Về làng họa sĩ nông dân

31/01/2019 - 06:00

PNO - Kỳ lạ bậc nhất phải kể đến làng họa sĩ Cổ Đô trên trấn Sơn Tây xưa. Ở đó, mỗi người nông dân đều một tay cày ruộng, một tay cầm cọ vẽ tranh.

Từ ngày Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, nét văn hoá chốn kinh kỳ càng thêm phong phú, độc đáo. Kỳ lạ bậc nhất phải kể đến làng hoạ sĩ Cổ Đô trên trấn Sơn Tây xưa. Ở đó, mỗi người nông dân đều một tay cày ruộng, một tay cầm cọ vẽ tranh. Có lẽ vì thế mà không có tranh nơi nào thể hiện được trọn vẹn làng quê Việt, tâm hồn Việt mộc mạc, giản dị, thân thương như tranh của người Cổ Đô.

Nghệ thuật – giản đơn là hơi thở thường ngày

Ve lang hoa si nong dan
Những tác phẩm mang dáng dấp của chính làng quê Cổ Đô.

Trong khi làng quê Bắc Bộ đang đô thị hoá với tốc độ chóng mặt, thì Cổ Đô (H. Ba Vì, TP. Hà Nội) vẫn vẹn nguyên chất “làng”: Bên này đê là mái ngói rêu phong dưới những hàng cau tít tắp, từng đàn vịt bơi tung tăng dưới ao chuôm lặng lẽ; bên kia là sông Hồng ngàn năm thao thiết chảy, chở theo nặng đỏ phù sa. Men triền đê bên rìa con nước, từng tốp học sinh cắp theo giấy, bút ngồi hoạ lại hình ảnh thân thuộc quê mình. Chiều đến, mỗi góc trong xóm nhỏ lại trở thành nơi đặt giá vẽ để những người hoạ sĩ nông dân chuyển cái tình dành cho làng quê qua những nét cọ.

Từ triều Lê, danh thơm đất Cổ Đô đã được biết đến là nơi chôn nhau cắt rốn của Thượng thư Nguyễn Sư Mạnh, Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân. Bây giờ, Cổ Đô được biết đến là ngôi làng duy nhất trên dải đất hình chữ S có đến hai bảo tàng mỹ thuật, tám phòng tranh; với những hoạt động hội hoạ sôi nổi của cả những hoạ sĩ chuyên nghiệp đến hoạ sĩ nông dân, lớp lớp lứa tuổi ngay giữa vùng quê đặc sệt nông thôn.

Ve lang hoa si nong dan
Hình ảnh đẹp của làng được tái hiện trong tranh đầy màu sắc

Từ những hoạ sĩ đã thành danh đến những “hoạ sĩ làng”, không ai hiểu vì sao cái máu hội hoạ lại chảy mãnh liệt trong huyết quản của người Cổ Đô đến thế. Trưởng thôn, hoạ sĩ Nguyễn Ngọc Nho thốt lên: “Không thể hiểu được tại sao Cổ Đô lại có ngày “phát tích” trở thành làng hoạ sĩ?! Chỉ biết rằng cha ông chúng tôi đã nhiều đời cầm cọ”.

Trở về từ ngoài ruộng, hạ cái sọt rau trên xe thồ xuống, rửa vội tay chân rồi bước vào giá vẽ, mùi sơn dầu, mùi bùn ngai ngái còn váng vất quyện vào nhau, hoạ sĩ Đỗ Sự bảo: “Không biết do mạch nước hay do điều gì mà hầu hết người Cổ Đô đều say mê hội hoạ từ tấm bé. Tôi chỉ là anh hoạ sĩ nông dân, như đa phần những hoạ sĩ nghiệp dư của làng, tôi không qua bất cứ trường lớp đào tạo hội hoạ nào mà chủ yếu là tự học. Tôi chỉ biết hội hoạ đã trở thành một phần cuộc sống của tôi, như thể cơm ăn, nước uống, hơi thở thường ngày”.

Ve lang hoa si nong dan
Những bức tranh đẹp của những họa sĩ 'làng'

Hội hoạ đã có mặt ở Cổ Đô và âm ỉ từ lâu. Đến khi hoạ sĩ Nguyễn Sỹ Tốt (1920-2002) - người con ưu tú của Cổ Đô theo học Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật), được danh hoạ Tô Ngọc Vân trực tiếp giảng dạy và trở thành một trong những hoạ sĩ tài danh của mỹ thuật Việt Nam; người làng đến xem tranh của ông đầy háo hức, say sưa. Thấy làng mình có nhiều người quan tâm đến hội hoạ, hoạ sĩ Sỹ Tốt đã dốc hết “vốn liếng” của mình để truyền lại kiến thức cho những người nông dân yêu thích vẽ tranh.

Từ đó, than hồng đã được hoạ sĩ Sỹ Tốt thổi bùng thành ngọn lửa. Bây giờ, giáo viên dạy mỹ thuật của huyện Ba Vì có đến 2/3 là người Cổ Đô; nhiều người lên phố lập nghiệp, kiếm kế sinh nhai bằng các nghề liên quan đến hội hoạ, đồ hoạ; mà rất nhiều người trong số đó là con nhà nông dân “xịn”.

Ve lang hoa si nong dan
Một góc nhỏ của làng Cổ Đô vào tranh

Hồn quê chỉ có trong tranh làng Cổ Đô

Người xứ Đoài chốn này vẫn bảo ông tổ “làng hoạ sĩ” - hoạ sĩ Sỹ Tốt - là người mang trọn vẹn tâm hồn Cổ Đô, ông thấu cảm từng hơi thở của đất, của tiếng mo cau rơi, của tiếng bung cánh nở muôn loài hoa đồng nội rồi tạo nên những tác phẩm nghệ thuật cuốn hút người xem bằng sự sâu lắng dồn nén, rồi chợt bùng lên hòa quyện trong sắc màu biến ảo với bút pháp khoáng hoạt, khỏe khoắn và đầy tự tin.

Tranh hay tính cách của ông đều toát lên nét thuần hậu và chất phác, không duy lý, lập dị, lại càng không chạy theo cái mốt thời thượng nào đó mà rất nhiều hoạ sĩ cùng thời đã gồng mình đeo đuổi.

Hoạ sĩ Nguyễn Văn Nhất được kế thừa cái gen hội hoạ của ông nội tài hoa. Mặt vuông chữ điền, răng thuốc lào ám khói. Gia đình đã rèn giũa để anh biết gắn bó, yêu thương từng thớ đất trên cánh đồng làng, đôi tay cũng đủ chai sần vì dãi nắng dầm mưa với những công việc của nhà nông. Song gia đình cũng nuôi dưỡng tâm hồn anh với những nét gạch non nguệch ngoạc trên sân từ những ngày bé xíu. Lớn thêm chút nữa, anh vẽ trên giấy rồi được học hội hoạ từ chính người ông đáng kính của mình.

Ve lang hoa si nong dan
Những nét vẽ chuyên nghiệp của các họa sĩ nông dân xịn

Đến bây giờ, làm nông và vẽ tranh vẫn là hai công việc luôn song hành, không thể thiếu vắng trong cuộc sống bình dị, chất phác mà thơ mộng của anh, cũng như của những người con làng Cổ Đô thuần hậu.

Khác với hầu khắp các gia đình Việt thường treo những tấm ảnh lồng trong khung kính, trên tường của rất nhiều gia đình Cổ Đô là những bức tranh do chính họ tự vẽ, hình ảnh trong tranh là những khung cảnh thân thương, quen thuộc trong đời sống của người Cổ Đô: bến nước, con đò, sóng lúa nhấp nhô, chiều xanh in bóng núi Ba Vì, cây đa giếng gạch…

Tuổi đã ngoài bảy mươi, cả cuộc đời tay chàng, tay đục mưu sinh bằng nghề mộc, đúng cái quãng bước chân sang ngưỡng “cổ lai hy”, sau bao năm trải đủ dâu bể của cuộc đời, ông Hoàng Lượng bỗng tìm lại được an vui trong những bức tranh.

Ve lang hoa si nong dan
Đến Cổ Đô, khách dễ dàng bắt gặp những hình ảnh này

Ở Cổ Đô, bảy mươi tuổi mới bắt đầu cầm cọ vẽ như ông là quá muộn, song cũng như bao người dân quê khác, ông đến với hội hoạ bằng tất cả những gì trong trẻo nhất của tâm hồn. Tình yêu nghệ thuật trong ông có lẽ nảy mầm từ chính tình yêu quê hương, yêu bờ đê, ruộng vườn rất đỗi giản dị.

Mắt đã phải đeo kính lão, hàm răng móm mém, xiên xiêu, ông Lượng bảo: “Tôi mới cầm cọ, đến với hội hoạ được dăm năm. Tôi là nông dân, nên tranh của tôi là đồng ruộng, ao chuôm, gà vịt… Tôi muốn mang cuộc sống đời thường vào tranh để người xem thấy được hồn quê thông qua những hình ảnh đẹp của quê mình".

Ve lang hoa si nong dan
Những họa sĩ nông dân nhiều lứa tuổi cùng đam mê vẽ.

Chính vì “làng hoạ sĩ” là ngôi làng của những người nông dân sớm sớm lao động trên cánh đồng làng, chiều về an nhiên bên giá vẽ hoạ lại những cảnh sinh hoạt thân thuộc của làng quê; nên tranh của người Cổ Đô luôn có những nét cuốn hút, thú vị, đặc sắc rất riêng.

Những bức tranh có thể còn chưa chuẩn về bố cục, vụng về màu sắc nhưng lại thấm đẫm hồn quê và cái tình chân thật của người nhà quê. Ở đó có hồn cốt Việt, làng quê Việt đầy trong trẻo, bình dị, mộc mạc; làm nên cái nhìn đầy hồn nhiên về nghệ thuật, vô tư trước nghệ thuật của người “làng hoạ sĩ” Cổ Đô.

Ve lang hoa si nong dan
Thế hệ tương lai của làng đã được tập vẽ ngay từ bé

Bài và ảnh: Ngọc Minh Tâm  

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI