Vì sao phương án xét tuyển dự kiến của Trường đại học Kinh tế Quốc dân bị phản đối?

04/07/2022 - 06:30

PNO - Từ năm 2023, Trường đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến không tuyển sinh theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, dành toàn bộ chỉ tiêu xét tuyển kết hợp.

 

Giáo sư Trần Thị Vân Hoa, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết hiện nhà trường mới dự kiến phương thức tuyển sinh năm 2023. Trong đó, dự kiến không xét tuyển “thuần” các tổ hợp truyền thống theo điểm thi tốt nghiệp THPT mà xét tuyển kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp THPT với các tiêu chí khác. Ví dụ, có thể xét điểm thi IELTS + kết quả thi THPT của hai môn toán và văn, hoặc kết hợp với một số tiêu chí khác.

Theo kế hoạch, 70% chỉ tiêu năm 2023 dành cho các thí sinh có chứng chỉ quốc tế, tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy hoặc xét hai tiêu chí này cùng nhau. 30% còn lại dành cho những em xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh và các điểm học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT. Với những dự kiến thay đổi này, đã có không ít lo ngại cho thí sinh vùng nông thôn, vùng khó khăn vì các em ít có cơ hội tuyển sinh bằng những phương thức khác ngoài học bạ, điểm thi THPT.

Chị Nguyễn Thanh Vân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng xét tuyển theo phương thức nào là quyền của các trường nhưng nếu một đại học công lập thì cũng cần duy trì tỷ lệ xét điểm tốt nghiệp THPT để đảm bảo sự công bằng cho cả những thí sinh vùng khó khăn. “Nếu đa số là xét tuyển dựa trên chứng chỉ ngoại ngữ, kỳ thi đánh giá tư duy thì nghiễm nhiên loại những thí sinh vùng nông thôn, miền núi ra khỏi “cuộc chơi” vì học sinh vùng khó khăn làm gì có điều kiện đi luyện thi. Bởi lẽ, một khóa ôn luyện IELTS khoảng 40 triệu đồng, chưa kể mỗi lần dự thi thì chi phí cũng tầm 5 triệu đồng”, chị Vân nói.

Theo thầy Trần Đức Ngọc, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.Hải Phòng): “Hiện nay với cơ chế tự chủ, trường đại học có quyền đưa ra các phương thức tuyển sinh để chọn được đầu vào nhưng tôi nghĩ rằng việc xét tuyển trong đó ưu tiên dùng chứng chỉ quốc tế chỉ phù hợp với học sinh ở thành thị vì các em có điều kiện tiếp cận và học tiếng Anh tốt nhất”. Cũng theo thầy Ngọc, trong tuyển sinh chúng ta cần tôn trọng quyền tự chủ của trường nhưng cũng cần đảm bảo quyền lợi cho thí sinh các vùng miền. 

Còn tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học Bộ Giáo dục và Đào tạo, không đồng tình với cách làm của Trường đại học Kinh tế Quốc dân vì cho rằng việc tuyển sinh từ chứng chỉ quốc tế cũng như kỳ thi đánh giá tư duy sẽ chỉ làm học sinh áp lực thêm và nảy nở nhiều lớp luyện thi với chi phí cao, điều này không đúng với tinh thần Nghị quyết 59 về việc tạo thuận lợi, giảm nhẹ thi cử cho học sinh. “Giỏi tiếng Anh cũng không chứng minh được sinh viên đó sẽ thành một sinh viên xuất sắc ở lĩnh vực mình đã chọn. Bởi lẽ, tiếng Anh có thể bồi đắp thêm trong quá trình học đại học. Sau thông tin này, có lẽ sẽ có nhiều “lò luyện thi” mọc lên và bao cố gắng giảm áp lực cho học sinh thì nền giáo dục lại quay trở lại thời kỳ luyện thi lên ngôi…”, tiến sĩ Lê Viết Khuyến nói. 

Đại Minh
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI