“Vẽ” lại cuộc đời sau biến cố

13/07/2023 - 06:08

PNO - Từng rơi vào chán nản vì phải nằm liệt giường, chị Hiền đã tìm đến với hội họa và dần lấy lại được niềm vui, ý nghĩa trong cuộc sống. Dù đi lại khó khăn, nhưng người phụ nữ này vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động của hội phụ nữ nhằm gieo thêm nghị lực vượt qua nghịch cảnh cho nhiều chị em.

Cẩn thận gói lại bức chân dung vừa hoàn thành cho một khách hàng ở Bình Dương, chị Trần Thị Hiền - 41 tuổi, trú xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An - cười nói: “Mới xem tranh qua điện thoại. Khách khen đẹp và trả tiền trước cho tôi rồi”. Nhờ cha mang tranh ra bưu điện gửi cho khách, chị Hiền quay vào nhà để hoàn thành nốt 2 bức khác cũng do khách đặt vẽ vài hôm trước.

Những bức tranh chân dung của chị Hiền được nhiều người đánh giá là đẹp và có hồn
Những bức tranh chân dung của chị Hiền được nhiều người đánh giá là đẹp và có hồn

Nếu chỉ nhìn những bức tranh truyền thần chân thực, sống động do chị Hiền vẽ treo khắp nhà, thì khó hình dung được tác giả lại là một người tàn tật, chân tay co quắp, cử động khó khăn. Trước đây, chị cũng bình thường như bao cô gái khác. Nhưng năm 14 tuổi, chị phải nhập viện điều trị sau 1 lần cảm cúm. Những tưởng chỉ là “bệnh vặt”, nào ngờ bệnh ngày càng nặng, chị rơi vào hôn mê sâu với chẩn đoán bị cảm hàn biến chứng dẫn đến viêm đa khớp. 

Sau hơn 3 tháng điều trị, chị Hiền trở về với chân tay co quắp, nằm bất động trên giường. Đó là khoảng thời gian tồi tệ nhất đối với một cô gái đang độ “trăng tròn”. “Hoàn cảnh gia đình vốn đã khó khăn, nay mình lại trở thành gánh nặng cho người thân”, suy nghĩ ấy khiến Hiền rơi vào tuyệt vọng và từng nghĩ đến việc “giải thoát” cho bản thân để gia đình đỡ cực.

Nhưng rồi được cha mẹ động viên, khích lệ mỗi ngày, Hiền dần chấp nhận số phận và bắt đầu tập ngồi, tập đi bằng đôi nạng gỗ. “Sau 2 năm uống thuốc và nỗ lực luyện tập, nó mới chập chững đi được bằng đôi nạng gỗ. Mới vậy thôi mà đã mừng lắm đó” - bà Chu Thị Cúc - mẹ chị Hiền - cho hay. 

Bà Cúc cho biết thêm, ngày nhỏ, con gái bà rất hay vẽ. Nhiều người cũng thường khen Hiền có “hoa tay”, vẽ đẹp, nhưng bà Cúc thường xuyên quát mắng con gái về tội dán tranh vẽ khắp nhà. Năm 2019, khi chị Hiền quyết định học nghề vẽ để “giết thời gian”, bà Cúc vừa mừng vừa lo. Mừng vì con gái đã tìm được mục tiêu cuộc sống, song lại lo sức khỏe con quá yếu, sao có thể cầm cọ được…

Cẩn thận luồn chiếc bút chì qua bàn tay co quắp, chị Hiền cố nắm chặt để bút không rơi. Chị bảo rằng, một lần lên mạng, thấy một lớp học vẽ tranh truyền thần online, chị tìm hiểu rồi nhắn tin cho giáo viên “xin học nợ”. “Lúc đầu thầy bật cười, nhưng sau khi nghe tôi trình bày hoàn cảnh, thầy tặng luôn khóa học 6 tháng” - chị Hiền kể. 

Vẽ vốn là niềm đam mê của chị Hiền từ ngày còn nhỏ, nhưng việc cầm bút, cầm cọ trở nên quá khó khăn khiến chị nhiều lần muốn bỏ cuộc. Sau những bức tranh gửi lên lớp, được các bạn học viên và thầy giáo khen ngợi, chị như được tiếp thêm động lực để theo đuổi đam mê.

Hoàn thành khóa học, chị Hiền vừa tiếp tục học hỏi các kỹ năng vẽ tranh truyền thần trên mạng, vừa bắt đầu vẽ chân dung cho những người thân trong gia đình. Sau khi hoàn thiện bức vẽ, chị thường chụp lại rồi giới thiệu trên mạng xã hội cho bạn bè xem. Sau khi xem tranh, nhiều người đã liên hệ thuê chị vẽ chân dung. Ngoài vẽ chân dung, chị Hiền còn nhận vẽ phục chế chân dung để làm ảnh thờ cho những người có nhu cầu.

Sau hơn 3 năm theo nghiệp vẽ, chị Hiền đã có hàng trăm bức tranh. “Nhiều người khi nhận tranh, họ hỏi có phải tôi vẽ thật không? Tại sao một người liệt giường lại vẽ đẹp, có hồn đến vậy?” - chị Hiền tự hào. Và những nghi ngờ ấy đã trở thành nguồn động viên tinh thần giúp chị vững bước trên con đường đã chọn. 

Sau 3 năm theo nghề vẽ, đến nay chị Hiền đã vẽ được hàng trăm bức tranh chân dung
Sau 3 năm theo nghề vẽ, đến nay chị Hiền đã vẽ được hàng trăm bức tranh chân dung

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thuận Sơn - cho biết, dù cơ thể khiếm khuyết, đi lại phụ thuộc vào xe lăn, nhưng chị Trần Thị Hiền vẫn luôn là một hội viên rất nhiệt tình trong các phong trào của Hội Phụ nữ xã. Thu nhập từ vẽ tranh chưa nhiều, nhưng chị Hiền vẫn luôn trích ra một khoản để ủng hộ vào các chương trình của hội như “Con heo tiết kiệm”, “Nhóm tiết kiệm phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”… Chị Trần Thị Hiền cũng là một tấm gương về nghị lực sống mà Hội Phụ nữ xã Thuận Sơn thường nhắc đến để các hội viên có thêm nghị lực vượt qua khó khăn.

Nói về việc làm của mình, chị Hiền mỉm cười bảo rằng: “Việc nhỏ ấy mà. Chỉ tiếc là tôi không tham gia được nhiều các hoạt động với hội vì đi lại khó khăn. Nhờ người khác chở đi lắm khi cũng phiền”. Chị bảo, cuộc sống luôn có rất nhiều khó khăn, biến cố.

Nhưng hãy cứ mạnh mẽ theo đuổi ước mơ. Tuy không dễ như đối với người bình thường, nhưng nếu cố gắng nhất định sẽ gặt hái được thành quả. 

Phan Ngọc

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI