Ông Lĩnh cũng cho rằng, nghị định 67 của chính phủ về cho ngư dân vay vốn đóng tàu cỡ lớn ra khơi bám biển là chủ trương hoàn toàn đúng. Tuy nhiên khi điều kiện thực tế có nhiều thay đổi thì ngư dân, các ban ngành cũng cần phải ngồi lại bàn bạc, tìm ra giải pháp tốt nhất khắc phục hậu quả.
 
“Không thể lấy lý do đây là chính sách của nhà nước, phải thực hiện bằng bất cứ giá nào. Ở đây, nhà nước phải vào cuộc, giải quyết triệt để vấn này. Phải có sự phân tích, đánh giá rồi 2 bên ngồi lại sẽ tốt hơn”, ông Lĩnh nhấn mạnh.

''Làm rõ vì sao Vietcombank không cho dân vay vốn''

Đó là khẳng định của bà Trần Thị Quốc Khánh (ĐBQH Hà Nội) trước việc 3 ngư dân tại xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh bị ngân hàng Vietcombank từ chối cho vay tiền.

Theo bà Khánh, đóng tàu lớn để đi ra khơi là chủ trương lớn của Đảng, nhà nước và đã được khẳng định rất rõ ràng. Thứ hai là qua sự cố Formosa, các bộ, ngành cũng hướng tới là làm thế nào để ngư dân bám biển và đi ra xa.

“Chủ trương ủng hộ cho ngư dân thì ai cũng thấy là được khuyến khích rất nhiều. Cho nên tôi cho rằng cần tạo điều kiện để ngư dân tiếp tục bám biển. Riêng trường hợp cụ thể này thì phải xem lại trách nhiệm của Vietcombank.

Nếu sự thật đúng như báo chí phản ánh thì người dân có thể thông qua chính quyền, thông qua UBND các cấp để có kiến nghị với ngân hàng. Các cấp chính quyền sẽ kiểm tra.

Lê Hoàng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI