Vì sao doanh nghiệp không “mặn mà” với việc dự thầu mua vàng?

10/05/2024 - 06:12

PNO - Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 4 phiên đấu thầu vàng nhưng chỉ có phiên diễn ra ngày 23/4 thành công. Tuy nhiên, cũng chỉ có 2 đơn vị trúng thầu 3.400 lượng vàng và vẫn còn 13.400 lượng bị ế.

Không đủ khả năng dự thầu

Đại diện một doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng ở TPHCM cho hay, công ty ông không tham gia đấu thầu bởi không có tiền. Từ năm 2017 đến giữa năm 2023, công ty gần như không bán được hàng. Sức mua vàng - chủ yếu là vàng nhẫn - mới tăng trở lại từ giữa năm 2023 đến nay, nhưng do không có đủ nguyên liệu để sản xuất nên số sản phẩm cung ứng ra thị trường cũng hạn chế. Kinh doanh vàng miếng có rủi ro cao hơn nên các DN thường tập trung làm vàng trang sức.

Ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ, Kim hoàn TPHCM (SJA) - cho hay, ngoài các ngân hàng (NH) và DN thuộc NH kinh doanh vàng, nay chỉ còn 5 DN được phép kinh doanh vàng miếng là Mi Hồng, PNJ, SJC, Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý nhưng vốn không còn dồi dào như trước. Theo khảo sát năm 2023 của SJA, sức mua vàng miếng giảm mạnh, sức mua vàng trang sức cũng chỉ bằng khoảng 30% so với trước năm 2020 nên doanh thu giảm đến 70%. Các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ đều đóng cửa, một số DN từng có 1.000 thợ kim hoàn cũng giảm tới 60% nhân sự. Một số DN vừa công bố, lợi nhuận quý I/2024 giảm trong khi lẽ ra tăng bởi đây là quý có nhiều lễ hội.

Nhu cầu đầu tư vàng trong dân là có, nếu không đáp ứng đủ sẽ kích thích nhập lậu vàng. Ảnh chụp tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC). Ảnh Thanh Hoa
Nhu cầu đầu tư vàng trong dân là có, nếu không đáp ứng đủ sẽ kích thích nhập lậu vàng. Ảnh chụp tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC). Ảnh Thanh Hoa

Theo đại diện các DN, doanh thu trong quý I/2024 tăng nhưng giá vàng tăng quá cao nên lợi nhuận thấp. Bên cạnh đó, hơn 10 năm nay, do không có nguyên liệu để sản xuất, DN buộc phải mua vàng trong dân, có thể chịu rủi ro về giá, tính pháp lý (có thể mua phải vàng nhập lậu). Giá vàng tăng quá cao nên không có DN nào dám bỏ ra khoản tiền lớn để mua vàng nguyên liệu, các DN cũng không đủ khả năng tài chính để mua số lượng lớn. Thêm vào đó, điều kiện đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không hợp lý.

“Tôi thấy khó hiểu khi mỗi đơn vị phải đặt thầu tối thiểu 1.400 lượng, tương đương hơn 120 tỉ đồng. Với khoản tiền lớn như vậy, không nhiều DN đủ khả năng tham gia”.

Ông Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường, giá cả (Bộ Tài chính)

Ông Huỳnh Trung Khánh - Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam - dẫn chứng: mức giá đấu thầu mà NHNN đưa ra quá cao so với kỳ vọng của DN. Như ở phiên đấu thầu ngày 23/4, mức giá tham chiếu là 80,7 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng trên thị trường đã là 82,3 triệu đồng. Đến phiên đấu thầu ngày 3/5, giá do NHNN đưa ra là 82,9 triệu đồng/lượng, trong khi giá thị trường là khoảng 85 triệu đồng. Trên thực tế, chênh lệch giá giữa mua và bán luôn cao hơn 2 triệu đồng/lượng, nếu mua theo giá đấu thầu trên thì DN hầu như không có lời.

Theo đại diện một số DN, giá vàng thế giới đang là 71-72 triệu đồng/lượng nên việc NHNN bán mức 83 triệu đồng/lượng là quá cao. NHNN chỉ nên bán với giá 76-77 triệu đồng/lượng hoặc ít nhất là cho giá đấu thầu và giá thị trường chỉ chênh lệch khoảng 2 triệu đồng/lượng. Ông Huỳnh Trung Khánh nói: “Có DN phản ánh, mỗi ngày chỉ bán được 200-300 lượng vàng, nếu trúng thầu 1.400 lượng vàng, họ phải bán 5-7 ngày mới hết, trong khi giá vàng biến động theo từng giờ, nên rủi ro rất cao. Nếu chỉ đấu thầu ở mức 500 lượng vàng như năm 2013, DN sẽ mạnh dạn tham gia hơn”.

Bỏ độc quyền, tạo sự cạnh tranh công bằng hơn

Theo ông Huỳnh Trung Khánh, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp ngắn hạn để “hạ nhiệt” giá vàng. Về lâu dài, Chính phủ cần cho phép các DN nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Việc cho phép DN nhập khẩu vàng nguyên liệu không ảnh hưởng nhiều đến tỉ giá nếu NHNN quy định rõ về hạn ngạch (quota) theo từng năm, cũng không gây ra tình trạng “vàng hóa” khi các giao dịch đều bằng tiền đồng Việt Nam chứ không phải bằng vàng như năm 2004.

Ông phân tích, nhu cầu đầu tư vàng trong dân còn nhiều, nếu không có cách làm thỏa mãn nhu cầu này thì sẽ kích thích nhập lậu. Giá vàng nữ trang đang tăng khá cao, nếu giá vàng thỏi tiếp tục tăng và cao hơn giá vàng thế giới khoảng 10% thì sẽ gia tăng hoạt động nhập lậu vàng nữ trang, bởi giá vàng nữ trang ở Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia đang rất rẻ.

“Từ một nước có tiềm lực sản xuất với lực lượng thợ kim hoàn giỏi nhất nhì trong khu vực, nay Việt Nam sẽ chỉ còn con đường trở thành đại lý phân phối vàng nữ trang của các nước lân cận. Ngành chế tác, sản xuất vàng nữ trang trong nước sẽ chết trong tương lai” - ông Huỳnh Trung Khánh âu lo.

Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu - để thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới, NHNN phải cung ứng ra thị trường khoảng 10.000 lượng vàng. Việc đấu thầu chỉ phần nào giúp “hạ nhiệt” giá vàng trong ngắn hạn. Theo ông, Chính phủ cần sớm sửa Nghị định 24/2012 về quản lý vàng, theo hướng loại bỏ thương hiệu vàng quốc gia SJC để tạo thị trường cạnh tranh công bằng.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI