“Vì sao con tôi chết?”

06/09/2014 - 07:18

PNO - PN - Tỉnh dậy sau cuộc sinh mổ tại Bệnh viện Hùng Vương, chưa được nhìn thấy mặt con, chị B.T.C.L. (29 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM) chết lặng khi hay tin con gái vừa chào đời nặng 2,9kg đang trong tình trạng nguy kịch. Chưa hết cơn bấn loạn,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Cái chết bất ngờ

Cuối tháng Tám, dù còn yếu nhưng chị L. đã đến Báo Phụ Nữ giãi bày bức xúc. Chị L. kể: Từ lúc mang thai, tôi đã khám thai đầy đủ và đúng hẹn tại Bệnh viện (BV) Hùng Vương theo diện bảo hiểm y tế (BHYT). Thế nhưng, tôi chưa một lần được bác sĩ (BS) ở đây tư vấn trực tiếp, thậm chí đến khi thai ở tuần 36, BS cũng chỉ khám và căn dặn qua sổ khám thai như: nước ối ít, uống nhiều nước, cải thiện chế độ dinh dưỡng. Những lần tái khám ở tuần 37, 38 đều như vậy.

Đến khi thai 39 tuần, qua sổ khám thai, BS kết luận: thai yếu, nước ối ít và hẹn ba ngày sau tái khám. Hôm tái khám đúng vào thứ Bảy (ngày 2/8), nên chị L. chuyển qua khám ở khu A dịch vụ. “Nhờ khám dịch vụ nên lần đầu tiên tôi mới được một BS tư vấn trực tiếp và cũng nhờ khám dịch vụ nên BS siêu âm nghi em bé bị dây rốn quấn cổ. BS giải thích: thai yếu, nước ối ít hơn bình thường. Tôi có thể về nhà vài ngày sau tái khám, nhưng lại lo nếu bị vỡ ối sẽ khó xử trí kịp và BS khuyên tôi ở lại, nhập viện ở Khoa Sản. Thế nhưng, từ lúc nhập viện, ngày thứ Bảy và Chủ nhật, tôi chỉ được cho thuốc bổ, chứ không được thăm khám”.

“Vi sao con toi chet?”

Chị L. khóc, cho biết không đồng ý với kết luận của BV Hùng Vương

Đến thứ Hai, chị L. được khám và BS cho rằng khung chậu hẹp nên tiên lượng khó sinh.

Sáng thứ Ba (lúc này thai được 39,5 tuần), BS khác yêu cầu chị L. lên bàn nằm, bấm ối.

Chiều thứ Tư, BS cho thử thuốc để chích thuốc tạo cơn gò và gắn máy đo sức khỏe em bé suốt ba giờ.

4g sáng thứ Năm, chị L. ra nước ối không nhiều, ra máu ít, tử cung nở được 1cm. 8g, chị L. đau quằn quại, tử cung nở được 8cm và được đẩy xuống phòng sinh.

“Lúc đó, tôi sốt 38,50C, được truyền dịch, gắn máy theo dõi. Đến 10g, tôi than quá đau nhưng BS đến kiểm tra cũng không nói gì. 15 phút sau, máy monitor kêu tít tít tít… thì nữ hộ sinh chạy đến cho thở oxy và yêu cầu: Hít thở vô vì em bé đang yếu. Rặn đi… Tôi đang cố gắng rặn thì nữ hộ sinh kiểm tra nói bị chèn ép rốn và cho đi mổ cấp cứu. 10g30 đưa vô phòng mổ, chích thuốc tê và lấy em bé ra. Em bé thở được”.

Mẹ của chị L. nghẹn ngào: “Thế nhưng ngay sau đó cháu tôi được chuyển đến BV Nhi Đồng 1 trong tình trạng sinh ngạt và đã tử vong. BS nói nếu cứu sống, em bé cũng chỉ sống đời thực vật. Đến năm ngày sau sinh, tôi mới dám cho con gái biết chuyện, nó khóc suốt. Tôi khuyên con đừng khóc, không tốt cho người mới sinh. Khuyên thì khuyên vậy chứ người làm mẹ nào mà không đau, không khóc khi con mình như vậy. Sao cháu tôi đến tuần 39 vẫn đạp rất mạnh, sinh ra nặng đến 2,9kg mà phải ra đi?”.

“Gia đình tôi bức xúc vì BV Hùng Vương tắc trách, dẫn đến nguy kịch cho con; tại sao thai bị dây rốn quấn quanh cổ mà mãi đến 39,5 tuần mới phát hiện, trong khi có thể phát hiện dễ dàng ở thời gian sớm hơn? Khi biết tôi khung chậu hẹp, thai bị dây rốn quấn cổ, thai yếu lại không cho sinh mổ ngay để bắt con mà đợi đến nhiều ngày sau để cho sinh thường. Đến khi sinh thường không được mới chuyển sinh mổ. Nếu mổ kịp thời thì chắc chắn con tôi không bị như vậy. Chưa kể, nếu khám BHYT không được gặp BS tư vấn thì khám dịch vụ lại được gặp và nhờ đó mới phát hiện thai bị dây rốn quấn cổ. Vậy khám BHYT là không quan tâm đến người bệnh?” - chị L. khóc nấc.

Có hay không việc bé bị dây rốn quấn cổ?

“Vi sao con toi chet?”

Bệnh viện Hùng Vương

BS Nguyễn Thị Bạch Nga - Phó giám đốc BV Hùng Vương khẳng định: trường hợp này suy tim thai trong lúc chuyển dạ khiến bé sinh ra bị ngạt và tử vong. Đây là rủi ro y khoa, chứ không phải bị dây rốn quấn cổ như phản ánh của chị L. Khi mổ bắt thai không thấy dây rốn quấn cổ. Tình trạng tim thai đột ngột suy yếu hoàn toàn không có dấu hiệu cảnh báo trước đó; gặp những trường hợp này khó cứu vãn được. Sở dĩ lúc đầu BV quyết định cho sinh thường vì: khung chậu của sản phụ bình thường chứ không hẹp, nhập viện vì ối ít chứ không phải cấp cứu, biểu đồ tim thai ghi nhận từ lúc nhập viện đến lúc vô phòng sinh không có giai đoạn nào là biểu hiện đe dọa em bé. Sản phụ chuyển dạ thuận lợi, 4g sáng cổ tử cung nở 1cm thì sau bốn giờ đã nở được 8cm nên nhân viên mới chuyển xuống phòng sinh. Hơn nữa, sinh thường sẽ lợi hơn sinh mổ vì tỷ lệ nhiễm trùng sau sinh mổ lên đến hai-ba ca/100 ca. Mặt khác, nếu không còn nước ối vẫn sinh thường được. Nhưng không may là sau đó, nhịp tim thai chậm đột ngột và BS phải điều trị tích cực, quyết định đẩy vào phòng mổ bắt con.

Theo BS Nga, do trong lúc chuyển dạ, thai nhi bị chèn ép rốn tức là dây rốn bị kẹt giữa thai với tử cung nên bé bị thiếu máu nuôi. Riêng về việc khám thai diện dịch vụ hay BHYT thì quy trình khám đều như nhau, thực tế trong sổ khám thai đều có chữ ký của BS, chứng tỏ BS có theo dõi sức khỏe cho thai phụ. Mỗi lần khám thai, với trường hợp bình thường thì chỉ cần nữ hộ sinh, điều dưỡng hướng dẫn vì họ cũng được tập huấn; riêng những ca có vấn đề, BS mới tư vấn trực tiếp cho thai phụ. Và đó là lý do tại sao khi chị L. được gặp BS ở tuần 39 vì ối ít. Riêng thứ Bảy và Chủ nhật, dù BV ít BS hơn ngày thường nhưng vẫn có BS theo dõi qua sổ sách, sàng lọc chứ không phải thiếu quan tâm bệnh nhân.

Phản hồi về cách trả lời của BV Hùng Vương, sản phụ L. nói: “Tôi không có chuyên môn nên BV nói gì tôi nghe nấy; tuy nhiên, có nhiều điểm tôi thấy chưa phù hợp. Nếu không có dây rốn quấn cổ thì tại sao trên cổ con tôi có vết bầm và trước đó BS khám nói nghi ngờ dây rốn quấn cổ? Chính vì nghi ngờ nên BS khuyên tôi nhập viện. Tôi cũng bị thiếu ối từ trước đó nhưng đến tuần 39 mới được gặp BS, rõ ràng khám dịch vụ khác với khám BHYT. Mặt khác, ở tuần 38, sau hai lần đo tim thai cũng phát hiện tim thai yếu, như vậy đã có dấu hiệu suy tim thai; tại sao không mổ cho tôi lúc đó? Chưa kể, sau bốn giờ chờ sinh, tử cung của tôi chỉ nở được 4cm chứ không phải 8cm nhưng tất cả hồ sơ bệnh án do BV giữ”.

Một chuyên gia sản khoa cho biết: chèn ép rốn là khi dây rốn bị chèn ép làm cản trở lưu thông các mạch máu, thai nhi không được nuôi dưỡng gây suy thai. Chèn ép rốn không chỉ do dây rốn bị chèn giữa phần thai và thành tử cung hoặc khung chậu người mẹ như BV Hùng Vương trả lời mà còn có thể do dây rốn quấn cổ em bé, dây rốn thắt nút. Do đó, trong trường hợp này, chị L. tin vào việc thai nhi bị dây rốn quấn cổ và khi khám thai, BS cũng nghi ngờ dây rốn quấn cổ là có cơ sở. Dù có nhiều trường hợp thiểu ối hoặc dây rốn quấn cổ vẫn sinh thường được, nhưng nếu khung chậu hẹp thì phải mổ lấy thai. Còn nếu khung chậu không hẹp thì vẫn có thể theo dõi sinh bình thường. Riêng nguyên nhân thai suy do chèn ép rốn có thể phát hiện sớm qua biểu đồ tim thai được ghi nhận trong quá trình chuyển dạ; nhưng đôi lúc dây rốn bị chèn ép trễ. Khi đã bị chèn ép như thế chỉ có cách lấy thai ra thật nhanh mới hy vọng cứu được em bé.

Theo các BS sản khoa, dù lúc nhập viện đến lúc vào phòng sinh, tim thai không có dấu hiệu đe dọa nhưng ở tuần thai 38, tim thai đã có dấu hiệu suy yếu thì không nên chích thuốc tạo cơn gò vì cơn gò sẽ làm giảm máu đến thai nhiều hơn, thai dễ bị suy hơn. Dù thiểu ối vẫn có thể sinh thường, nhưng tốt nhất là mổ để tránh thai dễ bị kẹt trong khung chậu, ngạt thở… Trường hợp này có quá nhiều yếu tố nguy cơ, tốt nhất BS chỉ định mổ, không nên bắt sản phụ phải trải qua nhiều thử thách. Riêng việc lo ngại nhiễm trùng là không cần thiết vì nếu có nhiễm trùng thì sản phụ bị ảnh hưởng chứ bé không bị, trong trường hợp này phải ưu tiên cho bé trước.

 Thanh Khê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI